Phạt xe không sang tên: Dân kêu là đúng!

Nếu chúng ta quy định trách nhiệm đối với người bán xe, mọi chiếc xe đều đảm bảo được làm thủ tục sang tên đổi chủ đầy đủ.

Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với lỗi "không chuyển quyền sở hữu phương tiện" đã có từ lâu. Và trên thực tế trước nay, nhiều trường hợp đã bị CSGT xử phạt về lỗi này.

Tuy nhiên từ khi Nghị định 71 ra đời và chính thức có hiệu lực với quy định tăng mức xử phạt, câu chuyện đã được nhiều người "mổ xẻ". Nhiều người cho rằng quy định này làm khó người dân bởi số lượng xe mua bán không sang tên đổi chủ hiện nay quá nhiều.

Đặc biệt mới đây, một số chuyên gia và nhà hoạt động trong ngành luật cho rằng, mua bán xe thuộc quan hệ dân sự, không nên để quy định này trong Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Mặt khác, giao cho CSGT quyền và trách nhiệm kiểm tra, xử phạt về lỗi này cũng không phù hợp.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nguyên Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc.

Quan điểm của ông như thế nào về quy định xử phạt xe mua bán không chuyển quyền sở hữu?

Theo tôi, quy định về kiểm tra, xử phạt đối với hành vi này là hoàn toàn đúng đắn. Bởi lẽ, việc mua bán, cho tặng ô tô, xe máy mặc dù là quan hệ giao dịch dân sự. Nhưng đây không phải là quan hệ dân sự bình thường.

Phạt xe không sang tên: Dân kêu là đúng! - 1

"Cần quy định trách nhiệm đối với người bán xe" - Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nói.

Phương tiện giao thông như ô tô xe máy là những thứ có thể gây ra tai nạn, làm nguy hiểm đến tính mạng người khác. Không thể coi nó như những tài sản khác được. Nên khi mua bán phải làm hợp đồng, thủ tục sang tên đổi chủ. Vậy nhưng, người dân từ lâu nay trao đổi mua bán quá dễ dãi.

Vậy theo ông, quy định xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ xe cần áp dụng với người mua hay người bán?

Ở đây phải xem xét trách nhiệm của cả bên mua lẫn bên bán. Tôi xin nhấn mạnh, ô tô xe máy được gọi là "nguồn nguy hiểm cao độ". Ở Mỹ hay nhiều nước khác, ngay cả ở Nga từ hồi chúng tôi học, người ta đã đánh giá cao sự nguy hiểm của các phương tiện giao thông.

Khi lưu thông trên đường, người điều khiển xe gây tai nạn, người lái phải chịu trách nhiệm về hành vi mình gây ra. Tuy nhiên, cơ quan chức năng sẽ phải truy nguồn gốc chiếc xe. Chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm vì đã giao xe cho người khác để dẫn đến tai nạn đó.

Cho nên, khi trao phương tiện cho ai, dù cho mượn hay mua bán, chủ xe đều phải có trách nhiệm. Không thể mua bán, cho tặng tùy tiện được. Anh phải thực hiện đầy thủ tục sang tên đổi chủ thì mới hết trách nhiệm với phương tiện.

Có ý kiến cho rằng giao quyền và trách nhiệm kiểm tra, xử phạt cho CSGT là không phù hợp?

Đây là phương tiện giao thông, CSGT là lực lượng hàng ngày tiếp xúc xử lý, giải quyết những sự cố do phương tiện giao thông gây ra. Nên giao quyền, trách nhiệm cho họ là hoàn toàn phù hợp.

Nếu quy định này là đúng, tại sao nhiều người dân lâu nay lại tỏ ra không đồng tình?

Ở đây có hai lý do. Thứ nhất, từ trước đến nay, mặc dù chúng ta có quy định xử phạt nhưng trong quản lý lại không chặt chẽ. Chúng ta để tình trạng mua bán trao đổi phương tiện giao thông quá dễ dãi nên nó diễn ra quá nhiều.

Nếu từ trước, chúng ta quy định trách nhiệm của người bán xe. Đó là: Khi bán xe cho người khác, anh phải thực hiện đầy đủ thủ tục hợp đồng, sang tên đổi chủ cho người mua, thông báo cho cơ quan chức năng.

Bởi như tôi nói ở trên, phương tiện giao thông là "nguồn nguy hiểm cao độ", nếu giao cho ai, anh phải chịu trách nhiệm khi người đó gây tai nạn.

Vì chúng ta không quy định trách nhiệm cho người bán xe, để người ta tùy tiện bán xe cho người khác. Hiện tượng đi xe không sang tên đổi chủ quá nhiều, bây giờ lại khó giải quyết.

Thứ hai, chúng ta ra quy định nhằm giải quyết một vấn đề nào đó, chẳng hạn tăng mức xử phạt. Nhưng trước khi ra quy định lại không tính toán đến những vấn đề phát sinh xung quanh.

Hiện số người đi xe chưa sang tên đổi chủ tràn lan. Thậm chí nhiều người mua xe qua mấy đời chủ, không tìm lại được người đã bán cho mình. Nay thấy có quy định tăng mức xử phạt, họ sợ, muốn đi làm thủ tục sang tên đổi chủ nhưng không có đủ hợp đồng giấy tờ hợp lệ theo quy định nên không biết làm thế nào.

Đáng lẽ trước khi ra quy định tăng mức phạt hay siết chặt, chúng ta cần nghiên cứu giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc đó cho người dân. Đằng này, chưa có giải pháp, chúng ta cứ ra quy định. Vô hình trung, các cơ quan nhà nước làm khó người dân và cũng tự làm khó mình.

Kể cả bên CSGT cũng vậy. Văn bản pháp luật thì đã ra rồi, chẳng lẽ lại không thực hiện.

Người dân bỗng nhiên thấy như bị cơ quan nhà nước làm khó dẫn đến hoang mang, lo lắng như thời gian qua. Người dân kêu là đúng!

Vậy theo ông, nên có giải pháp nào cho thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện hiện nay?

Dứt khoát phải quy định trách nhiệm cho người bán xe. Trước khi giao xe cho ai phải đủ cơ sở pháp lý, làm hợp đồng, sang tên đổi chủ, thực hiện đúng nghĩa vụ với Nhà nước. Nếu người bán không thực hiện đầy đủ thủ tục, sẽ phải chịu trách nhiệm nếu chiếc xe đó vi phạm pháp luật hoặc gây tai nạn giao thông.

Nếu chúng ta quy định điều này ngay từ đầu, khi bán xe cho ai, người chủ đã phải nghiêm túc lo làm thủ tục. Mọi chiếc xe đều đảm bảo đã được làm thủ tục sang tên đổi chủ đầy đủ.

Trường hợp nhiều người mua xe qua nhiều đời chủ, không biết chủ ở đâu, chúng ta nên chúng ta nên vận dụng linh hoạt về thủ tục cho họ. Chẳng hạn nếu họ mua xe đã lâu, 3 năm hay 5 năm, và vẫn thường xuyên sử dụng. Người đó đã được coi là chủ của phương tiện. Cơ quan đăng ký nên làm thủ tục sang tên đổi chủ cho người ta.

Khi làm thủ tục, người đó có thể xin xác nhận của chính quyền địa phương, thậm chí một số người làm chứng rằng chiếc xe đó là qua mua bán, không trộm cắp, và đã được người đó sử dụng từ lâu, không phạm pháp...

Nhưng sự cho phép đó phải được tính toán và ra quy định, hướng dẫn bằng văn bản đảm bảo việc cơ quan đăng ký phương tiện không có lý do để "hành dân". Từ đó người dân đến làm thủ tục không bị gây khó khăn, phiền hà. Như vậy người dân mới dễ dàng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật được.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN