Những quy định “trời ơi”: Ai chịu trách nhiệm?

"Ngực lép, chân ngắn không được đi xe", "muốn chụp ảnh CSGT phải xin phép",... - Những người có trách nhiệm tham mưu, ban hành các quy định bất hợp lý phải bị xử lý như thế nào?

"Ngực lép, chân ngắn không được đi xe", "muốn chụp ảnh CSGT phải xin phép", "cấm sinh viên trường nghệ thuật biểu diễn tại quán bar, vũ trường",... từng là những quy định oái oăm, bị dư luận phản ứng.

Những quy định “trời ơi”: Ai chịu trách nhiệm? - 1

Văn bản 1042 yêu cầu nhà báo "chụp ảnh CSGT phải xin phép" đã bị thu hồi - Ảnh minh họa

Thời gian qua, không ít văn bản bất hợp lý, thiếu tính khả thi như vậy được ban hành. Có văn bản bị Bộ Tư pháp“tuýt còi”. Nhiều văn bản đã phải sửa đổi ngay khi chưa kịp có hiệu lực bởi phản ứng từ dư luận. Nhưng không ít quy định vẫn tồn tại mặc dù chỉ nằm trên giấy. Vậy những người tham mưu, ban hành văn bản trái luật phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Tiến sỹ Lê Hồng Sơn (Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp) có cuộc trao đổi với chúng tôi về vấn đề này.

Thời gian qua, có rất nhiều văn bản bất hợp lý, thiếu tính khả thi được ban hành. Xin ông cho biết, Cục Kiểm tra Văn bản QPPL đã xử lý ra sao với những văn bản này?

Chúng tôi đã yêu cầu hủy được rất nhiều văn bản bất hợp lý, thiếu tính khả thi. Chẳng hạn văn bản cấm học sinh, sinh viên các trường văn hóa - nghệ thuật biểu diễn, tham gia biểu diễn tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke… Việc này "cởi trói" cho hàng vạn học sinh, sinh viên các trường văn hóa - nghệ thuật. Các em đã được tham gia biểu diễn để nâng cao năng khiếu, sở trường, cải thiện cuộc sống.

Một văn bản chúng tôi kiến nghị xử lý thành công quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ mà dư luận gọi là "ngực lép, chân ngắn không được đi xe".

Những quy định khác bị chúng tôi kiến nghị sửa đổi như là: Quyền được hưởng chế độ, chính sách của các cụ cao tuổi; quyền của những người tham gia bảo hiểm y tế; quyền được hưởng chế độ về cư trú theo quy định của luật; quyền được lưu thông hàng hóa mà không bị ngăn sông cấm chợ; giúp cho người dân không bị xử phạt vi phạm hành chính một cách tùy tiện theo quy định của địa phương...

Theo ông, do đâu xảy ra việc ban hành nhiều văn bản trái luật?

Khách quan mà nói, các quan hệ xã hội ngày càng phát triển, sự điều chỉnh của pháp luật cũng đòi hỏi ngày càng đi vào chiều sâu. Việc đưa ra các quy định phù hợp không dễ dàng chút nào. Về chủ quan có thể thấy, trình độ người soạn thảo còn hạn chế. Quy trình soạn thảo chưa được tuân thủ nghiêm túc. Việc thực hiện các bước trong quy trình còn hình thức, chưa thực chất… Nhiều lúc, người đứng đầu còn thiếu sự quan tâm đúng mức, khoán trắng cho chuyên viên, cấp dưới. Thậm chí, đâu đó còn có cả yếu tố lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, ngành. Đó là tiêu cực tham nhũng mà chúng tôi hay gọi là "lobby đen".

Việc ban hành những văn bản, quy định thiếu hợp lý ảnh hưởng thế nào đến người dân?

Phải thừa nhận, thời gian qua, vẫn còn hiện tượng văn bản QPPL được ban hành không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ cũng như tính khả thi. Cá biệt có văn bản khiếm khuyết, thiếu sót nghiêm trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước, mà còn ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Đối với doanh nghiệp, điều này cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Đôi khi, doanh nghiệp chịu sự ràng buộc, o ép một cách vô lý vì những văn bản này.

Trên thực tế thời gian qua, việc này đã tạo những phản ứng không tốt trong xã hội. Đó là tâm lý phản biện, thiếu sự tin tưởng đối với quy định của pháp luật trong một số bộ phận nhân dân. Thậm chí làm xói mòn, mất lòng tin của xã hội đối với bộ máy quản lý.

Bồi thường thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp do văn bản gây ra như thế nào?

Đây là vấn đề đáng lưu tâm. Rất tiếc là khi xác lập cơ chế bồi thường nhà nước đã không thiết lập trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước trong việc ban hành văn bản QPPL trái pháp luật. Đồng ý đây là việc cực kỳ khó, ít nơi dám làm. Theo tôi, vấn đề này cũng cần phải nghiên cứu để đảm bảo nguyên tắc nhà nước pháp quyền.

Việc xử lý mới chỉ dừng lại ở mức thu hồi, hủy bỏ rồi làm lại mà chưa có sự xử lý người ban hành văn bản trái luật?

Đây cũng là điều phải bàn. Thực ra, hiện nay cũng đã có các quy định xử lý, tuy chưa thật "đặc định". Vấn đề là nó chưa được làm đến nơi đến chốn mà thôi. Ví dụ, có thể xử lý kỷ luật cán bộ, công chức hoặc cắt thi đua, khen thưởng, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội về tham nhũng như: cố ý làm trái, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng...

Theo tôi biết, cắt thi đua đã được làm nhiều rồi. Rất hiếm trường hợp cách chức, buộc thôi việc người tham mưu, ban hành thể chế sai. Chưa đẩy vấn đề đến mức cao hơn vẫn là một thiếu sót. Về xử lý hình sự, thực tế chưa thấy bao giờ. Nếu có cũng chỉ là luận tội cùng với một loạt tội khác và phần này thường bị yếu, bị chìm đi. Tôi chưa thấy phiên tòa nào xử riêng đối với loại tội này.

Sở dĩ như vậy, theo tôi, một phần nguyên nhân là cơ chế “hậu kiểm” thiếu sức mạnh cần thiết. Trong khi đó, quyền của Cục Kiểm tra văn bản QPPL mới chỉ dừng ở mức tham mưu, thông báo kiến nghị. Chúng tôi chưa có quyền trực tiếp xử lý, hủy bỏ văn bản. Tôi luôn mơ đến cơ chế tài phán mà nhiều nước đã sử dụng từ lâu như: cơ chế bảo hiến, cơ chế tuyên hủy của tòa đối với văn bản trái pháp luật...

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN