Nước mắt thợ xây nghĩa trang

Oằn lưng dưới cái nắng nóng gần 40 độ C để xây nơi yên nghỉ cho người chết nhưng những thợ hồ ở khu công viên nghĩa trang quận 9, phường Long Thạnh Mỹ (TPHCM) đang khóc từng ngày vì bị quỵt lương, thậm chí bị đánh đập đến nhập viện.

Nghĩa trang quận 9 rộng gần 19ha là công trình “nghĩa tận” cho người đã khuất, nhưng trong quá trình thi công, cái nghĩa đối với người đang sống đã và đang bị lãng quên, ăn chặn…

Lời kêu cứu của vợ chồng “chị Dậu”

5 giờ sáng, tôi đã có điện thoại từ một số lạ. Đầu dây bên kia, một giọng nữ yếu ớt, nấc lên từng hồi: “Chị ơi, giúp vợ chồng em. Vợ chồng em bị người ta nợ lương, chồng em còn bị họ đánh sắp chết, nằm bệnh viện, người ta định bỏ luôn chị ơi...”. Tôi rối bời, bảo chị cho địa chỉ, tôi sẽ xuống ngay nhưng thực lòng chưa biết sẽ giúp chị bằng cách gì? Công trình khu công viên nghĩa trang quận 9, phường Long Thạnh Mỹ, cách trung tâm thành phố chừng 30 cây số.

Đón tôi là một phụ nữ gầy rộc, khuôn mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng vì khóc.

Chị là Nguyễn Thị Thuyền, quê Cà Mau. Chồng chị - anh Nhan Hoàng Phong - bị người của công ty anh chị đang làm thuê đánh gãy xương sườn, xương vai đang phải nằm nhà uống thuốc vì không có tiền ở lại bệnh viện điều trị. Đưa tay quệt nước mắt, chị kể: “Vợ chồng dắt díu nhau từ Cần Thơ lên đây, được ông Tuấn, ông Tùng, cai thầu cho Công ty TNHH tư vấn thiết kế Đông Cường (phường Bình Trưng Đông, quận 2, TPHCM) mướn làm hồ xây nghĩa trang này từ ngày 26.3 đến 27.4. Hai vợ chồng có ứng trước 2,3 triệu đồng, còn lại hơn 5 triệu, làm hết tháng thì ông Tuấn và ông Tùng bỏ trốn. Vợ chồng chưa biết tính sao thì người của công ty Đông Cường nói cứ làm tiếp rồi công ty sẽ trả tiền đầy đủ. Nhưng tới ngày 9.5, khi vợ chồng lên hỏi lương thì bị ông Hồ Văn Trung - Đội trưởng Đội thi công số 5, Công ty Đông Cường - đuổi việc, không trả lương. Ông Trung còn nói ngang vợ chồng tui xây chỗ nào thì vác búa mà đập bỏ, đừng mong đòi tiền. Cự cãi xảy ra, ông Trung và ông Nguyễn Hoàng Minh - thủ kho công trình - xông vào đánh anh Phong đến gãy xương sườn, xương vai”.

Nước mắt thợ xây nghĩa trang - 1

Sau khi bị đánh gãy xương sườn, xương vai, anh Phong nằm ở lán, mọi việc đều dồn lên vai chị Thuyền.

Bà Nguyễn Thị Lụa - phụ hồ công trình - bức xúc: “Hai người đánh một. Đã không trả tiền cho người ta mà còn thượng cẳng tay, hạ cẳng chân. Anh em thợ hồ can ngăn nhưng không kịp. Chỉ khi thấy chú Phong bất tỉnh họ mới dừng tay. Họ du côn, ỷ có tiền muốn đánh, muốn chửi ai cũng được! Tôi báo Công an phường Long Thạnh Mỹ, công an tới bắt hai ông kia đi nhưng lại thả ra rồi”.

Anh Phong, nằm trên võng, thở khó nhọc, rồi bật khóc khi tôi hỏi chuyện. Người đàn ông gần 40 tuổi đời, khuôn mặt đen sạm, từng là chỗ dựa vững chắc cho vợ và 3 đứa con nheo nhóc giờ lại yếu đuối, dễ khóc như một đứa trẻ. Mỗi khi khóc, người anh run lên từng đợt vì vết thương hành hạ. “Vào Bệnh viện quận 9 điều trị, các bác sĩ nói chi phí điều trị ít nhất cũng phải hơn 20 triệu đồng. Tôi như chết đứng. Số tiền 3 triệu đồng, người nhà ông Trung đóng khi đưa tôi vào bệnh viện đã gần hết. Hai vợ chồng xin xuất viện về nhà. Bây giờ mọi chi tiêu đều trông vào vợ. Gọi cho ông Trung thì ông ấy bảo sẽ cho 7 triệu nữa với điều kiện vợ chồng tôi viết giấy bãi nại, còn bằng không chẳng có một xu nào. Tới nay thì cả ông Trung, ông Minh đều không hỏi han gì, ngay cả tiền lương hơn 5 triệu công ty cũng không trả”.

Nghèo tiền, nghèo cả chữ nghĩa

Công trình khu công viên nghĩa trang quận 9 là công trình trọng điểm của quận 9 đã được xác định thực hiện trong nhiệm kỳ 2010-2015, nhằm phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân trên địa bàn và di dời hơn 4.000 mộ trong phần đất thuộc các dự án công trình công cộng trên địa bàn quận 9 như: Khu công nghệ cao, khu công viên Văn hóa lịch sử dân tộc...

Tại Quyết định số 2526, UBND thành phố HCM chỉ định đơn vị tổ chức lập đồ án quy hoạch chi tiết là Cty TNHH xây dựng và kinh doanh nhà Điền Phúc Thành. Sau đó công ty này “chẻ” nhỏ ra từng hạng mục khoán lại cho nhiều công ty khác. Để có nhân công thi công các hạng mục, các nhà thầu còn có những cánh tay nối dài là các “ông cai”. Các “ông cai” chịu trách nhiệm về nhân công, thuê lao động tự do tính lương theo ngày, trả lương theo tuần, hầu như không có chế độ bảo hiểm cho người lao động.

Nước mắt thợ xây nghĩa trang - 2

Khu công viên nghĩa trang quận 9 sắp hoàn thành.

Cách khu công viên nghĩa trang quận 9 đồ sộ, đang hoàn thiện dần những hạng mục cuối cùng không xa là khu lán trại của thợ hồ ngày đêm bám trụ xây nghĩa trang. Nghĩa trang ngày một đẹp thì khu lán cũng ngày càng tồi tàn hơn, xập xệ, xiêu vẹo như cái dáng thất thểu của một người thợ nề vừa xuống giàn lúc đứng bóng. Giữa cái nắng nóng của những ngày đầu tháng 5, năm cái lán với 4 bức vách, mái được lợp bằng tôn như những chảo lửa.

Nước mắt thợ xây nghĩa trang - 3

Khu lán trại dành cho thợ hồ xây nghĩa trang.

Một cái lán với diện tích 20m2 là chỗ tá túc của hơn 10 gia đình thợ. Ăn uống, ngủ nghỉ, ngay cả nấu cơm... chừng ấy thứ của một gia đình thợ đều được gói ghém trên tấm phản gỗ 2m2 được chia phần. Họ được các cai thầu thuê công nhật, lãnh lương theo tuần, không hợp đồng, không bảo hiểm và không rất nhiều thứ khác nữa. Nhưng họ vẫn làm, không đòi hỏi và cam chịu một cách tội nghiệp.

“Dưới quê mần ruộng cũng khổ mà ít tiền, lên đây hai vợ chồng cùng làm, tiết kiệm thì mỗi ngày cũng dư ra gần 200.000 đồng. Như vậy là nhiều rồi. Khi xin việc, do không rành chữ nghĩa nên chẳng biết đường đâu mà đòi hợp đồng lao động. Hầu hết thợ ở đây đều vậy cả” - chị Thuyền vừa nói, vừa đưa tay quạt quạt đám ruồi chực bu quanh đứa con 9 tháng no sữa đang ngủ gà gật.

Cũng do không biết chữ nên khi xảy ra chuyện, cơ quan chức năng yêu cầu có lá đơn cầu cứu mới giải quyết, chị chạy vạy khắp nơi mới nhờ được người làm giúp. Theo lời chị, lúc trước gia đình chị ở trong lán thợ của Cty Đông Cường, nhưng đến ngày 10.5, anh Phong bị ông Trung và ông Minh đánh, vợ chồng chị cũng bị ông Ni - người của công ty - đuổi ra khỏi lán. Không biết đi đâu, vợ chồng chị liều mạng ở lại lán thì ông Ni cắt điện, cắt nước. “Ông Ni tuyên bố ai chứa chấp vợ chồng tôi thì người đó cũng sẽ bị cắt điện nước. Vì sợ liên lụy đến mọi người hai vợ chồng dọn đồ ra khỏi lán Cty Đông Cường. Chồng bị thương nặng, 3 đứa con nheo nhóc, tiền bạc không có, mọi người thương tình, cái lán này còn dư chỗ nên cả nhà dọn về đây” - chị Thuyền gạt nước mắt.

Trả lời về trường hợp của anh Phong, ông Phan Việt Quý - Phó trưởng Công an phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 - cho biết: Khi tiếp nhận vụ việc, công an phường đã ghi nhận những diễn biến ban đầu và đề nghị ông Trung và ông Minh đưa nạn nhân đến bệnh viện điều trị. Do không có thẩm quyền khởi tố vụ việc, nên công an phường đã chuyển toàn bộ hồ sơ lên đội điều tra hình sự, Công an quận 9. Sáng ngày 17.5, tôi cùng chị Thuyền đến Công an quận 9, người thụ lý hồ sơ của anh Phong yêu cầu anh Phong phải đi trưng cầu giám định thương tật ở Trung tâm Pháp y thành phố, như vậy mới có căn cứ khởi tố vụ án. “Mấy anh nói chi phí giám định ít nhất cũng phải 2 triệu. Ông anh cho mượn cái xe đi cầm được 2 triệu” - chị Thuyền lẩm bẩm...

“Cứ 10 cai thầu thì đến 7 bỏ trốn”

Trước đó vào ngày 5.3, cũng tại khu công viên nghĩa trang quận 9, gần 30 thợ hồ làm công cho Cty TNHH XD TM & DV cơ khí Huệ Tân (Tân Thạnh, Tân Hương, Châu Thành, Tiền Giang), một “thầu con” thầu lại hạng mục nhà tro cốt của nghĩa trang, đã bị cai thầu ôm lương bỏ trốn.

Anh Hoàng - thợ hồ - bức xúc: “Ở đây cứ 10 cai thì có tới 7 cai bỏ trốn. Họ mướn từng nhóm thợ vào làm, vài tuần đầu họ trả lương đầy đủ, nhưng những tuần tiếp theo họ khất rồi trốn luôn. Mỗi người thợ mất vài triệu đồng, đi kêu công ty thì công ty đổ hết cho cai. Nếu thợ làm um lên, công an, nhà báo tới thì họ mới trả nhưng hạ tiền công xuống, đó là trường hợp của nhóm thợ Cty Huệ Tấn. Hàng trăm thợ khác ngậm đắng nuốt cay ra đi vì bị quỵt tiền mà không biết kêu ai. Thợ đi rồi, “ông cai” lại xuất hiện, lại tìm thợ mới như chưa có chuyện gì xảy ra. Có phải họ thông đồng để ăn tiền của thợ hay không?”.

Cai trốn, chủ chính phải trả tiền công cho người lao động

Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng văn phòng luật Tín Nghĩa, TPHCM - khẳng định: Tại khoản 2 Điều 99, Bộ luật Lao động 2012 quy định rõ trường hợp người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự không trả lương hoặc trả lương không đầy đủ và không bảo đảm các quyền lợi khác cho người lao động, thì người sử dụng lao động là chủ chính phải chịu trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi đó cho người lao động. Còn ông Lý Nguyễn Minh Phúc - Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 9 - cho biết: Sau khi tiếp nhận đơn của chị Thuyền, LĐLĐ quận đã phối hợp với Phòng LĐTBXH quận 9 mời các đối tượng lên làm việc. Qua xác minh, Cty Đông Cường thuộc quận 2 nên Phòng LĐTBXH quận 9 sẽ gửi hồ sơ sang Phòng LĐTBXH quận 2 để xử lý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Tuyết (Lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN