Những vụ gom nông sản "kỳ quặc" của TQ

Đỉa khô, ong bầu, rễ sim, lá điều…là những mặt hàng “kỳ quặc” được Trung Quốc tích cực thu mua trong năm 2012 tại Việt Nam.

Tình trạng thu mua nông sản “kỳ quặc” được các thương nhân Trung Quốc thu mua đã diễn ra nhiều năm và không ít nông dân Việt Nam ôm “hận”. Biết vậy nhưng tình trạng này vẫn không dứt trong năm 2012.

Tận thu cây hải đường

Đầu tháng 3/2012, xã Đặng Cương, huyện An Dương (Hải Phòng) - đất trồng cây hải đường đón tiếp nhiều môi giới phía Trung Quốc về thu mua cây hải đường với giá từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng/cây. Ban đầu thương lái Trung Quốc chỉ mua những cây hải đường lâu năm thì thời gian này họ thu mua tất cả các cây hải đường, kể cả những cây vừa ươm trồng.

Những vụ gom nông sản "kỳ quặc" của TQ - 1

Người dân ùn ùn bán hải đường giá cao cho Trung Quốc (ảnh minh họa)

Đến nay, theo ghi nhận, cây hải đường chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ và mang phong tục truyền thống Tết xưa. Thế nên, việc thu mua loại mặt hàng này cũng đặt ra nhiều dấu hỏi lớn.

Tiếp theo cây gỗ sưa, cây ngâu, hay con đỉa, ốc bươu vàng... cây hoa hải đường ở Hải Phòng đang được thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua với số lượng lớn. Và tới nay, vẫn chưa có câu trả lời chính xác: Họ tận thu những nông sản trên để làm gì?

Đổ xô mua gạo về “trộn”

Từ tháng 4/2012, thương nhân Trung Quốc đổ xô đến ĐBSCL tìm mua lúa với giá cao. Thậm chí, thu mua cả gạo thường trộn lẫn gạo thơm với giá gạo thơm…

Tuy nhiên, việc kinh doanh từ phía trung Quốc rất bất thường, lúc thì mua lúa thường, lúc lại mua lúa thơm, khiến thị trường luôn biến động. Chính việc thu mua vơ vét của thương lái nên cuối vụ đông xuân vừa qua, giá lúa thường bất ngờ tăng ngang bằng với lúa hạt dài.

Những vụ gom nông sản "kỳ quặc" của TQ - 2

Việc thu mua lúa gạo của TQ khiến thị trường gạo rối loạn (ảnh minh họa)

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, đây có thể là cách để thương lái Trung Quốc thôn tính thị trường. Họ có tiền nên khi ồ ạt thu mua một loại lúa nào đó là ngay lập tức đẩy giá lên cao. Khi giá lên cao, họ lại bỏ không mua, khiến thị trường rối loạn…

Mua đỉa khô giá cao

Vào khoảng tháng 5/2012, thương lái Trung Quốc lại ào ào sang Việt Nam thu mua đỉa giá cao (từ 1-2 triệu đồng/kg đỉa khô) khiến các làng quê nhộn nhịp khác thường, cánh đồng lúc nào cũng có người túc trực bắt đỉa.

Nhiều thông tin cho rằng đỉa và các chế phẩm từ đỉa rất tốt cho bệnh khớp và tim mạch. Bởi, trong tuyến nước bọt của loại vật hút máu này có chất chống viêm sưng, chống đông máu và bệnh khớp. Tuy nhiên, ít vị thuốc nào cần dùng đến đỉa.

Những vụ gom nông sản "kỳ quặc" của TQ - 3

Đỉa cũng được thu mua rất "kỳ quái" (ảnh minh họa)

Việc thu mua đỉa ào ạt của Trung Quốc khiến người dân không chỉ đi bắt mà còn thi nhau nuôi đỉa. Một dấu hỏi lớn cho các nông dân khi thương lái không mua nữa thì việc giải quyết số đỉa này như thế nào trong khi đỉa là loại động vật có sức sống rất mãnh liệt, có thể bị đốt cháy nhưng gặp điều kiện thích hợp chúng lại có thể tái sinh?

Được biết, muốn tiêu huỷ loại động vật này, cần phải ngâm cồn xong đốt thì đỉa mới chết hẳn. Còn các phương pháp như chặt chỉ càng khiến cho loài này sinh sản nhanh hơn. Rõ ràng bài toán về đỉa không được giải quyết thì một ngày nào đó đỉa có thể sẽ tràn ngập khắp cánh đồng.

Khuyến khích phun thuốc cho dứa rồi mua

Trung tuần tháng 6, thương lái Trung Quốc tìm đến vùng Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) để thu mua quả dứa. Điều đáng nói là họ chỉ chọn những quả dứa cỡ to từ 1-2 kg/quả và còn xanh để mua với giá 4.000 đồng, cao hơn mức giá của thương lái nội địa từ 500- 800 đồng/kg. Mỗi ngày, các thương lái thu mua từ 20-30 tấn dứa ở vùng này.

Những vụ gom nông sản "kỳ quặc" của TQ - 4

TQ khuyến khích nông dân phun thuốc kích thích cho dứa rồi mua với giá cao (ảnh minh họa)

Việc thương lái Trung Quốc mua dứa của nông dân là điều bình thường, nhưng việc chọn quả to và còn xanh để mua là điều cần quan tâm. Từ lâu nay, Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang là đối tác chính để nông dân địa phương bán dứa thương phẩm, phục vụ cho nhà máy chế biến nước trái cây xuất khẩu. Thế nhưng, việc thương lái Trung Quốc nhảy vào mua ngang và chọn những trái dứa to, đẹp sẽ làm cho nguồn nguyên liệu của nhà máy của công ty bị thiếu hụt.

Không những thế, những thương lái này còn tư vấn cho người dân dùng thuốc kịch thích cho dứa to, đẹp hơn.

Mua ong bầu khiến cây trồng mất “giống”

Đầu tháng 8/2012, người dân xóm 10 (P. Đại Nài, TP. Hà Tĩnh) rộ lên phong trào săn ong bầu để bán cho đầu nậu, xuất sang Trung Quốc. Loài vật chẳng có giá trị về kinh tế nhưng rất có lợi cho cây trồng bỗng chốc có giá và đang bị săn bắt tận diệt.

Theo yêu cầu từ phía Trung Quốc, ong bầu khi đánh bắt về phải làm chết rồi phơi nắng. Đủ 3 buổi nắng thì có thể thu mua. Mỗi cân ong tươi có giá 500.000 đồng, còn đối với ong bầu được phơi khô thì có giá gấp đôi (1 triệu đồng/kg).

Những vụ gom nông sản "kỳ quặc" của TQ - 5

Học theo "bí kíp" của TQ, nông dân đua nhau làm mồi bẫy ong (ảnh minh họa)

Nhiều người dân nơi đây không hiểu ong bầu có giá trị gì, chỉ biết có nơi thu mua, hướng dẫn bí quyết săn bắt ong là đổ xô đi học hỏi rồi sắm vợt đi bắt. Loài ong chuyên thụ phấn cây trồng bỗng chốc bị săn bắt triệt để.

Ong bầu không có nhiều và không dễ đánh bắt nhưng theo những “bí kíp” từ phía thương nhân Trung Quốc đưa ra, có thể bắt được hàng yến. Điều này khiến những sinh vật có lợi cho cây trồng bỗng dưng biến mất.

Mua rễ sim khiến rừng tan hoang

Do cái lợi trước mắt, giữa tháng 9/2012, nhiều gia đình ở huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) khi nghe tin tư thương Trung Quốc thu mua rễ cây sim, đã huy động con cháu tham gia lên đồi xới tung, tàn phá đồi núi, rừng tự nhiên. Nhiều cây xanh héo chết, đổ ngã kèm theo đó là các hố sâu chi chít, nối dài đến tận biên giới.

Những vụ gom nông sản "kỳ quặc" của TQ - 6

Việc đào bới rễ sim bán cho TQ khiến những cánh rừng tan nát (ảnh minh họa)

Với giá 2.500 đồng/kg rễ tươi-một mức thu nhập khá nên lực lượng đào rễ sim cũng rất đa dạng, thậm chí, thu hút được cả lực lượng học sinh đang giờ lên lớp.

Theo một số chuyên gia về thuốc nam, cây sim là loại dược liệu quý, nhiều tác dụng từ rễ, lá, quả, rất tốt cho việc điều trị các bệnh viêm dạ dày, viêm gan, phong thấp, đau khớp.

Ngoài ra, sim có tác dụng giữ đất, nước, chống xói mòn, trôi màu, là thảm thực vật quan trọng giữ nguồn nước biên giới.

Để có một cây sim trưởng thành phải mất trên mười năm, vậy mà trong vòng một tháng, hàng vạn cây sim bị tận diệt, nhiều cánh rừng bị cày bới tan hoang.

Mua lá điều khô về…đốt

Mới đây nhất, tại Đồng Nai, các thương nhân Trung Quốc vươn tay thu mua lá điều khô. Không biết họ thu mua làm gì nhưng để lại cái hại rất lớn cho những vườn điều tại địa phương.

Những vụ gom nông sản "kỳ quặc" của TQ - 7

Nhiều vườn điều sạch bách lá khô bởi TQ thu mua về "đốt"? (ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, mỗi năm điều rụng lá một lần. Khi lá khô rụng xuống sẽ che phủ rễ điều, chống xói mòn. Nếu lá điều khô bị gom sạch sẽ dẫn đến tình trạng suy kiệt dinh dưỡng trong đất, làm giảm chất lượng, năng suất trái.

Sự việc bị phát giác, thương lái Trung Quốc bỏ đi, mang theo nhiều tấn lá điều khô đã trót mua đi…đốt. Trong khi đó, tại các địa phương, lá điều khô chất đống người dân không biết xử lý ra sao.

Năm 1997, Trung Quốc thu mua mèo với giá cao khiến lượng mèo của Việt Nam giảm đáng kể Người dân thậm chí “câu” trộm mèo để bán. Cùng năm đó, đại dịch chuột hoành hành dữ dội.

Vào khoảng năm 2003-2004, thương lái Trung Quốc ráo riết về các chợ nông thôn thu mua móng trâu, bò với giá rất cao, thậm chí, chỉ 4 móng chân của trâu, bò có thể bán với giá cao hơn hẳn một con trâu, bò. Nông dân đua nhau giết trâu lấy móng, cho dù thịt trâu có phải bán đổ bán tháo vẫn có lãi. Chính sách thu mua này khiến lực lượng cày kéo chính đã bị triệt phá. Thời gian sau đó, nông dân phải bỏ tiền sang biên giới “tậu” trâu, bò với giá ngất ngưởng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN