Ông “SOS“ trên đỉnh đèo Hải Vân
Ngày nắng cũng như mưa, trên đường đèo Hải Vân luôn xuất hiện một người đàn ông khi xe ai đó bị thủng săm, hư hỏng để sửa chữa. Rồi những nơi xảy ra tai nạn giao thông, ông cũng là người đầu tiên đến để đưa người bị nạn đi cấp cứu, bảo vệ tài sản cho họ. Ông là Nguyễn Bừa (50 tuổi), trú ở tổ 4, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng).
Cuộc đời sóng gió
Chúng tôi hỏi nơi ông Nguyễn Bừa hay làm việc, người dân phía dưới chân đèo Hải Vân đều đáp: “Các anh cứ đi dọc theo đường lên tới đỉnh đèo kiểu gì cũng sẽ gặp được bác Bừa”. Vượt đường đèo Hải Vân giữa cơn mưa phùn rả rích, xe chạy được khoảng gần 20km, khi sắp tới đỉnh đèo thì chúng tôi bắt gặp một người đàn ông dáng người đậm, nước da đen sạm đang cặm cụi sửa một chiếc xe máy cho hai người qua đèo không may bị thủng săm.
Tôi dừng lại, ông chưa ngẩng đầu lên nhưng đã cất giọng hỏi: “Xe hỏng gì thế chú, đợi vài ba phút vá xong nốt cái này rồi tôi sửa nhé...”. Vừa làm, ông vừa nói tiếp: “Tôi là Nguyễn Bừa, có số điện thoại của tôi đó, chú lưu vào khi nào xe hỏng ở đường đèo này thì gọi tôi có mặt liền. Trên này thì tôi chỉ có một cái lán để che nắng che mưa thôi, chú mệt thì qua đó ngồi nghỉ uống cốc nước rồi đi“. Biết tôi đến chuyện trò, ông Bừa rất vui vì ở trên đỉnh đèo này ít khi ông có dịp bộc bạch chuyện đời buồn vui.
Ông Bừa với hành trình hàng ngày đi sửa xe trên đường đèo
22 tuổi, ông Bừa tham gia chiến trường K (Campuchia), đến năm 1988 thì rời quân ngũ, về quê lập gia đình, sinh con. Ông làm đủ nghề để kiếm sống, từ việc lên núi kiếm củi về bán, rồi theo người ta vào rừng đãi vàng, nhưng vàng đâu chưa thấy chỉ thấy bệnh tật và chém giết lẫn nhau. “Sống lắt lay nơi rừng thiêng nước độc, nhiều lần tưởng mất mạng bởi những cơn sốt rét rừng hành hạ nhưng cuối cùng vẫn chỉ là con số không, chẳng đủ tiền nuôi thân chứ nói gì tới chuyện gửi tiền về cho vợ“, ông ngậm ngùi. Nhớ nhất là lần theo anh em đi đãi vàng ở Quảng Nam, chứng kiến cảnh chém giết, tranh giành từng miếng ăn, tấc đất, ông Bừa thấy chán ngán những đỏ-đen của cuộc đời và nếm trải những được-mất, vì vậy giấc mơ đổi đời sau 3 năm “tha hương cầu thực” đã nhường chỗ cho một quyết định không mấy dễ dàng: về quê sinh sống.
Bám ruộng vườn, ngày đêm quần quật mưu sinh với hy vọng kiếm đủ gạo nuôi vợ và 4 con thơ qua ngày nhưng rồi cái đói nghèo vẫn đeo đẳng nên ông Bừa lại rời quê tìm việc. Năm 2000, trong một lần ra khơi đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa, tàu ông làm thuê bất ngờ gặp cơn bão mạnh, bị đánh dạt sang tận Ma Cao (Trung Quốc). Sau một tuần vất vưởng nơi đất khách quê người, ông được Đại sứ quán Việt Nam bảo lãnh. Ngày trở về, vợ con ông vỡ òa trong niềm vui vì họ tưởng ông đã chết.
Khi được hỏi về cơ duyên gắn bó với đèo Hải Vân, ông Bừa kể :”Một lần tôi chạy xe máy qua đèo Hải Vân không may xe bị thủng săm, vất vả dắt bộ mấy kilomet giữa trời nắng nóng, dọc đường còn gặp mấy người cùng cảnh ngộ như mình. Tôi nghĩ rằng hay mình lên đèo làm nghề sửa xe máy để giúp người ta“. Nghĩ là làm, ông lên đèo ngay hôm sau.
Lấy đèo làm nhà
Tính đến nay đã gần 13 năm gắn bó với đèo Hải Vân, ông Bừa không nhớ mình đã giúp được bao nhiêu người gặp nạn. Dù bất cứ thời gian nào, trời nắng hay mưa, hay giữa đêm khuya... hễ có điện thoại của khách là ông đến ngay lập tức. Nhiều lần vợ con khuyên ông đêm khuya, đường xa đi nguy hiểm nhưng ông Bừa nói “mình sợ nguy hiểm không đi, nhưng người ta bị hỏng xe mà ở trên đèo cả đêm thì còn nguy hiểm hơn...”.
Không chỉ sửa xe, hơn chục năm gắn bó với đường đèo, chính tay ông Bừa đã cấp cứu tại chỗ, cứu nạn đưa không biết bao nhiều nạn nhân bị tai nạn giao thông nguy kịch đi cấp cứu thoát khỏi cái chết, trông coi cất giữ ví tiền, tài sản của người bị nạn.
Những cái bẫy đã cướp đi mạng sống của người tham gia giao thông trên đường đèo
Điển hình như cách đây 6 năm, có cậu sinh viên tên Lê Thành Chung (quê Nghệ An) đi xe máy qua đèo về quê. Vì không quen đường, cộng thêm trời tối nên khi đến đoạn giữa đèo thì Chung đâm thẳng xuống cống thoát nước bên đường, bất tỉnh. Đang trong giấc ngủ, nhưng nghe tin có người bị nạn, ông Bừa tức tốc tìm đến. Rất may, nhờ được ông đưa đi bệnh viện kịp thời mà Chung thoát chết. Sau này Chung nhận ông Bừa làm bố nuôi.
Nói về đường đèo Hải Vân chắc không ai hiểu bằng ông Bừa. “Đèo Hải Vân dài hơn 20km, ban đêm sương mù bao phủ, con đường đèo càng trở nên nguy hiểm hơn. Trước đây, khi chưa có đường hầm, tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra, còn giờ đây cũng đỡ”, ông cho biết.
Trên tuyến đường đèo cứ khoảng dăm bảy trăm mét lại bắt gặp một am thờ sạch sẽ, hoa quả hương khói đầy đủ. Ông kể: “Một mình tôi trông coi cả thôi. Từ trước tới giờ không biết có bao nhiêu vụ tai nạn giao thông chết người trên cung đường này rồi, một số am thờ là do người nhà nạn nhân dựng lên nhưng cả năm trời họ không có điều kiện qua lại hương khói nên tôi đều làm hết. Còn một số am thờ khác là do tôi làm để hương khói cho những người xấu số. Cứ đều đặn 4h30 hàng sáng tôi lại đánh xe dọc theo cung đường quét dọn hương khói một lượt rồi quay về lán nghỉ...”. Ông còn có cả một quyển sổ ghi chép rõ ràng ngày tháng những người xấu số gặp nạn, cứ đến ngày giỗ của họ, ông lại nấu bát cơm, mua thêm hoa quả để khói hương tử tế.
Chia tay ông Nguyễn Bừa, tôi nhớ lời dặn nhưng cũng là lời cảnh báo với người tham gia giao thông, đặc biệt là cánh lái xe đường đèo rằng, hãy có trách nhiệm với chính bản thân mình và gia đình bằng cách thận trọng từng giây.