Ông Trịnh Văn Quyết bị tuyên 21 năm tù

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Hà Nội - Tòa đánh giá cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết là chủ mưu, hưởng lợi phần lớn số tiền gây thiệt hại 4.300 tỷ đồng nên phải chịu mức án nặng nhất trong 50 bị cáo - 21 năm tù.

Ông Quyết bị TAND Hà Nội tuyên 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 3 năm tù do Thao túng thị trường chứng khoán.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết sau phiên sơ thẩm. Ảnh: Giang Huy

Bị cáo Trịnh Văn Quyết sau phiên sơ thẩm. Ảnh: Giang Huy

Cùng hai tội danh với anh, hai em gái ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế, cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC và Trịnh Thị Thúy Nga, cựu phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS, bị tuyên lần lượt 14 và 8 năm tù. Bị cáo Hương Trần Kiều Dung, cựu phó chủ tịch thường trực HĐQT tập đoàn FLC, 8 năm 6 tháng tù.

Ở tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, ông Trần Đắc Sinh, cựu chủ tịch HĐQT HoSE, án phạt 6 năm 6 tháng; Lê Hải Trà, cựu ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực HoSE, 5 năm tù; Trầm Tuấn Vũ, cựu phó tổng giám đốc, Phó chủ tịch hội đồng niêm yết HoSE, 5 năm 6 tháng.

Các bị cáo rời phiên tòa. Video: Huy Mạnh

Trong bản án tuyên chiều 5/8, HĐXX cho hay quá trình lượng hình đã xét toàn diện vai trò từng bị cáo, tính chất mức độ phạm tội, nguyên nhân, điều kiện hoàn cảnh phạm tội và ý thức khắc phục hậu quả.

Ông Quyết được xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ ngoài thành khẩn, tích cực khắc phục hậu quả. HĐXX ghi nhận ông Quyết cùng tập đoàn FLC trong quá trình hoạt động đã xây dựng nhiều công trình tại vùng sâu vùng xa tại Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa..., được các địa phương này gửi đơn xin giảm nhẹ mức án.

Tòa cũng xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo có quan hệ anh em họ hàng, vợ chồng, cha con, 11 người trong cùng dòng họ.

50 bị cáo nghe tuyên án sơ thẩm tại TAND Hà Nội. Ảnh: Danh Lam

50 bị cáo nghe tuyên án sơ thẩm tại TAND Hà Nội. Ảnh: Danh Lam

Bản án của TAND Hà Nội cho rằng 25.853 nhà đầu tư là những người đã bỏ tiền mua cổ phiếu ROS mà không biết ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã dùng thủ đoạn gian dối nâng khống giá trị cổ phiếu để chiếm đoạt tiền của mình. Tội phạm đã hoàn thành vào thời điểm các bị cáo chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Vì vậy 25.853 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS bán ra lần đầu như đã nêu trên được xác định là bị hại.

Số cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán từ ngày 1/9/2016-5/9/2022 đã bị hủy niêm yết. Đến nay có 63.075 nhà đầu tư còn đang sở hữu cổ phiếu ROS, không tính số cổ phiếu do các bị cáo đứng tên.

"Những nhà đầu tư này không trực tiếp mua cổ phiếu của Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm bán ra đợt đầu, không bị các bị cáo lừa đảo trực tiếp nên không được xác định là bị hại", tòa nêu.

Nhưng theo tòa, họ là những người đang sở hữu cổ phiếu ROS bị nâng khống giá trị, "phần nào chịu hậu quả của những hành vi đó", cần đưa các nhà đầu tư này vào vụ án với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để xem xét bảo đảm quyền lợi cho họ.

Em gái út của ông Quyết, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, bị dẫn giải tới tòa trong chiều 5/8. Ảnh: Giang Huy

Em gái út của ông Quyết, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, bị dẫn giải tới tòa trong chiều 5/8. Ảnh: Giang Huy

Trong những ngày xét hỏi tại phiên tòa, 50 bị cáo nhanh chóng thừa nhận hành vi như truy tố. Riêng ông Quyết bày tỏ nguyện vọng được tạo điều kiện xử lý các tài sản đang bị kê biên, phong tỏa, tự ước tính 5.000 tỷ đồng, để giải quyết hậu quả vụ án.

VKS đánh giá đây là vụ án tinh vi, thủ đoạn mới. Nhiều bị cáo có hiểu biết sâu và sức ảnh hưởng về chứng khoán nhưng sử dụng kiến thức để trục lợi; một số cán bộ ngành chứng khoán nhận ra bất thường nhưng vẫn "giúp đỡ, tạo điều kiện" cho Trịnh Văn Quyết chiếm đoạt số tiền "đặc biệt lớn".

Nói lời sau cùng, ông Quyết và hai em gái đều khóc, xin lỗi các bị cáo là người thân họ hàng vì tin mình mà vướng lao lý. Bị cáo Quyết coi đây là bài học ám ảnh cả cuộc đời, do đeo đuổi hoài bão quá lớn mà quên giới hạn pháp luật.

Bảy cựu cán bộ ngành chứng khoán bày tỏ sự ân hận; kiến nghị sự thay đổi, hoàn thiện về pháp luật để người kế nhiệm "yên tâm làm việc".

Em gái thứ hai của ông Quyết, bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, ngày 5/8. Ảnh: Ngọc Thành

Em gái thứ hai của ông Quyết, bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, ngày 5/8. Ảnh: Ngọc Thành

VKS cáo buộc ông Quyết khi làm chủ tịch tập đoàn FLC đã xây dựng hệ sinh thái 82 công ty, trong đó có Faros được mua lại năm 2011 với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Ông Quyết và đồng phạm sau đó dùng thủ đoạn gian dối, khống vốn lên 4.300 tỷ đồng, đưa lên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE).

VKS đánh giá đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi cổ phiếu ROS đã được hơn 25.000 nhà đầu tư bỏ tiền mua, tổng giá trị hơn 3.620 tỷ đồng.

Bị cáo Trần Đắc Sinh, cựu chủ tịch HĐQT HoSE, ngày 5/8. Ảnh: Giang Huy

Bị cáo Trần Đắc Sinh, cựu chủ tịch HĐQT HoSE, ngày 5/8. Ảnh: Giang Huy

Với tội Thao túng thị trường chứng khoán, cơ quan công tố cáo buộc ông Quyết và đồng phạm nhờ người thân đứng tên 20 công ty, 500 tài khoản chứng khoán sau đó dùng để mua bán qua lại số lượng lớn 5 mã cổ phiếu họ FLC gồm GAB, HAI, FLC, AMD và ART, qua đó thu lợi hơn 700 tỷ đồng.

Ông Quyết được VKS ghi nhận đã nộp khắc phục 237 tỷ đồng, khoảng 5% thiệt hại vụ án (hơn 4.300 tỷ đồng). Các bị cáo khác nộp tổng cộng 6 tỷ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Trong số 50 bị cáo hầu tòa, Viện kiểm sát đề nghị tòa phạt người mức án thấp nhất từ 18 tháng tù, người giữ vai trò chủ mưu vụ án bị đề nghị lên tới 26 năm tù giam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Viết Tuân - Thanh Lam ([Tên nguồn])
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN