Những người “bắt” hổ đẻ ở TPHCM

Không chỉ làm công việc nguy hiểm vì phải đối mặt với “chúa sơn lâm”, các nhân viên chăm sóc thú dữ ở Thảo Cầm Viên còn đạt thành quả to lớn khi “bắt” chúng phải đẻ trong môi trường nuôi nhốt.

Sự kiện cặp hổ Đông Dương tại Thảo Cầm Viên (TP HCM) sinh hạ 4 con một cách an toàn vào ngày 14/4 vừa qua là một kỳ tích, thành quả to lớn của biết bao con người thầm lặng trong tổ chăm sóc thú dữ ở đây. Điều đặc biệt là những chú hổ con này hiện rất khỏe mạnh và sinh trưởng tốt. Trước đó, ngày 20/2, một hổ cái 10 tuổi có nguồn gốc từ Thừa Thiên - Huế giao phối với một con hổ đực khác 7 tuổi có nguồn gốc từ Hà Nội cũng đã sinh ra 5 con hổ cái sau khi mang thai 104 ngày.

Nghề đặc biệt khó khăn

Ông Trần Minh Tâm, nhân viên tổ chăm sóc thú dữ tại Thảo Cầm Viên, là người có thâm niên gần 30 năm theo nghề, đồng thời trực tiếp nuôi 2 cặp hổ bố mẹ sinh ra 9 hổ con trong năm 2014. Theo ông Tâm, nuôi thú dữ là một nghề đặc biệt khó khăn bởi mặc dù đã qua thời gian nuôi nhốt, thuần hóa nhưng về bản chất thì hổ vẫn là động vật hoang dã nên có thể tấn công người bất cứ lúc nào. Do đó, yếu tố quan trọng nhất của người theo nghề này là phải luôn đề cao cảnh giác và thật sự cẩn thận.

Ngoài ra, người nuôi phải biết nắm bắt tâm lý của từng con vật để có những cách chăm sóc khác nhau, đặc biệt vào thời kỳ giao phối thì tính tình của chúng càng thất thường và nguy hiểm hơn với người nuôi.

Những người “bắt” hổ đẻ ở TPHCM - 1

Ông Trần Minh Tâm cùng với một con hổ Đông Dương

Chúng tôi đến khu vực chăn nuôi thú dữ của Thảo Cầm Viên, lúc này chỉ mới 7 giờ 30 phút nhưng đã thấy các nhân viên chăm sóc có mặt.

Cẩn thận, ông Trần Minh Tâm dẫn con hổ lớn vào chuồng ép (chuồng nhỏ), sau đó quét dọn vệ sinh chuồng trại. Đâu vào đó, ông đứng từ xa ngắm những con thú không chớp mắt. “Mình phải quan sát kỹ để xem sau một đêm sống ở chuồng, thú có thay đổi gì không. Nếu phát hiện bất thường thì báo ngay với bác sĩ thú y để kiểm tra, điều trị” - ông Tâm cho biết. Công việc của ông còn lại trong ngày là tiếp tục theo dõi và cho hổ ăn. Bình quân mỗi bữa ăn của hổ từ 6 đến 7 kg thịt bò và thịt heo. Đến khoảng 16 giờ, ông Tâm lại đi kiểm tra từng chốt cửa một cách cẩn thận trước khi ra về.

Theo ông Tâm, Mi là tên của con hổ cái Đông Dương vừa sinh 5 hổ cái và đó là sự kiện hiếm thấy trong vòng hơn 20 năm qua tại Thảo Cầm Viên. Một số nhân viên cho biết để hổ Đông Dương sinh con đã khó và nếu có thì cũng chỉ 2 - 3 con mà thôi. Vì vậy, việc Mi sinh 5 là chuyện cực hiếm, nhất là năm nay nó đã 10 tuổi. “Trong 5 con của Mi, chỉ có 3 “bé” là khỏe mạnh nên được sống chung với mẹ. Hai hổ con yếu nhất trong bầy được tách riêng, chăm sóc trong điều kiện đặc biệt” - ông Tâm nói. Được biết, trước khi sinh 5 hổ con, Mi đã nhiều lần nhân giống với hổ đến từ một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á nhưng không thành công. Từ đó, các thành viên trong tổ chăm sóc thú dữ và các bác sĩ đã tìm hiểu nguyên nhân. “Cũng có thể vì trước đó, tất cả các cặp hổ bố mẹ đều được nuôi trong chuồng làm bằng sắt, bị tác động nhiều yếu tố bên ngoài nên khó sinh” - một nhân viên nghi vấn.

Sau khi tìm hiểu kỹ hơn các thuộc tính hoang dã của loài thú này, giám đốc công viên đã quyết định xây dựng một số nhà kính để ngăn chặn tiếng ồn từ phía ngoài tác động vào. Đưa sang chuồng lồng kính cộng với một con đực khác “cường tráng” hơn thì lập tức sau gần 2 tháng, các nhân viên ở đây phát hiện hổ cái bắt đầu có biểu hiện mang thai. “Bụng nó lớn hơn, dáng đi uể oải và tính tình cũng liên tục thay đổi” - một chuyên viên trong tổ chăm sóc thú dữ kể. Bắt đầu từ đó, hổ cái được chăm sóc trong chế độ đặc biệt với khẩu phần ăn cũng nhiều hơn. Đúng 102 ngày sau, cặp hổ Đông Dương đã cho ra đời 4 con hổ, một điều kỳ diệu ngoài cả sự mong đợi của các nhân viên chăm sóc thú dữ cũng như các bác sĩ thú y ở đây.

Những người “bắt” hổ đẻ ở TPHCM - 2

Hổ mẹ tên Mi và các con

Khổ như nuôi trẻ

Trong thời gian hổ mẹ mang bầu cho đến khi sinh con, các nhân viên phải thay nhau túc trực theo dõi. Đặc biệt, trước khi sinh con 4-5 ngày, các nhân viên phải chia nhau trực 24/24 giờ và theo dõi qua camera. “Thỉnh thoảng, nếu hổ mẹ nằm trong góc khuất thì người trực phải xuống tận chuồng để theo dõi” - một nhân viên trong tổ chăm sóc thú dữ nói.

Khi hổ vừa sinh ra, không ai có thể tiếp cận mà chỉ quan sát qua camera, phải đến một tháng sau mới có thể tách hổ mẹ để vào kiểm tra các hổ con. Khi vào tiếp cận hổ con, nhân viên phải đeo bao tay, sau khi kiểm tra xong thì dùng nước tiểu của chúng bôi lên người hổ con để khi hổ mẹ tới gần nhận ra đó là con mình, nếu không sẽ bị hổ mẹ giết chết. “Nuôi hổ cũng như nuôi trẻ nhỏ vậy, sau một tháng thì tách khỏi mẹ để kiểm tra xem có phát triển bình thường hay không. Đến tháng rưỡi thì tiến hành xổ giun, được 2 tháng thì chích ngừa vắc-xin. Thời gian đầu cũng tập ăn, cho bú sữa...” - chị Trần Thị Mỹ Hạnh, tổ trưởng tổ chăm sóc thú dữ, chia sẻ.

Hiện Thảo Cầm Viên có tổng cộng 15 con hổ, trong đó 4 hổ Bengal, 11 hổ Đông Dương.

Được biết, cặp hổ Đông Dương sinh 5 nói trên hiện chỉ có ở Việt Nam, Lào, Campuchia và nguồn gốc rõ ràng. Anh Thiện, nhân viên chăm sóc thú tại Thảo Cầm Viên, cho biết nghề nuôi thú dữ nói chung là khó nhưng không phải tất cả đều vậy. Điều quan trọng là phải kỹ càng, tiếp xúc ở mức độ giới hạn vì nếu thú bị kích động hoặc tác động từ các yếu tố bên ngoài thì rất nguy hiểm. “Nhiều con hung dữ lắm, chỉ cần đi đến cửa là nó đã chồm lên rồi” - anh Thiện nói. 

Những kỷ niệm đẹp

Kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm trong cuộc đời nuôi thú của mình, ông Trần Minh Tâm cho biết đáng nhớ nhất là con hổ thuộc dòng họ Seberia. Sau này, để thuận tiện cho việc chăm sóc, ông Tâm và một số nhân viên đặt tên con hổ này là Long. Khi đó Long khoảng 5 tháng tuổi, nặng xấp xỉ 60 kg. “Chỉ thấy mình từ xa là Long đã nhảy lồng lộn lên như để chào đón” - ông Tâm nói.

Thế nhưng, vào một ngày không may, Long sổng chuồng ra ngoài rồi đi lừ đừ về phía sát bờ sông Thị Nghè khiến mọi người khiếp sợ. Ngay lập tức lệnh báo động phát đi, các cơ quan chức năng khác cũng nhận được yêu cầu đến trợ giúp. “Các lực lượng đã lên phương án nếu Long vượt sông Thị Nghè để tiến vào khu dân cư thì có thể sẽ bắn hạ nó” - ông Tâm nhớ lại.

Để tạm thời ngăn Long vượt sông, một đồng nghiệp của ông Tâm cùng 2 nhân viên khác đứng... chắn trước Long và kêu tên nó. Nghe tiếng kêu quen thuộc, Long có vẻ chần chừ. Lúc đó, các nhân viên phải dùng 3 tấm lưới B40 với chiều dài khoảng 5 m, cao hơn 3 m căng lên nhằm hạn chế Long đi đến những chỗ đông người. Do bị lưới sắt vây phía bờ sông, Long đã từ từ đi lùi về phía chuồng nhím và bị nhốt lại. “Có lẽ đó là cảm giác đáng sợ nhất trong đời nuôi thú của mình” - ông Tâm tâm sự.

Theo ông, trước đây có trường hợp sư tử mẹ mang thai 2 con nhưng 1 con đã chết. “Để cứu sư tử mẹ và sư tử con còn lại, các bác sĩ đã phải tiến hành phẫu thuật, nhìn nó đau đớn trên bàn mổ mà thương” - ông Tâm nói. Khi chúng tôi hỏi duyên nào đã đưa ông đến với những con thú dữ và chăm sóc nó từng ngày, ông Tâm nói ngay: “Mới đầu chỉ là nhiệm vụ được cấp trên phân công nhưng làm riết rồi yêu mến hổ lúc nào không hay”.

Những người “bắt” hổ đẻ ở TPHCM - 3

Với các nhân viên ở Thảo Cầm Viên, nuôi hổ cũng khổ như nuôi trẻ nhỏ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Liên (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN