Phạt người đội MBH giả là có lỗi với dân

Phạt người đội MBH giả thể hiện sự bất lực của cơ quan chức năng đối với sản xuất, kinh doanh MBH giả.

Từ 15/3 đến 15/4/2013, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ tiến hành tuyên truyền cho người dân về chất lượng mũ bảo hiểm (MBH), cách sử dụng ra sao. Đây là điều đáng mừng, dẫu rất muộn so với thời điểm quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy có hiệu lực thi hành từ 15/12/2007.

Tuy nhiên, với quy định sau ngày 15/4/2013, lực lượng liên ngành sẽ ra quân xử phạt các trường hợp đội MBH giả, kém chất lượng chắc chắn lại gây sốc với dư luận rộng rãi.

Cơ quan chức năng không có lỗi?

Trước hết, cú sốc này đối với người đang và sẽ đội MBH khi đi xe gắn máy, xe mô tô được tạo nên vì sự trái khoáy của quy định. Bởi lẽ, chính Cục Quản lý thị trường (QLTT) (Bộ Công thương) công bố ra thông tin rằng, hiện trên thị trường có đến 70% MBH giả, kém chất lượng nhưng núp bóng dưới tên gọi mũ thời trang nói chung để "lách luật".

Hơn thế, cũng theo Cục QLTT, lực lượng đang có đợt kiểm tra về sản xuất, kinh doanh MBH. Đơn cử kết quả kiểm tra cơ sản sản xuất, kinh doanh MBH trên địa bàn Hà Nội và Hải Phòng cho thấy 100% cơ sở bị kiểm tra đều có vi phạm về MBH giả, kém chất lượng, thậm chí có cửa hàng còn bán MBH dán tem hợp quy CR giả.

Phạt người đội MBH giả là có lỗi với dân - 1

Mũ bảo hiểm bày bán tràn lan, không phải người dân nào cũng phân biệt được đâu là mũ đạt tiêu chuẩn, đâu là mũ giả, nhái, kém chất lượng

Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT trả lời trên báo chí rằng, đợt kiểm tra này kiên quyết xử lý các sai phạm trong kinh doanh MBH. Tức cười thay, rõ ràng, việc phát hiện, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH có vi phạm là chuyện đương nhiên phải làm của lực lượng chức năng. Lẽ ra, nó phải được thực hiện song song, thường trực cùng sự tồn tại của MBH, việc có ra quân, mở đợt cao điểm hay không đó là chuyện của ngành, chẳng có gì mà ầm ĩ. Vì rằng, công việc đã được giao thì phải làm, và phải làm tròn trách nhiệm.

Nếu như những quy định pháp luật riêng về xử lý vi phạm trong lĩnh vực MBH chưa có, hoặc không đầy đủ như mong muốn của lực lượng QLTT thì chắc chắn không thiếu các quy định khác xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tại sao phải đợi từ ngày 15/3/2013 mới triển khai đồng bộ kiểm tra vi phạm về MBH trên phạm vi toàn quốc?

Dù sao, tại đợt ra quân này, lực lượng QLTT công bố con số vi phạm lên đến 100% tại các cơ sở bị kiểm tra. Cùng với đó, con số tồn tại 70% MBH giả, kém chất lượng trên thị trường, cộng với hàng loạt hình ảnh về tình trạng bày bán MBH giả tràn lan khắp phố cùng quê, được công khai trên báo chí. Với những con số sai phạm này, lỗi trước hết thuộc về lực lượng QLTT. Do đó, nói phạt trước hết phải phạt lực lượng QLTT, cơ quan chức năng liên quan có trách nhiệm mà để xảy ra việc sản xuất, kinh doanh MBH giả, kém chất lượng tràn lan như vậy. Cớ sao chỉ thấy nói tập trung, kiên quyết xử lý người sản xuất, kinh doanh vi phạm, rồi phạt nghiêm người đội MBH giả, mà không thấy nói đến phạt lực lượng chức năng để sai phạm tràn lan như thế?

Hơn nữa, người đội MBH giả, cho dù với lý do giá rẻ hơn mũ đạt chuẩn, vì ý thức chấp hành kém... hay vì bất kỳ lý do nào nữa, thì nếu không có MBH giả, nhái, kém chất lượng, chắc chắn người tiêu dùng không thể tự sản xuất ra mũ để đội mà chống đối lực lượng chức năng được!

Lẽ nào trăm khó lại đổ đầu dân?

Nói đi thì phải nói lại, việc có xử phạt người đội MBH giả cũng không sai, nhưng cái không đúng, không thuận lòng người ở chỗ, trong khi chưa dẹp được MBH giả, còn có tình trạng bày bán công khai mà nhằm “đánh” vào người dùng MBH như một cách để ngăn ngừa sự tồn tại của MBH giả thì đó là cách quản lý vuốt đuôi, quản lý kiểm “mềm nắn, rắn buông”.

Có thể nói, nếu phạt dân đội MBH giả lúc này là đẩy khó cho dân. Như thế, chẳng khác nào bắt mỗi người dân phải thành một nhà quản lý thị trường, thành một chuyên gia thẩm định chất lượng hàng hóa, trong khi chúng ta có hẳn một lực lượng chức năng liên quan rất hùng hậu từ Trung ương đến địa phương.

Như vậy, bài toán xử lý MBH giả, trước hết phải được giải bằng cách xử lý triệt để hành vi sản xuất, kinh doanh MBH giả, nhái, kém chất lượng. Đồng thời, phải xử lý nghiêm lực lượng chức năng để địa bàn nào bày bán công khai MBH giả. Sau đó, khi đã khống chế được sản xuất, kinh doanh MBH giả rồi thì việc xử lý người dân cố tình đội MBH giả sẽ thuận lòng dân. Khi đó, chắc chắn sẽ không còn sự lấn cấn, người dân không những chấp hành tốt mà có thể còn góp sức cùng lực lượng chức năng phát hiện, tố giác cơ sở sản xuất, kinh doanh và cả người cố tình dùng MBH giả.

Thêm nữa, Bộ Công thương cho biết sẽ phối hợp với các bộ khác để đến hết năm 2013 chấm dứt việc lưu hành, sử dụng, buôn bán, sản xuất các loại mũ giống như MBH không bảo đảm chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn của MBH cho người đi xe máy...

Liệu người dân có quyền kỳ vọng và tin mục tiêu này của Bộ Công thương đặt ra sẽ thành hiện thực? Nếu những tuyên bố không được thực thi hiệu quả, nếu trăm khó trong quản lý thị trường MBH cứ đổ hết lên đầu dân như vậy, hẳn là có lỗi với dân lắm lắm!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Thân (Theo VOV online)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN