Nỗi đau núi đá
Đối với người dân xã thuần nông Hà Tân, Hà Trung, Thanh Hóa, khai thác đá là nghề giúp thoát nghèo. Đá cho họ cơm ăn, áo mặc nhưng chính đá cũng cướp đi sinh mạng của nhiều người. Bỏ nghề thì họ không biết làm gì để mưu sinh. Vì thế, nhiều người vẫn cố bám lấy nghề để sống.
Một ngày nổ hàng tạ mìn
Anh Đỗ Văn Sức quản lý xưởng khai thác đá Sức Hợi, cho biết: Nghề khai thác đá của xã đã có từ mấy chục năm qua. Nghề vất vả, sống chung với bụi, với những tai nạn nghề nghiệp, có khi đánh cược với tính mạng của mình. Nhưng đã làm nghề phải chấp nhận những rủi ro và cố gắng khắc phục khó khăn.
Xưởng đá của anh Sức đi vào sản xuất gần 5 năm nay, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động trong vùng. Anh Sức bảo: Trước đây, khi chưa đưa máy móc vào sản xuất, chúng tôi cần tới 60 công nhân làm đá. Nhờ áp dụng máy móc vào sản xuất mà khối lượng công việc vẫn như thế nhưng chỉ cần 20 lao động. Nhưng công đoạn trèo lên những vách đá để khoan và đặt mìn đánh đá thì chưa có máy móc thay thế người thợ được.
"Trước đây khi nổ mìn, phu đá khoan bằng tay với mũi khoan phi 24, độ sâu 5m. Giờ khoan bằng máy mũi khoan phi 80, khoan sâu 15m, sau khi khoan xong sẽ đặt mìn vào hẹn giờ để nổ. Mỗi lần nổ mìn đánh đá các thợ đá khoan từ 3 - 5 mũi khoan, nhồi từ 100 - 120kg mìn. Có thời gian cần nhiều đá cho các công trình, số mìn đánh đá tăng lên nhiều lần số đó", anh Sức cho biết.
Theo lời anh Sức, những thợ chuyên nổ mìn của các xưởng đá nơi đây đều được học và cấp chứng chỉ về nổ mìn. Tuy nhiên, dù đã được học thì công việc của họ vẫn luôn phải đối mặt với những nguy hiểm, có khi mất mạng.
Những người thợ khoan đá đặt mìn luôn đối mặt với tử thần.
"Tôi đã nghĩ, mình khó thoát khỏi cái chết"
Tôi gặp anh Nguyễn Văn Mạnh tại xưởng sản xuất đá Chiến Màu. Buổi sáng hôm gặp tôi anh Mạnh được chủ cho nghỉ ngơi để điều trị vết thương. Sau cú ngã như trời giáng từ trên đỉnh núi xuống đất cách đây hơn một tuần, gương mặt Mạnh vẫn còn đầy thương tích và hiện rõ vẻ thất thần.
"Tôi làm ở xưởng đá này được hơn 3 năm nay. Hằng ngày, tôi trèo lên các đỉnh núi, đặt mìn đánh đá. Buổi sáng hôm đó, như thường lệ tôi cùng anh em trong tổ lên núi khoan đá. Khi đặt mìn và nổ đá xong chúng tôi lại leo lên kiểm tra vị trí đã đánh mìn, cạy các khối đá cho lở hết, đề phòng việc sụt lở trong quá trình thu gom đá. Vừa trèo lên đỉnh, do trượt chân nên tôi bị ngã xuống đất", anh Mạnh kể. Rất may mắn là cú ngã ấy chỉ khiến anh bị xây xát nhẹ.
"Phúc nhà tôi lớn nên mới thoát khỏi tai nạn này. Khi người tôi văng khỏi núi, trong đầu tôi đã nghĩ rằng mình khó thoát khỏi cái chết oan nghiệt. Trước đây, nhiều người ngã với độ cao như tôi nếu không chết cũng bị tàn phế suốt đời", anh Mạnh tâm sự.
Biết công việc của anh vất vả, nguy hiểm mỗi lần về thăm nhà, mẹ và vợ thường khuyên anh bỏ nghề tìm công việc nhẹ nhàng hơn. Nhưng quanh quẩn mãi anh cũng không tìm được công việc nào khá hơn. Vì khoan đá ngày công cũng khá, trừ ăn uống anh cũng được 250.000đ/ngày. Mình anh làm cũng đủ để nuôi mẹ già và vợ con. Nhưng sau tai nạn đó anh thấy cũng không thể bấu víu vào nghề làm đá được nữa. "Tai nạn xảy ra được hơn một tuần nhưng tôi chưa dám về nhà sợ mọi người lo lắng. Tới tìm công việc khác để làm thôi, dù lương thấp cũng còn hơn hằng ngày đối mặt với tử thần".
Anh Sức vẫn còn sợ hãi khi kể lại những vụ tử nạn vì đá.
Năm người tự đào mồ chôn mình
Anh Sức cho hay, làm nghề đá này mạo hiểm, rủi ro khó lường trước được nên anh thường dặn dò công nhân làm phải hết sức cẩn thận, chỉ cần sơ suất nhỏ cũng mất mạng như chơi. Nhưng khai thác đá làm công trình vẫn có "cái may". Rủi ro nếu xảy ra tai nạn cũng thường chỉ vào một cá nhân nào đó. Những người khai thác đá xanh, đá hoa khi rủi ro có thế chết cả nhóm.
Anh Sức vẫn còn nhớ năm ngoái ở xưởng đá Năm Thanh, cạnh xưởng anh nhóm thợ 5 người tử nạn cùng lúc. Nhóm thợ này thăm dò đã chọn được phiến đá hoa rất đẹp. Vì thế, cả nhóm tụm nhau lại để phối hợp làm. Muốn lấy được cả tảng phải đánh sập mấy tảng râu ria bên ngoài. Họ đào hầm cóc sát chân tảng đá. Hầm đào vừa xong, mọi người tranh thủ nghỉ ngơi uống nước trước khi đặt mìn để hạ khối đá thì bất ngờ khối đá đó sập xuống, cả nhóm 5 người không kịp trở tay đã bị đá đè chết hết.
Anh Sức bảo, những trường hợp như thế hầu như năm nào cũng có. Chủ yếu do thợ đá chủ quan, không lường trước được sự nguy hiểm của đá, họ đào hầm đánh đá và chính hầm đó lại trở thành mồ chôn họ.
Anh Sức kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đau lòng của gia đình chủ đá nơi đây. "Vào buổi trưa năm ngoái, xưởng đá gia đình anh Dương Ngoan thông báo cho mọi người khu vực làm đá rằng 12h trưa sẽ đánh mìn trên núi. Hôm đó chị Ngoan, vợ của anh Dương chủ xưởng đá sau khi dọn dẹp công việc ở xưởng đá rồi về nấu cơm cho thợ. Khi cơm nước đã xong xuôi chị nhớ ra còn mấy cái cào đá, máy khoan bỏ ở ngoài vẫn chưa mang vào nhà. Vì thế, chị đã ra lán để thu dọn. Trên núi những người thợ dù biết có người ở gần khu vực đánh mìn nhưng họ nghĩ nổ mìn từ xa hàng trăm mét, đá sẽ khó có thể làm hại ai đó. Nhưng không ngờ khi chị Ngoan vào thu dọn đồ đạc, đám thợ kích hoạt mìn, đá nổ tung tóe, một mảnh đá bất ngờ bay trúng vào thái dương khiến chị bất tỉnh tại chỗ. Mọi người đưa chị đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng chị đã mất sau đó".
Chia tay chúng tôi anh Sức tâm sự: Làm nghề này chẳng khác gì đánh cược với số phận. Tôi xác định cố gắng làm vài năm nữa thì cũng bỏ nghề thôi. Nhiều tai nạn, nhiều cái chết xảy ra ở đây khiến tôi sợ hãi.
"Khai thác đá là nghề truyền thống của xã chúng tôi. Hiện nay, xã có 13 doanh nghiệp trực thuộc hợp tác xã, trong đó có 7 mỏ khai thác đá. Từ khi đưa các xưởng sản xuất đá vào hợp tác xã, chúng tôi đã tổ chức các lớp tập huấn cho chủ doanh nghiệp, công nhân làm đá về an toàn lao động. Vì thế nên các vụ tai nạn về đá vài năm gần đây giảm đáng kể. Nghề làm đá làm thay đổi một phần đời sống người dân trong xã, có thời điểm đến 500 lao động làm đá. Nhưng do công việc vất vả, nguy cơ tai nạn lao động cao, vì thế nhiều người bỏ nghề". Ông Nguyễn Thanh Truyền (Chủ tịch UBND xã Hà Tân) |