Nước mắt làng nông không đất ruộng
Gần 100 hộ nông dân ở làng không có nổi một thước đất để trồng lúa, trồng khoai khiến cuộc sống vô cùng ngặt nghèo. Điều nghịch lý là làng này nằm ở vựa lúa lớn nhất tỉnh Quảng Bình…
Không có ruộng nên thanh niên làng Thống Nhất xã Mỹ Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình) kéo nhau vào miền Nam kiếm sống, người già, phụ nữ phải chạy khắp vùng làm thuê, làm mướn… Người làng Thống Nhất vì thế đã chua chát ví von: “Quê hương mình chỉ là “bến trọ”…
Làng vắng bóng thanh niên
Làng Thống Nhất nằm bên dòng sông Kiến Giang, bao quanh làng là những cánh đồng lúa cò bay thẳng cánh.
Chúng tôi vào làng, tìm mãi mới ra nhà bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Trưởng thôn - vì cả làng đều vắng bóng người, không biết hỏi ai. Hỏi chuyện làng, bà Lan cười chua chát: “Làng trước đây đông đúc bậc nhất xã, giờ không có ruộng nên nhiều người đã phải bỏ làng đi. Tụi trẻ mới lớn cũng lũ lượt kéo nhau vào Nam kiếm sống. Người già, phụ nữ không đi xa được cũng chạy khắp quanh vùng làm thuê làm mướn cho người ta cả rồi. Ở đây giờ kiếm không ra thanh niên mô, việc chi nặng nhọc, người già phải căng sức ra làm…”.
Hồi cả nước dấy lên phong trào thành lập hợp tác xã (HTX), mỗi làng lập ra một HTX theo thế mạnh mà địa phương phân công. Làng Thống Nhất được chỉ định lập HTX sản xuất gạch ngói. Do làm ngói nên đất đai, ruộng vườn làng này phải chuyển cho dân làng khác được phân công làm nông nghiệp.
Ngôi nhà của ông Ngọc bỏ hoang đã nhiều năm nay
Từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, gạch ngói do làng Thống Nhất làm thủ công không thể cạnh tranh với gạch ngói do các công ty sản xuất bằng dây chuyền hiện đại. Thống Nhất đổ nợ, HTX giải tán, dân cả làng quờ quạng trong cảnh thất nghiệp, tất cả ruộng đất đều đã thuộc về những làng khác xung quanh. Đa số người nông dân Thống Nhất từ đó trắng tay, không một tấc đất cắm dùi.
Những ngôi nhà hoang
Không có ruộng, làm thuê, làm mướn cũng bấp bênh, nên nhiều người dân Thống Nhất đã bỏ nhà đi không trở về. Theo bà Lan, hiện Thống Nhất đã có trên 10 ngôi nhà nhiều năm không có người ở. Chúng tôi vào nhà ông Lê Hồng Ngọc đã bỏ hoang gần 3 năm nay. Mái ngói và tường của ngôi nhà bị mối mọt làm cho bong tróc từng mảng lớn. Ông Ngọc có 4 người con, vừa lớn lên đều phải tha hương mưu sinh. 3 năm trước, ngôi nhà cũng chỉ có 2 vợ chồng ông Ngọc sinh sống. Kể từ khi vợ chồng ông Ngọc quy tiên, không còn thấy những người con ông Ngọc về quê nữa…
“Tụi nó cứ viết thư về động viên vợ chồng tui phải cố cho 3 đứa em ăn học đến nơi đến chốn chứ đừng để tha hương như anh chị nó. Nhưng rồi chắc vợ chồng tui cũng phải đóng cửa nhà mà theo tụi nhỏ đi làm thuê thôi”. Ông Nguyễn Văn Hùng |
Cạnh nhà ông Ngọc có ngôi nhà mái bằng vào loại khang trang nhất làng nhưng cửa đóng im ỉm. Hỏi mới biết đó là ngôi nhà của anh Tạ Đình Hùng, con trai của đương kim Bí thư chi bộ thôn Thống Nhất. Làm thuê, làm mướn khắp nơi, anh Hùng mới dành dụm được ít tiền để xây nhà. Cất nhà đúng vào thời điểm giá vật liệu tăng vùn vụt, nên khi hoàn thành ngôi nhà, anh Hùng phải ôm khoản nợ hàng chục triệu đồng. Nhà làm nên chưa kịp ở, 2 vợ chồng anh phải đóng cửa, gửi con cho ông bà nội lặn lội vào miền Nam làm thuê kiếm tiền trả nợ…
Sau bao năm đóng cửa im lìm, lúc chúng tôi đến, ngôi nhà của 2 anh em Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Văn Lộc mới được mở cửa dọn dẹp. Gần 7 năm đi giữ rừng thuê ở Tây Ninh, anh em anh Quân mới dành dụm được ít tiền để về tảo mộ cho bố mẹ. Nông dân không có ruộng thì nhục lắm. Không tìm đường đi khỏi cái làng này thì chắc không thể lấy vợ, lấy chồng. Con gái các làng khác khi nghe nhắc đến thanh niên làng Thống Nhất thì đều thè lưỡi cười cợt: “Lấy trai làng Thống Nhất về thì lấy gì mà ăn...”.
Ở làng Thống Nhất, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng được xem là kha khá về khoản đất đai nhưng cũng chỉ có hơn 400m2 đất vườn. Vợ chồng ông Hùng phải làm đủ thứ nghề để nuôi con đàn, nay thì 5 đứa lớn đã dìu dắt nhau vào Đồng Nai làm thuê để phụ cha mẹ nuôi 3 đứa em nhỏ ở nhà.