Phòng khám "ngoại": BS ngoại khám có yên tâm?
Thời gian qua, nhiều cơ sở KCB có yếu tố nước ngoài được thành lập để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh của một bộ phận không nhỏ người dân tại các TP lớn.
Trong khi một vài cơ sở KCB đã tạo được lòng tin với người bệnh thì vẫn còn khá nhiều những cơ sở KCB có yếu tố nước ngoài vẫn "duy trì" kiểu làm ăn chộp giật, thậm chí vì lợi ích kinh tế mà sẵn sàng xem nhẹ sức khỏe, tính mạng của người bệnh…
Đột nhập những phòng khám đông y "ngoại quốc"
Chỉ cần dạo qua vài tuyến phố trên đường Láng Hạ, Giải Phóng… sẽ dễ dàng bắt gặp những Trung tâm KCB đa khoa có yếu tố nước ngoài. Nhìn vẻ bên ngoài với những lời giới thiệu quảng cáo "chi chít", nhiều người sẽ tưởng đó là các Trung tâm y tế tốt với đội ngũ bác sĩ cùng trang thiết bị hiện đại. Thế nhưng chỉ cần bước chân vào những phòng khám này bệnh nhân sẽ thấy khác với những gì mình tưởng tượng. Ở phòng khám đông y trên đường Láng Hạ, các bác sĩ ở đây không ai mặc đồng phục.
Những bộ quần áo blu đục màu, treo lơ lửng trong phòng như sự trưng bày cho "bắt mắt" và dường như đã lâu ngày không ai thèm đụng tới, vẫn còn nguyên những vệt bụi bám vào. Trên hàng ghế bệnh nhân "lèo tèo" vài người bệnh trong bộ mặt thẫn thờ ngồi chờ tới lượt khám. Chị N.M.T., ở tỉnh Ninh Bình, một bệnh nhân tại phòng khám này cho biết, chị đã tới đây điều trị bệnh phụ khoa được 3 lần. "Chị đến để hỏi thêm về bệnh của mình và xin bác sỹ cho lấy thuốc, vì vài hôm trước chị đã đến kiểm tra và "nộp tiền cọc" rồi. Bây giờ chị đang chờ cô y tá lần trước khám trực tiếp cho chị để dễ nói chuyện", chị T. nói.
Mặc dù phòng khám không thật nhiều bệnh nhân nhưng người bệnh vẫn phải chờ đợi trong sự lo lắng, sốt ruột. Nhiều lần chị T. cứ nhấp nhổm đứng lên, ngồi xuống để ngó nhìn bác sĩ, được một lúc chị T. liền đi tới hỏi bác sĩ trực ghi sổ khám bệnh cho bệnh nhân thì được vị bác sĩ này đề nghị mang tiền đến lấy thuốc thì sẽ được khám tiếp, bởi bệnh tình của chị khá nặng và phải tuân theo đúng từng giai đoạn điều trị của bác sĩ Trung Quốc. Tất nhiên khi thực hiện theo sự điều trị của các vị bác sĩ tới từ quốc gia có nền y học phương Đông "phát triển" thì ngoài tiền khám, người bệnh còn phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua những loại thuốc không có ở Việt Nam... Lặng người trước lời giải thích theo kiểu chợ búa của vị bác sĩ này, chị T. chỉ biết rơm rớm nước mắt nghẹn ngào: "Bây giờ em chưa chạy được một lúc 5 - 7 triệu đồng mà em chỉ chạy được ít một thôi. Mọi lần đến, em chỉ lấy thuốc với số tiền dưới 1 triệu đồng thôi, chứ làm sao em đủ để có một khoản tiền lớn như thế…".
Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra hoạt động của một Phòng khám Đa khoa nước ngoài. Ảnh: TL
Trường hợp của chị T. không phải là ngoại lệ tại phòng khám này. Một bệnh nhân đứng tuổi với vẻ mặt mệt mỏi ngồi đợi bác sĩ chờ lấy thuốc. Ngồi được một lát, ông cụ được các bác sĩ gọi ra nộp tiền thuốc. Lật đật mở chiếc ví cũ, ông cụ đếm từng đồng và đưa cho người nhận tiền thuốc của phòng khám. Nộp tiền xong, ông cụ lại tiếp tục chờ bác sĩ bốc thuốc trong phòng. Thực ra, cụ bị bệnh mất ngủ trong thời gian dài, đã chữa ở nhiều nơi nhưng chưa khỏi. Thấy tivi quảng cáo nên ông cụ thử đến phòng khám đa khoa này xem sao, dẫu biết sẽ rất đắt và không biết bệnh tình có thuyên giảm không. "Mới chữa thôi, đây mới là lần thứ 2 của tôi, đợt vừa rồi được 6 ngày. Theo lịch trình là 20 ngày cơ nhưng tôi cứ vừa uống vừa nghe. Đến thời điểm này vẫn chưa thấy hiệu quả của thuốc. Phòng khám tư nên giá cả đắt lắm, đắt hơn bình thường phải đến 40%. Tôi thấy trên tivi quảng cáo nên tôi biết và đến khám thử rồi mua thuốc. Khi quảng cáo thì thấy nói nếu dùng thuốc 7 - 10 ngày thì tặng 3 thang thuốc hoặc nếu theo đến cùng sẽ được giảm giá bao nhiêu đó. Đại khái là như thế nhưng có thấy giảm gì đâu", ông cụ tâm sự. Mặc dù mỗi ngày ông cụ uống hết 800 nghìn đồng tiền thuốc nhưng vẫn không khỏi lo lắng cho bệnh tình của mình: "Uống thì cứ uống thôi, đúng bệnh thì nó mới khỏi và uống lâu dài. Tuy nhiên mình cũng phải đề phòng, nếu một lịch trình tầm 20 ngày thì cứ chia ra thành nhiều đợt, vừa uống vừa xem có khỏi không. Nếu đợt này không khỏi, tôi cũng dừng luôn…".
Lương y rởm chữa bệnh như… giết người
Ngày 28/6 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã nhận được thông tin về đơn thư khiếu nại, tố cáo của bệnh nhân đến khám tại Phòng khám Đa khoa M. trên phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội, và đã tổ chức họp để xử lý những sai phạm này. Cụ thể tháng 4 vừa qua, bệnh nhân này đến kiểm tra vòng tránh thai tại Phòng khám Đa khoa M. sau khi xem quảng cáo trên truyền hình. Tại đây, chị được một bác sĩ người Trung Quốc khám, có người phiên dịch. Sau khi làm một loạt các xét nghiệm như: dịch âm đạo, nước tiểu, siêu âm, nhóm máu… vị bác sỹ khám cho chị đề nghị điều trị ngay nếu không căn bệnh của chị sẽ dẫn đến ung thư rất nhanh, nhưng chị chưa đồng ý.
Đến tối, khi về nhà, chị nhận được điện thoại của một người xưng là nhân viên của Phòng khám Đa khoa M. gọi tư vấn và giải thích thêm tình trạng bệnh. Nhân viên này còn cho biết: "Bác sĩ nói, chị còn bị mắc thêm bệnh sùi mào gà, nếu không chữa sẽ lây sang chồng và các con". Vì thế, chị đã đồng ý điều trị. Bệnh nhân này đã ở lại điều trị 4 ngày với chi phí gần 24 triệu đồng và được bác sỹ cho biết, sẽ còn phải điều trị ít nhất thêm 15 ngày nữa. Do không có đủ tiền nên chị đã ngừng điều trị, vào một cơ sở y tế công lập để kiểm tra và điều trị tiếp. Tại đây, chị được các bác sỹ cho biết, không bị bệnh gì, sức khỏe hoàn toàn bình thường…
Một trường hợp khác là của bệnh nhân N.M.H.phản ánh, chị đi khám ở phòng khám này vào giữa tháng 12/2011, riêng ngày đầu tiên đã phải chi 3,7 triệu đồng. Các bác sỹ cho biết, chị phải điều trị ít nhất 5-7 ngày, hỏi ai chị cũng được biết mỗi ngày phải tốn trên 3 triệu đồng. Nghĩ mình không đủ tiền nên chị đã vào BV công để khám thì mới "ngã ngửa" ra là chẳng có bệnh gì. Bệnh nhân B.T.T.H. chỉ bị viêm âm đạo (mức độ nhẹ) nhưng khi vào khám, đóng 300 nghìn đồng tiều siêu âm xong chị bị kết luận là viêm cổ tử cung và lấy dịch làm xét nghiệm, đồng thời phải đóng 800 nghìn đồng tiền xét nghiệm. Sau 2 phút xét nghiệm(!?), chị được bác sĩ cho biết bị nhiễm khuẩn, nhân đông, chảy mủ,… nếu không điều trị ngay sẽ không có con, dễ sảy thai và chết lưu. "Họ không hỏi tôi là đã sinh con chưa, có nạo hút không,… Nhìn bảng điều trị toàn thấy truyền dịch, viba, hồng ngoại, vật lý điều trị. May mà tôi tỉnh táo xin rút sớm. Về BV Phụ sản Hà Nội khám, tôi bị bác sỹ mắng tơi bời vì tội không hiểu biết. Bệnh của tôi chỉ cần đặt vài viên thuốc là khỏi", chị bức xúc kể.
Từ những sự việc trên mới thấy rằng hàng ngày, hàng giờ có không biết bao bệnh nhân bị những phòng khám mang danh "nước ngoài" như vậy lừa gạt. Ngoài việc mất tiền bạc, thời gian, công sức, những người bệnh này còn phải đối mặt với nguy cơ lây bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng. Cái kiểu chữa bệnh "lợn lành thành lợn què" của các bác sĩ ngoại quốc mà trình độ chắc cũng không hơn gì người bệnh là mấy sẽ trở thành mối nguy tiềm ẩn. Người dân nên hết sức cảnh giác với những phòng khám kiểu như vậy, và tốt hơn hết là nên đến các cơ sở KCB công lập để có được thông tin và cách thức điều trị bệnh hữu hiệu nhất, không vì những lời quảng cáo không đúng sự thật mà rước họa vào thân…