Nổ bình chữa cháy trong ô tô: Biết bắt đền ai?

Sau khi Bộ Công an ra Thông tư 57 yêu cầu xe ô tô con phải trang bị bình cứu hỏa thì một số vụ cháy nổ phương tiện chữa cháy này đã xảy ra. Vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù cho sự cố này hay người dân đành phải ngậm ngùi chịu thiệt?

Liên tiếp các vụ cháy, nổ bình chữa cháy trong ô tô

Trưa 16/1, bình chữa cháy trong chiếc ôtô (loại 4 chỗ) của ông Ngô Hiếu Thuận, ngụ xã Song Bình, huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang đang đậu trong sân nhà bỗng nhiên phát nổ. 

Nghe tiếng động, ông Thuận chạy ra mở cửa xe xem thì thấy bình chữa cháy ông để trong ôtô đã bị nổ bung nắp, đáy bình bị móp. Vụ nổ đã khiến xe của ông bị hỏng đố cửa, nứt thùng loa. 

Ngay sau đó, ông Thuận nhờ lực lượng công an địa phương đến lập biên bản ghi nhận sự việc, đồng thời bày tỏ kiến nghị ngành chức năng nên bỏ quy định bắt buộc có bình chữa cháy trong xe vì lo ngại tình trạng tương tự xảy ra.

Ông Thuận cho biết, sau khi có quy định của Bộ Công an, ông đã lên TP.HCM mua một bình chữa cháy mini có thời hạn sử dụng đến tháng 11/2017.

Nổ bình chữa cháy trong ô tô: Biết bắt đền ai? - 1

Ông Thuận với chiếc bình cứu hỏa phát nổ

Theo phản ánh, sau sự việc trên, ngày 18/1, Trung tá Nguyễn Văn Thái, Phó Trưởng Công an huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, công an huyện vừa tiếp nhận thông tin một vụ nổ bình chữa cháy mini trên xe ô tô tại xã Song Bình.

“Đây là vụ nổ bình chữa cháy mini đầu tiên trên địa bàn, sau khi có quy định bắt buộc trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô. Đến nay, chúng tôi cũng chưa xử lý trường hợp nào vi phạm không trang bị bình chữa cháy trên xe. Do người dân chỉ trình báo với công an xã nên chúng tôi cũng mới biết thông tin này. Có thể do bình chữa cháy để trong xe đóng kín cửa, gặp trời nắng nóng nên tự phát nổ. Với những trường hợp gặp sự cố như trên, người dân nên chủ động báo ngay với công an xã hoặc công an huyện để lập biên bản ghi nhận vụ việc, thuận tiện cho quá trình xử lý sau này”, Trung tá Thái nói.

Ngày 14/1, tại xã Phú Long, huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre), ông Trần Sĩ Nhân - chủ xe tải 3,5 tấn khi mang bình chữa cháy mini của xe ra bên ngoài để vệ sinh xe thì bất ngờ chiếc bình này cũng phát nổ, bay lên làm thủng cả trần nhà.

Một vụ cháy nổ khác xảy ra ở ngay Hà Nội được VTC14 đưa tin. Mặc dù mới mua được khoảng một tuần trên phố Yết Kiêu (Hà Nội), bình chữa cháy mini đã phát nổ trong cốp xe BMW của anh Nguyễn Hoàng Hải, quận Ba Đình khiến bọt bắn tung tóe. 

Theo Thông tư 57 do Bộ Công an ban hành, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 chỗ trở lên, xe rơ-moóc hoặc sơmi rơ-moóc chở khách được kéo bởi ôtô, máy kéo; xe vận chuyển hàng nguy hiểm về cháy, nổ nằm trong danh mục bắt buộc phải trang bị phương tiện PCCC.

Với ô tô từ 4 chỗ trở lên phải trang bị một bình bột loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4 kg.

Trong Thông tư quy định rõ, các phương tiện PCCC trang bị trên xe được bố trí tại nơi dễ thấy, dễ lấy để sử dụng khi chữa cháy nhưng không ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái, an toàn của người đi trên xe và khuyến cáo không nên để trong cốp xe tránh nhiệt độ cao.

Căn cứ vào Nghị định 167/2013, người vi phạm sẽ bị phạt tiền 300.000-500.000 đồng nếu phương tiện phòng cháy chữa cháy không đầy đủ hoặc không đồng bộ, không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới.

Chỉ nên khuyến khích người dân tự trang bị bình cứu hỏa

Trước việc liên tiếp nổ bình cứu hỏa trong xe ô tô, trao đổi với phóng viên Infonet tối 18/1, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, thực ra việc bình cứu hỏa tự cháy nổ thì rất ít nhưng không có nghĩa là không có và đã xảy ra ở miền Nam.

Vì vậy, trước quy định của Bộ Công an, bây giờ nếu không trang bị bình cứu hỏa thì vi phạm quy định của pháp luật mà trang bị khi xảy ra cháy nổ sẽ ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân.

“Đứng trước việc đó, người dân có quyền lựa chọn nên hay không trang bị bình cứu hỏa cho ô tô. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi thì không nên trang bị bình cứu hỏa cho xe dưới 9 chỗ”, ông Liên nói.

Theo ông Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, sở dĩ không nên trang bị bình cứu hỏa cho ô tô con vì căn cứ vào quy định của pháp luật, quy định này phải tương thích với các quy định hiện hành.

Đối với các quy định này, nhà nước đã giao cho Bộ Giao thông vận tải là đơn vị phụ trách và Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ra quy định tiêu chuẩn Việt Nam quy định những xe từ 9 chỗ trở lên mới yêu cầu phải lắp bình cứu hỏa. Vì vậy, việc bây giờ bộ chuyên ngành lại yêu cầu xe dưới 9 chỗ phải lắp bình cứu hỏa nên không thống nhất với các văn bản hiện hành.

Hơn nữa, việc văn bản này khi ban hành, người sử dụng gồm: người dân, hiệp hội vận tải và các chuyên gia chưa được lấy ý kiến vào văn bản này mà đã ban hành như vậy là trái với quy định của pháp luật về quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì thế, việc văn bản vừa có hiệu lực đã xảy ra cháy nổ thì rất phản cảm.

“Theo ý kiến của tôi, với xe từ 9 chỗ trở xuống nên khuyến khích người dân lắp đặt và không biến thành quy định pháp luật. Vì quy định pháp luật sẽ có chế tài xử phạt đi cùng do đó chỉ nên khuyến khích người dân tự lắp đặt khi thấy cần thiết”, ông Liên cho biết.

Trước câu hỏi của Infonet về việc cơ quan nhà nước yêu cầu người sử dụng ô tô phải trang bị bình cứu hỏa, vậy khi xảy ra cháy nổ do bình cứu hỏa gây ra ai sẽ phải đền bù cho dân, ông Liên cho biết, để xác định được đơn vị nào chịu trách nhiệm thì các cơ quan kiểm định Thông tư này phải kiểm định lại nội dung của thông tư, nếu thông tư ban hành trái quy định thì người ký ban hành thông tư phải chịu trách nhiệm đền bù cho người dân.

Tuy nhiên, theo ông Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, nội dung thông tư chỉ ban hành chế tài xử phạt chứ không quy định chế tài bồi thường và nếu văn bản trên là đúng quy định của pháp luật thì khi xảy ra sự cố, người dân đành phải chấp nhận chịu rủi ro.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuấn Minh (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN