Philippines mở lại căn cứ quân sự ở cửa ngõ Biển Đông
Từ căn cứ Subic, chiến đấu cơ FA-50 của Philippines chỉ mất vài phút để bay tới bãi cạn Scarborough.
Ngày 15.7, quân đội Philippines cho biết họ sẽ điều những chiến đấu cơ mới và 2 tàu hộ tống tới bố trí ở vịnh Subic, sau khi họ mở cửa trở lại căn cứ quân sự ở vùng vịnh chiến lược này nhằm đối phó nhanh hơn với những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Vịnh Subic từng là một căn cứ hải quân lớn nhất của quân đội Mỹ trên thế giới, tuy nhiên sau khi quân đội Mỹ rút đi vào năm 1992, Philippines đã cho đóng cửa căn cứ này và biến nó thành một khu kinh tế.
Một tàu sân bay Mỹ ghé thăm cảng Subic
Trước những động thái xây đảo nhân tạo quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông, từ hồi tháng Năm, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino đã ký một thỏa thuận với ban quản lý khu kinh tế vịnh Subic để quân đội thuê lại một phần khu vực này làm căn cứ quân sự trong vòng 15 năm.
Đây là lần đầu tiên trong suốt 23 năm qua vịnh Subic lại trở lại với chức năng là căn cứ quân sự đúng nghĩa. Từ năm 2000, các tàu chiến Mỹ đã thường xuyên ghé thăm vịnh Subic, nhưng chỉ neo đậu ở cầu cảng trong thời gian ngắn để thực hiện các cuộc diễn tập chung với quân đội Philippines, và chỉ sử dụng các cơ sở thương mại ở cảng để sửa chữa và tiếp tế.
Các chuyên gia phân tích cho rằng với việc mở lại căn cứ quân sự Subic và đưa chiến đấu cơ, tàu chiến đến đây, hải quân và không quân có thể phản ứng nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn đối với các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông, bởi khu vực này nằm ngay cửa ngõ vào Biển Đông.
Chuyên gia an ninh Rommel Banlaoi của Philippines nhận định: “Giá trị của căn cứ quân sự Subic đã được người Mỹ chứng minh, và các chiến lược gia quân sự Trung Quốc cũng hiểu rõ điều đó”.
Các quan chức Philippines cho biết sau khi căn cứ quân sự Subic được mở lại, hải quân Mỹ có thể tiếp cận dễ dàng hơn với khu vực cảng nước sâu này theo thỏa thuận hợp tác quân sự giữa hai nước, trong đó cho phép quân đội Mỹ sử dụng các cơ sở quân sự tại căn cứ để thực hiện các nhiệm vụ luân phiên.
Tàu chiến Mỹ neo đậu tại cảng Subic
Việc mở cửa trở lại căn cứ Subic là động thái quân sự mới nhất của Philippines nhằm chống lại những tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông. Mới đây, nước này cũng thông báo sẽ chi 20 tỉ USD trong vòng 13 năm tới để hiện đại hóa lực lượng quân đội vốn không được đánh giá cao về vũ khí, trang bị.
Trước mắt, Philippines sẽ bố trí 2 chiến đấu cơ tấn công hạng nhẹ FA-50 do Hàn Quốc sản xuất tới căn cứ này. Hai tướng quân đội Philippines cho biết sau năm 2016, một biên đội FA-50 đầy đủ và Phi đội Chiến đấu cơ Số 5 sẽ được rút từ căn cứ ở phía bắc đảo Luzon tới vịnh Subic.
Ngoài ra, hai tàu hộ tống hải quân cũng sẽ được điều tới đóng quân thường xuyên tại cảng Alava bên trong căn cứ vịnh Subic.
Hai viên tướng trên cho biết khoảng cách gần với Biển Đông và thời gian đưa vào sử dụng ngắn là nguyên nhân khiến quân đội Philippines quyết định mở lại căn cứ ở vịnh Subic. Một viên tướng nói: “Ở vịnh Subic đã có sẵn cơ sở hạ tầng quân sự do Mỹ để lại, chúng tôi chỉ cần cải tạo lại một chút là có thể sử đụng được”.
Theo các chuyên gia an ninh, vịnh Subic chỉ nằm cách bãi cạn Scarborough khoảng 145 hải lý. Bãi cạn Scarborough đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc phong tỏa và kiểm soát vào năm 2012 sau 3 tháng “đối đầu” căng thẳng với tàu hải quân Philippines.
Chiến đấu cơ hạng nhẹ FA-50 do Hàn Quốc sản xuất
Ông Patrick Cronin, chuyên gia an ninh khu vực tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) cho rằng sau khi xây dựng xong 7 hòn đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông, Trung Quốc rất có thể sẽ biến bãi cạn Scarborough thành một đảo nhân tạo mới nằm ngay sát Philippines.
Chuyên gia này nói: “Những chiến đấu cơ FA-50 do Hàn Quốc sản xuất có thể bay tới bãi cạn Scarborough trong vài phút, trong khi các tàu tuần tra hoặc máy bay không người lái có thể thường xuyên giám sát mọi di biến động của Trung Quốc trong khu vực”.
Chuyên gia Cronin khẳng định: “Việc không quân Philippines xung phong quay trở lại căn cứ Subic có vẻ như là một biện pháp phòng vệ đầy cương quyết”.