DANH MỤC

2021 sắp qua đi, cùng nhìn lại những sự kiện thời sự nổi bật năm 2021.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với 1.500 đại biểu tham dự đã thành công tốt đẹp vào tháng 1/2021. Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương gồm 180 Ủy viên chính thức, 20 Ủy viên dự khuyết; Ban Chấp hành Trung ương đã bầu 18 Ủy viên Bộ Chính trị. Ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu giữ chức Tổng Bí Thư.

Sau thành công của Đại hội XIII của Đảng, tháng 5/2021, Việt Nam tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng ngày 23/5 gần 70 triệu cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu - đây là con số lớn nhất từ trước đến nay.

Ngày 20/7/2021, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Vương Đình Huệ giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV. Ngày 26/7, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Chủ tịch nước và ông Phạm Minh Chính giữ chức Thủ tướng Chính phủ.

Những sự kiện thời sự nổi bật năm 2021 - 6Những sự kiện thời sự nổi bật năm 2021 - 7

Việt Nam trải qua 4 làn sóng của đại dịch COVID-19 trong năm 2020-2021. Việc chủ động, linh hoạt điều chỉnh chiến lược ứng phó với COVID-19 đã tạo bước ngoặt giúp nước ta quay lại nhịp sống “bình thường mới” và phục hồi kinh tế.

Năm 2021, với sự xuất hiện của biến chủng Delta, tính riêng đợt dịch thứ 4 số ca mắc COVID-19 đã chiếm trên 50% tổng số ca mắc trên cả nước với tâm điểm là TP.HCM. Biến thể Delta đã làm dịch bùng phát mạnh với tốc độ lây nhiễm cao gấp nhiều lần so với các biến chủng trước đó, có khả năng tăng mức độ nặng của người bệnh và nguy cơ tử vong.

Cuối tháng 7, đầu tháng 8 được xem là đỉnh dịch của TPHCM khi phải đối mặt với việc ghi nhận hàng nghìn ca mắc/ngày, số ca tử vong có thời điểm trên 300 ca/ngày. Số bệnh nhân chuyển nặng tăng quá nhanh gây áp lực rất lớn cho hệ thống y tế. Nhiều tỉnh thành, bệnh viện tuyến Trung ương phải chi viện cho TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam.

Từ 0 giờ ngày 23/8, TPHCM quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Ai ở đâu ở yên đó", siết chặt chống dịch ở mức độ cao nhất để kịp thời triển khai xét nghiệm, điều trị.

Cùng với giãn cách xã hội, xét nghiệm và điều trị là những giải pháp trọng yếu, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Từ việc siết chặt các mức độ giãn cách xã hội đã hình thành chiến lược xét nghiệm và điều trị rõ ràng hơn ở từng giai đoạn.

Tuy nhiên, đối diện với tình hình số ca mắc tăng quá nhanh, số ca chuyển nặng và tử vong tăng cao, TP.HCM đã thay đổi chiến lược từ cách ly tập trung chuyển sang cách ly F0, F1 tại nhà, giảm số ca nhập viện bằng cách thiết lập các trạm y tế lưu động ở cơ sở, trang bị thêm oxy và trang thiết bị y tế; phát thuốc cho F0.

Biến thể Delta xuất hiện khiến chiến lược chống COVID-19 của nhiều nước (trong đó có Việt Nam) phải thay đổi để thích ứng. Phương châm phòng, chống dịch chuyển từ “zero COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những “chìa khóa” để hướng tới cuộc sống bình thường chính là tiêm chủng đại trà.

Những sự kiện thời sự nổi bật năm 2021 - 12
Những sự kiện thời sự nổi bật năm 2021 - 13
Những sự kiện thời sự nổi bật năm 2021 - 14
Những sự kiện thời sự nổi bật năm 2021 - 15

Việt Nam bắt đầu triển khai đợt tiêm vắc-xin đầu tiên từ ngày 8/3/2021 tại 13 tỉnh/thành phố đang là điểm nóng về phòng chống dịch và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19. Đối tượng được ưu tiêm trong đợt tiêm đầu tiên này là lực lượng chủ chốt ở tuyến đầu, thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh.

Để trở lại trạng thái bình thường mới, Việt Nam xây dựng kế hoạch tiêm phủ vắc-xin mũi 1 và mũi 2 cho tất cả người dân, theo lộ trình 4 giai đoạn với thông điệp "vắc-xin tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất".

Theo kế hoạch Bộ Y tế đặt ra, chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19 được triển khai từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022 với mục tiêu ít nhất 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc-xin trong năm 2021 và hết tháng 1/2022, sẽ phủ vắc-xin trên 70%.

Với mục tiêu đặt ra, hệ thống y tế cả nước được huy động để đẩy mạnh công tác tiêm chủng trên diện rộng, các điểm tiêm lưu động được dựng lên giúp tốc độ tiêm chủng cho người dân được thực hiện nhanh.

Theo dữ liệu trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, cập nhật đến 14h ngày 26/12, cả nước đã tiêm trên 145,5 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19.

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 133.473.771 liều. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vắc-xin phòng COVID-19 là 98,6% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều là 87,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. Về triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được 11.040.008 liều và tiếp tục triển khai.

Kết quả tích cực từ chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19 giúp Việt Nam kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, dù số ca bệnh tăng nhưng tỷ lệ người trở nặng hay tử vong do COVID-19 đã giảm mạnh.

Với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca bệnh chuyển nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời ''thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID - 19''. Đến nay, việc triển khai đã được thực hiện cơ bản đồng bộ; các địa phương đã không còn tình trạng phong tỏa trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng vẫn bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả.

Để tăng cường miễn dịch, phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, các tỉnh, thành phố hiện đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 3 và mũi 4 cho người dân.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, tính tới ngày 26/12, hơn 31.000 người đã tử vong do liên quan tới COVID-19, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.  COVID-19 đã khiến hàng ngàn học sinh ở TP.HCM rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ.

Không chỉ gây thiệt hại về sức khỏe, COVID đã tác động rất lớn tới đời sống của người dân, đẩy nhiều người tới cảnh thất nghiệp, phải rời bỏ thành phố về quê.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, do tác động của dịch COVID-19 đã có khoảng 1,3 triệu lao động rời các thành phố lớn về quê. Những hình ảnh người lao động bất chấp nguy hiểm “cắp nách” con nhỏ vài ngày tuổi rời khỏi trung tâm kinh tế TP.HCM, Bình Dương hồi tháng 6, tháng 7 có lẽ vẫn còn ám ảnh tâm trí nhiều người.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sau đó có văn bản gửi liên đoàn lao động các tỉnh, thành và công đoàn trên cả nước yêu cầu thuyết phục người lao động không tự rời nơi đang cư trú để về quê, đồng thời bàn bạc, thương lượng với doanh nghiệp trong việc ban hành các chế độ, chính sách giữ chân người lao động. Chẳng hạn như  trả lương tạm nghỉ việc, hỗ trợ tài chính để người lao đ duy trì, tổ chức cuộc sống gia đình; tăng lương, thưởng, phúc lợi khi doanh nghiệp đi vào sản xuất có hiệu quả. Với lao động về quê thì viết thư hoặc nhắn tin mời người lao động đã về quê sớm trở lại doanh nghiệp.

Tới giữa tháng 10/2021, rất nhiều người lao động từ các tỉnh thành đã trở lại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai làm việc mang lại những tín hiệu tích cực trong việc phục hồi, phát triển kinh tế, đồng thời cải thiện đời sống của người lao động.

Nhiều lãnh đạo ngành y bị khởi tố

Năm 2021, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều cán bộ lãnh đạo ngành y: Thứ trưởng Trương Quốc Cường, Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc BV Mắt TPHCM.... Trong đó, ông Trương Quốc Cường bị cáo buộc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong quy trình xét duyệt hồ sơ, cấp số đăng ký cho 2 loại thuốc giả mang nhãn mác Health 2000 Canada, gây thiệt hại 50,6 tỷ đồng.

'Thổi giá' kit test COVID-19

Cuối năm của năm 2021, người dân cả nước bàng hoàng trước thông tin Tổng giám đốc Công ty Việt Á, giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương bị bắt vì 'thổi giá' kit test COVID-19. 

Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương, nhận gần 30 tỉ đồng lót tay từ ông Phan Quốc Việt.

Hiện Bộ Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án liên quan đến việc 'thổi giá' kit test COVID-19 tại Công ty Việt Á.

Những sự kiện thời sự nổi bật năm 2021 - 22
Những sự kiện thời sự nổi bật năm 2021 - 23
Những sự kiện thời sự nổi bật năm 2021 - 24

Bệnh nhân mở phòng “bay lắc”, bán ma túy trong bệnh viện tâm thần

Vụ việc biến phòng bệnh tại Bệnh viện tâm thần Trung ương I thành nơi bay lắc để phục vụ sử dụng trái phép chất ma túy và nơi giao dịch mua bán chất ma túy là việc thật bất ngờ và chưa từng có tiền lệ.

Đối tượng cầm đầu là Nguyễn Xuân Quý. Đây là đối tượng sử dụng ma túy, có 4 tiền án tiền sự, vào điều trị tại bệnh viện tâm thần Trung ương 1 từ tháng 11/2018. Được sự giúp sức của cán bộ bệnh viện, Quý cải tạo phòng bệnh thành nơi bay lắc, đưa gái dịch vụ vào phục vụ và bán ma túy.

Công an Hà Nội đã khởi tố 8 bị can, trong đó có 3 nhân thuộc bệnh viện. Ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 bị cách chức và kỷ luật khiển trách đối với ông Nguyễn Tuấn Đại, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.

Ngày 28/10/2021, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã tổ chức buổi lễ trao thẻ CCCD thứ 50 triệu cho công dân Trần Quang Huy, trú tại Hà Nội. Đây là cột mốc lịch sử đánh dấu nỗ lực làm việc ngày đêm từ ngày 1/3/2021 của lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội ca nước để đưa chiếc thẻ thông minh đến tay người dân

Theo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, trong năm 2021 đơn vị sẽ phấn đấu cấp toàn bộ CCCD gắn chip điện tử cho công dân đủ điều kiện, với dự kiến khoảng 70 triệu thẻ. Riêng trong tháng 11/2021, sẽ hoàn thành việc thu nhận, sản xuất, trả khoảng 5 triệu thẻ cho công dân tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Thẻ CCCD gắn chíp có nhiều tính năng ưu việt, cụ thể: Thẻ CCCD có gắn chíp điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: Ứng dụng chữ ký số, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần… có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân.

Câu chuyện tưởng chừng chỉ có trong những phim ca ngợi siêu anh hùng của điện ảnh thì xuất hiện trong đời thực, ở ngay Hà Nội. 

Chiều 28/2/2021, một bé gái ở căn hộ tầng 12A tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội đã trèo qua lan can, tụt ra phía ngoài ban công và rơi xuống. Nghe thấy tiếng la hét kêu cứu của người dân, anh Nguyễn Ngọc Mạnh, một tài xế chở đồ thuê đang đỗ gần đó, liền lao ra khỏi xe, trèo lên mái tôn gần đó để đỡ và cứu sống bé gái.

Trong giây phút sinh tử,người đàn ông ấy còn “chẳng nghĩ ngợi được gì nhiều". “Con gái tôi cũng 3 tuổi, bé cũng như con tôi, nên tôi thấy thế tôi cứ lao lên thôi”.

Câu chuyện cứu sống một cháu bé rơi từ tầng 13 đã xứng đáng là câu chuyện truyền cảm hứng của năm. 

Hành động anh hùng thường rất giản dị. Thậm chí anh Mạnh chỉ nhận lời cảm ơn của gia đình cháu bé chứ không trông vào bất kỳ sự hậu tạ nào. Hành động dũng cảm của tài xế Mạnh đã được đông đảo người dân khen ngợi. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tặng bằng khen và gửi thư khen cho anh Mạnh.

Nhưng không phải em bé sống ở chung cư nào cũng gặp được siêu anh hùng của đời mình như vậy. Hãy tự bảo vệ gia đình, bảo vệ những đứa trẻ của mình bằng những hành động đơn giản, ví dụ như hãy lắp một tấm lưới ở ban công, với trẻ lớn hãy dạy trẻ kĩ năng sống...

Những sự kiện thời sự nổi bật năm 2021 - 33Những sự kiện thời sự nổi bật năm 2021 - 34

Nguyễn Phương Hằng, vợ ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng “lò vôi”), chủ khu du lịch Đại Nam là một trong những cái tên được cộng đồng mạng nhắc đến nhiều nhất trong khoảng 1 năm qua.

Việc vợ chồng chủ khu du lịch Đại Nam từng tố cáo ông Võ Hoàng Yên (người từng được biết đến với danh xưng “thần y”) có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khiến dư luận xôn xao. Vụ việc vẫn đang được Công an TP.HCM thụ lý giải quyết.

Về việc khám chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi sau đó thông tin kết quả xác minh cho thấy, việc khám chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên ở huyện Bình Sơn này là không hiệu quả.

Chưa dừng lại, bà Phương Hằng còn khiến cộng đồng mạng nhiều lần dậy sóng bởi các livestream “tố” nhiều nghệ sĩ, danh hài thiếu minh bạch trong làm từ thiện và yêu cầu sao kê để chứng minh sự trong sạch.

Có thời điểm bà Phương Hằng đã trở thành hiện tượng của loại hình livestream khi phá vỡ mọi kỷ lục streaming ở Việt Nam. Phần phát trực tiếp trên Facebook của doanh nhân này có thời điểm ghi nhận đến hơn 225.000 người cùng theo dõi và hơn 32.000 lượt chia sẻ.

Sau những buổi livestream này, MC Trấn Thành đã sao kê tài khoản ngân hàng và đưa lên mạng xã hội.

Riêng vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh, sau khi bà Phương Hằng livestream nói rằng "nằm mơ" thấy vợ chồng nữ ca sĩ thiếu minh bạch trong kêu gọi từ thiện thì vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên đã đến ngân hàng sao kê và phát trực tiếp trên Facebook.

Một loạt nghệ sĩ, nhà báo, luật sư như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sĩ Hoài Linh, nhà báo – luật sư Hàn Ni, nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM… gửi đơn tới cơ quan công an tố cáo bà Phương Hằng về hành vi vu khống, xúc phạm người khác.

Luật sư đại diện của vợ chồng Công Vinh – Thủy Tiên cũng đã làm đơn tố giác tội phạm đến các cơ quan Công an về hành vi vi phạm pháp luật của 3 cá nhân đã có những phát ngôn xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và cuộc sống của ông bà Lê Công Vinh – Trần Thị Thủy Tiên. Tuy nhiên, vợ chồng nữ ca sĩ từ chối công bố danh tính người bị tố cáo.

Tại cuộc họp báo của Bộ Công an vào chiều 28/12, báo chí đặt vấn đề về kết quả xác minh đối với các đơn thư tố cáo ca sỹ Thủy Tiên và một số nghệ sỹ trong việc làm từ thiện.

Đại diện Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) cho biết từ tháng 5/2021 đến nay, các trang mạng xã hội liên tiếp phản ánh về dấu hiệu không minh bạch của một số cá nhân kêu gọi từ thiện để cứu trợ đồng bào miền Trung trong đợt bão lũ năm 2020.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, C02 đã tổ chức phân công lực lượng xác minh vấn đề nêu trên. Quá trình xác minh cho thấy ngoài các phản ánh trên mạng xã hội còn có một số trường hợp gửi đơn tố cáo đến C02. 

Đến nay, thông qua việc phối hợp với ngân hàng cũng như các địa phương mà các cá nhân đến từ thiện, công an xác định những người này có kêu gọi từ thiện, có công khai tài khoản để nhận quyên góp, có đóng tài khoản và thông báo dừng nhận từ thiện khi số tiền đã đạt đến một mức nào đó.

Sau khi nhận tiền ủng hộ, các cá nhân nếu trên đã trực tiếp hoặc thông qua người đại diện để đến các địa phương làm từ thiện. “Chúng tôi xác định lượng tiền vào tài khoản của một số cá nhân còn ít hơn số tiền họ đã ủng hộ từ thiện, việc này đều có xác nhận của UBND hoặc MTTQ hoặc cá nhân liên quan tại địa phương diễn ra hoạt động từ thiện…” – đại diện C02 thông tin.

Sau hơn một thập kỷ xây dựng, nhiều lần lỡ hẹn, ngày 6/11/2021, dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông chính thức được khai thác thương mại, chở khách. Đây là dự án lịch sử của Hà Nội, là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam được vận hành khai thác.

Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông là một trong 8 tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là công trình đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên được Bộ GTVT phê duyệt năm 2008 và phê duyệt điều chỉnh vào năm 2016.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 10/2011. Tổng mức đầu tư dự án hơn 18.000 tỉ đồng, vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai chính phủ Việt Nam - Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.

Ưu việt của đường sắt đô thị là phương tiện vận chuyển lớn, tốc độ cao. So với các phương tiện chở khách khác đi từ Cát Linh tới Hà Đông hết 45 phút thì đường sắt đô thị chỉ hơn 20 phút, điều này có ý nghĩa rất lớn cho giao thông đô thị Thủ đô. Đây là tuyến đường sắt xuyên tâm và vô cùng quan trọng, tương lai sẽ kết nối với Xuân Mai.

Trong 6 tháng đầu, dự án sẽ vận hành cơ bản 6 đoàn tàu không ngừng; trong 6 tháng tiếp theo vận hành 9 đoàn. Hà Nội sẽ khai thác toàn bộ 13 đoàn tàu dựa trên căn cứ vào lưu lượng hành khách.

Khi đưa vào khai thác thương mại, dự án sẽ hoạt động liên tục từ 5 giờ tới 23 giờ hằng ngày. Khung giờ cao điểm, các đoàn tàu chạy giãn cách với tần suất 6 phút có một đoàn tàu cập ga với sức chở tối đa 960 người/đoàn. Trong giờ bình thường, tàu được khai thác 10 phút/chuyến. Lưu lượng vận chuyển tối đa đạt 1,02 triệu người/ngày.

Những sự kiện thời sự nổi bật năm 2021 - 40

Content & Media: Thanh Hòa

Sự kiện: Thời sự
Thứ Sáu, ngày 31/12/2021 00:30 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Thanh Hòa ([Tên nguồn])