Ô tô đâm nát vọng gác: Lời chiến sỹ thoát chết

“Được cứu sống một cách thần kỳ, tôi đã được sống lần thứ hai nên tôi sẽ trân trọng và sống có ý nghĩa”.

Đã hơn 2 ngày kể từ khi xảy ra vụ tai nạn giao thông kinh hoàng tại ngã tư đường Ngô Quyền – Yết Kiêu – Nguyễn Phan Vinh (phường Thọ Quang, Sơn Trà, TP Đà Nẵng), Trần Anh Tuấn (19 tuổi, công tác tại Ban Tham mưu của Trung đoàn E83 Công binh, thuộc Quân chủng Hải quân) - người may mắn thoát chết dưới đống bê tông, gạch đá… đổ nát - vẫn không tin mình còn sống. Anh nói, đây như là một phép màu.

Tiếp xúc với chúng tôi tại Bệnh viện Quân y C17, Tuấn cho biết sau khi được sự cứu giúp kịp thời của đồng đội và các y bác sỹ, sức khỏe của anh hiện đã bình thường trở lại, nhưng giây phút một xe tải bỗng nhiên lao vào húc đổ vọng gác nơi anh đang làm nhiệm vụ thì anh không bao giờ quên.

“Đó là những giây phút kinh hoàng nhất trong cuộc đời tôi. Hơn một giờ bị mắc kẹt trong đống bê tông, gạch đá… đổ nát, tôi cứ ngỡ mình sẽ chết. Đến khi đã được cứu đưa ra ngoài dù đã kiệt sức nhưng tôi vẫn cảm nhận được mình còn sống. Đúng là như có phép màu” - Trần Anh Tuấn tâm sự.

Ô tô đâm nát vọng gác: Lời chiến sỹ thoát chết - 1

Chiến sỹ trẻ Trần Anh Tuấn được đồng đội và lực lượng chức năng cứu sống sau khi bị vùi lấp dưới đống đổ nát

“Buổi sáng hôm đó (7/6) ca trực của tôi từ 8 - 10 giờ. Trong khi chỉ còn khoảng 5 phút nữa là tôi đổi gác cho chiến sỹ khác thì bất ngờ một chiếc xe tải lưu thông qua bùng binh phía trước vọng gác doanh trại mất lái lao nhanh vào phía vọng gác. Chiếc xe lao nhanh đến nỗi tôi chỉ nghe một tiếng ầm rất lớn. Sau đó đất đá đổ sụp xuống. Tôi và 3 công nhân đang lắp sửa kính trong chòi gác bị vùi dưới đống đổ nát” - Tuấn kể.

Sau khi bị tai nạn, khối bê tông vỡ đổ sập xuống gây chấn thương chảy rất nhiều máu ở trên đầu, đè cứng lên cánh tay trái của Tuấn. Tuấn vừa kêu cứu vừa cố tìm cách để thoát ra khỏi đống đổ nát nhưng bất lực.

Ô tô đâm nát vọng gác: Lời chiến sỹ thoát chết - 2

Trần Anh Tuấn đang nằm viện sau khi thoát chết thần kỳ

“Lúc đó theo phản xạ tôi gào thét lên cầu cứu. Nhưng càng gào thét, càng vùng vẫy thì tôi lại càng đau, máu chảy càng nhiều làm ướt cả áo. Nằm mắc kẹt dưới những khối bê tông trong đống bê tông đổ nát, tôi nghe những tiếng vỡ của khối bê tông đang lơ lửng phía trên và cát vữa từ những khối bê tông vỡ ra đang thi nhau tuôn xuống vùi lấp cơ thể. Phải nói rằng lúc đó tôi nghĩ “thần chết” đang ở bên cạnh. Nhìn sang bên trái tôi thấy có một người nữa đang cựa quậy yếu ớt chỉ vài giây rồi tắt lịm. Có lẽ lúc đó nạn nhân đó trút hơi thở cuối cùng” - Tuấn vừa kể vừa rơi nước mắt.

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng đã tập trung máy móc, nhân lực nỗ lực cứu các nạn nhân. Tuy nhiên, công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ còn Tuấn may mắn sống sót nhờ một “kẽ hở định mệnh”, 3 nạn nhân còn lại do bị chấn thương quá nặng đã tử vong.

Người cô ruột của Tuấn, bà Lê Thị Thu kể, Tuấn may mắn sống sót là nhờ khối trần bê tông của vọng gác nơi Tuấn đang làm nhiệm vụ như chiếc nón đội trên đầu. Khi chiếc xe tải tông mạnh làm sập vọng gác, đã làm lật ngược “chiếc nón” (phần chóp nón xuống phía dưới) trước khi nó rơi cắm xuống khối bê tông đã sập xuống bên dưới trước đó, vô tình tạo cho Tuấn một khoảng hở lớn hơn và Tuấn may mắn nằm đúng ngay khoảng hở “định mệnh” này.

Ô tô đâm nát vọng gác: Lời chiến sỹ thoát chết - 3

Vụ tai nạn kinh hoàng gây hậu quả nghiêm trọng

Có mặt tại phòng bệnh chăm sóc cho con trai, bà Nguyễn Thị Mỹ Ngọc - Mẹ của Tuấn - cho biết khi tôi nghe bạn của Tuấn gọi điện nói nó chết trong vụ tai nạn rồi thì cả nhà khóc than trong hoảng loạn.

“Khi nghe tin, chân tay tôi rã rời, người lả đi. Tuy nhiên, sau đó tôi lại nhận được tin Tuấn chỉ bị thương đang được đưa đi cấp cứu trong bệnh viện, cả nhà mừng hơn nhưng vô cùng lo lắng. Tôi bắt xe từ Quy Nhơn ra Đà Nẵng để gặp con. Niềm hạnh phúc vỡ òa khi tôi tận mắt nhìn thấy con mình còn sống, đang được các y bác sĩ của bệnh viện và cơ quan nơi Tuấn đang làm nhiệm vụ quan tâm, săn sóc. Cảm ơn trời đất đã cho nó sống cuộc đời thứ hai” - Bà Ngọc tâm sự.

“Các bác sỹ nói nếu sức khỏe và vết thương ở đầu tiến triển tốt thì khoảng 2 tuần nữa là cho xuất viện. Sau khi xuất viện tôi muốn nghỉ phép vài ngày để lấy lại sức lực và tinh thần rồi về làm nhiệm vụ với anh em đồng đội. Sau này ra quân, tôi muốn học nghề lái xe để có thêm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Tôi xác định rồi, nghề lái xe thì luôn nguy hiểm nhưng nếu ai học hành bài bản, cẩn trọng và tham gia giao thông bằng cả trái tim thì tai nạn chắc chắn sẽ giảm” - Chiến sỹ Tuấn tâm sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ánh Dương (Phụ nữ & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN