Nỗi lòng “hiệp sĩ”

Thời gian qua, các “hiệp sĩ” ở TP HCM bắt được nhiều tội phạm nhưng hoạt động của họ vẫn tự phát.

Giờ tan tầm, tại vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình, TP HCM), hai thanh niên chở nhau trên chiếc xe máy với đôi mắt láo liên, dò xét xung quanh. Phía sau là sự theo dõi âm thầm của các “hiệp sĩ” Nguyễn Trọng Nghĩa, Lê Ngọc Phúc, Hoàng Văn Kiên...

Tính mạng luôn bị đe dọa

Kiên nhẫn đeo bám đối tượng suốt hơn 1 giờ bỗng dưng chiếc điện thoại trong túi của anh Nghĩa đổ chuông, đầu dây bên kia một giọng hốt hoảng: “Thằng Tuấn đi bắt cướp bị chúng đánh gãy chân rồi Nghĩa ơi”. Khựng lại trong giây lát, những ký ức về vụ tai nạn kinh hoàng năm nào bất chợt hiện lên trong đầu anh như một đoạn phim chiếu chậm. “Hiệp sĩ” Nghĩa quyết định quay đầu xe, chạy về phía Bệnh viện Đa khoa quận 1, nơi “hiệp sĩ” Tuấn đang được cấp cứu. Suốt nhiều ngày liền, anh Nghĩa đi khắp nơi để vận động tiền hỗ trợ chi phí phẫu thuật chân cho bạn mình.

Nỗi lòng “hiệp sĩ” - 1

Một tên cướp giật bị “hiệp sĩ” TP HCM bắt giữ Ảnh: ĐỨC NAM

Gặp chúng tôi, kể về câu chuyện của “hiệp sĩ”, anh Nghĩa  cho biết lúc nào trong người cũng trang bị rất nhiều thuốc, cao xoa bóp... để phòng gặp tai nạn thì dùng.

Cách đây 7 năm, cũng trong một ca tuần như thường lệ, “hiệp sĩ” Nghĩa cùng các anh em phát hiện 2 đối tượng vừa giật túi xách của một nữ du khách nước ngoài trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Mải miết truy đuổi, anh vô tình bị bọn chúng dẫn về một hẻm cụt trong khu Bắc Hải, quận 10.

Nhận ra chuyện chẳng lành nhưng không kịp phản ứng, “hiệp sĩ” Nghĩa đã bị bọn chúng bất ngờ tấn công. Kết quả, lúc tỉnh dậy, anh thấy mình nằm trong bệnh viện, một chân đã bị bó bột, cánh tay đau nhức do lãnh nhiều vết chém. “Lúc đó, kế giường bệnh là vợ tôi đã khóc cạn nước mắt” - anh Nghĩa kể.

Bảy năm đã trôi qua nhưng mỗi lần kể lại câu chuyện năm nào, “hiệp sĩ” Nghĩa không khỏi rùng mình và cảm thấy may mắn khi vẫn toàn mạng vượt qua lưỡi hái tử thần. Không chỉ riêng anh Nghĩa, cả giới “hiệp sĩ” TP HCM, mỗi cuộc đấu tranh với tội phạm là mỗi lần tính mạng các anh bị đe dọa.

Vợ bỏ cũng chẳng oan

“Nhiều lúc cũng không hiểu tại sao mình lại có đam mê lạ lùng như vậy. Khi mà người ta yên giấc với vợ con thì mình lông bông ngoài đường tìm trộm, bắt cướp. Đi riết rồi mọi chuyện trong nhà đều đổ dồn lên vai vợ, đến khi hết chịu đựng nổi, người ta bỏ mình cũng chẳng oan” - anh Hoàng Văn Tùng (31 tuổi), một thành viên trong nhóm săn bắt cướp quận Tân Bình, bộc bạch.

Đã hơn 2 tháng trôi qua kể từ ngày ly thân với vợ, tối nào “hiệp sĩ” Tùng cũng tìm đến các chốt trực dân phòng để đánh giấc qua đêm. Tâm sự với chúng tôi, anh lặng lẽ kể lại kỷ niệm đã đưa mình trở thành “hiệp sĩ”: “Một ngày cuối năm 2008, khi đang ngồi sửa ổ khóa cho khách, tôi phát hiện một vụ cướp giật xảy ra trước mặt mình. Như một phản xạ tự nhiên, tôi vung chiếc ghế trong tay và tên cướp nằm “chỏng vó” dưới đường. Từ đó, niềm đam mê với công việc “hiệp sĩ” cứ ngấm dần trong tim”.

Tám năm đã trôi qua kể từ ngày đầu tiên bắt cướp, số chiến công mà “hiệp sĩ” Tùng có được tương đương với lần anh vắng nhà. Với nguồn thu nhập bấp bênh do gián đoạn bởi những lần xen ngang bắt cướp, cuộc sống của đôi vợ chồng cùng một mặt con cứ thế khó khăn, nhiều lần xảy ra cãi vã mà không thể tìm được tiếng nói chung, dẫn đến việc đường ai nấy đi.

Cuộc nói chuyện chợt gián đoạn bởi anh Tùng nhận được điện thoại từ đứa con nhỏ: “Bao giờ thì ba đi làm về?”. Câu hỏi con trẻ khiến khuôn mặt tưởng chừng cứng rắn đến vô cùng của người “hiệp sĩ” đường phố bỗng chùng xuống và anh im lặng vì không biết phải trả lời như thế nào...

Cần thành lập CLB

Đa số “hiệp sĩ” ở TP HCM xuất thân từ những người lái xe ôm, sửa khóa hay bán nước vỉa hè... nên thu nhập khá bấp bênh. Sau gần 10 năm hoạt động với nhiều thành tích nhưng đến nay, các “hiệp sĩ” như Nghĩa, Tùng hay những nhóm “hiệp sĩ” khác ở TP vẫn chưa có một cơ chế hay cơ quan chức năng nào đứng ra quản lý. Theo anh Nghĩa, do không được công nhận nên nhiều lúc đi bắt tội phạm, các “hiệp sĩ” gặp rất nhiều  khó khăn.

Anh Trần Văn Hoàng đề xuất: “Nhiều năm qua, chúng tôi mong mỏi được chính quyền công nhận là “hiệp sĩ” và tạo môi trường sinh hoạt thực thụ. TP  HCM cần hỗ trợ các “hiệp sĩ” bằng cách xây dựng CLB theo cấp quận, do công an quản lý. Điều này sẽ tránh việc một số ít “hiệp sĩ” lạm quyền như hiện nay”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Phong - Đức Nam (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN