Phát hiện răng cá mập 270 triệu năm tuổi

Các nhà khoa học vừa phát hiện hóa thạch răng của 3 loài cá mập tiền sử mới, có niên đại cách đây 270 triệu năm tại khu vực bang Arizona, Mỹ.

Các nhà khoa học thuộc Phòng nghiên cứu cổ sinh vật học và địa chất học - Viện bảo tàng Bắc Arizona đã phát hiện thấy hóa thạch răng của 3 loài cá mập tiền sử mới tại khu vực bang Arizona (vùng đất ngày nay nổi tiếng với sa mạc, núi, cao nguyên và khí hậu nóng nực).

Rất khó có thể tưởng tượng được rằng nơi đây đã từng là thiên đường của loài cá mập.

Theo những chia sẻ của nhà nghiên cứu David Elliott, trong kỉ Permian (kỷ tiền khủng long), một vùng biển nông, ấm áp đã bao phủ một phần khu vực này. Đây chính là nguyên nhân khiến ở giai đoạn đó, có nhiều loài cá mập sinh sống ở Arizona.

Ông cũng cho biết 3 loài cá mập được phát hiện, lần lượt có tên khoa học là: Nanoskalme natans, Neosaivodus flagstaffensis và Kaibabvenator swiftae được phát hiện sống trên Trái đất cách đây ít nhất 270 triệu năm. Những loài này có đặc trưng là hai vây gai ở lưng. Phần đuôi của loài cá mập này đối xứng, khác biệt hoàn toàn với loài cá mập hiện đại.

Theo các nhà nghiên cứu, cả 3 loài cá mập mới được tìm thấy đều thuộc nhóm cá mập tiền sử đã tuyệt chủng từ cách đây rất lâu.

Phát hiện của các nhà khoa học chứng tỏ cuộc sống đa dạng của các loài sinh vật dưới biển trong thời kỳ khoảng 45 triệu năm trước khi loài khủng long đầu tiên xuất hiện trên Trái đất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cẩm Ngọc (Dân Việt/ Discovery)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN