Nhật ký nhảy cầu

Sự kiện: Thời sự

Từ ngày được khánh thành và đưa vào sử dụng (24/4/2010) đến nay, cầu Cần Thơ trở thành “tọa độ nhảy”, với 42 người nhảy cầu tự tử. Chỉ 8 người trong số đó được cứu sống. Đó là số lượng thống kê được ông Tư Hài, tức Dương Công To - Đội trưởng Đội dân phòng đường thủy xã Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long) ghi chép cẩn thận trong cuốn “Nhật ký nhảy cầu”.

Nhật ký nhảy cầu - 1

Nơi thường xuyên nạn nhân nhảy cầu là phía bờ Vĩnh Long. Ảnh: Hòa Hội.

Nhà ông Tư Hài ở cặp bờ Bắc sông Hậu, cách cầu Cần Thơ chưa đầy 2 km về hướng thượng nguồn. Ông được người dân địa phương phong là hiệp sĩ sông Hậu, khi ông cùng hơn chục người trong Đội dân phòng đường thủy đã vớt và cứu sống nhiều nạn nhân nhảy cầu nói riêng và đuối nước nói chung trên đoạn sông này.

Sổ tử thần

“Do số lượng người nhảy cầu quá nhiều nhớ không nổi nên phải ghi vào sổ từ tên tuổi, ngày giờ nhảy, thời điểm vớt xác, quê quán nạn nhân… để khi cần cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng lật ra xem cho chuẩn”- ông Tư Hài lý giải. Nói rồi, ông lấy cuốn sổ bìa cứng, đã sờn gáy ra. Vừa lật giở từng trang, ông Tư Hài vừa cho biết, vụ nhảy cầu Cần Thơ đầu tiên được ghi nhận là vào ngày 28/4/2010, tức chỉ sau khi cầu khánh thành đúng 4 ngày. 

“Đôi nam nữ 22 tuổi, quê ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ bế tắc trong tình yêu nên rủ nhau lên cầu tự tử chung”- ông Tư Hài cho biết. Tuy nhiên, Hiệp sĩ sông Hậu nhớ lại: “Nam thanh niên từ giữa cầu lao mình xuống sông trước, rồi đến lượt cô gái. Nhưng khi định nhảy thì cô gái hoảng sợ rồi ngất xỉu nên mới có cảnh người đi kẻ ở”. Nạn nhân nam chết đầu tiên được ông vớt lúc 15 giờ 30 ngày hôm sau, khi xác nổi cách cầu Cần Thơ 1,5 km về hướng bến Ninh Kiều.

Người tự tử được ông Tư Hài ghi số thứ tự 41 là anh T. H. S. 28 tuổi quê ấp Vĩnh Thuận, xã Đông Phụng (Vĩnh Thuận, Kiên Giang). H. đang là sinh viên năm cuối trường Đại học Cần Thơ, nhảy cầu lúc 13 giờ ngày 28/7/2016. Hôm đó, anh S. chạy xe máy từ hướng Vĩnh Long sang Cần Thơ, khi đến gần giữa cầu mé bờ Vĩnh Long, bất ngờ dừng xe lại rồi trèo qua lan can nhảy xuống sông tự vẫn trong sự bàng hoàng của nhiều người đi đường. 

Chỉ hơn 1 giờ sau, gần sát vị trí này cũng diễn ra một vụ nhảy cầu tự tử, đó là anh C. T. T. 28 tuổi, quê huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. C.T.T là người thứ 42 được ông Tư Hài ghi nhận trong “Nhật ký nhảy cầu”, và đây cũng là người nhảy cầu tự tử cuối cùng tính đến thời điểm ngày 30/8/2016).

Nhật ký nhảy cầu - 2

Ông Tư Hài kể chuyện cứu người.

Ông Tư Hài cho biết, trong số những vụ nhảy cầu, có một trường hợp hi hữu và nạn nhân cũng là người khiến ông ám ảnh nhất, đó là Trần Văn Đ., 24 tuổi, nhà ở ấp Ba Ngàn, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Chàng trai này đã hai lần nhảy cầu tự tử nhưng không chết. Lần thứ nhất vào ngày 2/2/2015, khi Đ. vừa nhảy xuống thì có ghe chở gạo chạy qua. Người điều khiển ghe gạo phối hợp với Đội dân phòng của ông Tư Hài kịp thời cứu vớt và chở Đ. đi cấp cứu. Lần sau, Đ. thuê xe ôm từ nhà lên cầu Cần Thơ rồi nhảy xuống vào chiều 7/5/2016. Vừa nhảy xong, mọi người phát hiện tri hô và Cảnh sát đường thủy đang ở gần đó chạy đến vớt lên rồi đưa đến Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ cấp cứu.

“Đa phần nạn nhân tự tử là giới trẻ. Họ buồn chuyện gia đình, tình cảm yêu đương, có người bị người yêu bỏ rơi, con nhà khá giả bị cha mẹ la rầy nên buồn đời tìm cái chết”. Ông Tư Hài cho biết. Ông nhắn nhủ các bạn trẻ nên biết quý trọng cơ hội sống của bản thân và sống vì người thân của mình.

Cuối tháng 8, phóng viênTiền Phong tìm đến nhà anh Đ. để thăm hỏi. Khi đến thị xã Ngã Bảy, hỏi tên anh Đ. 2 lần nhảy cầu Cần Thơ tự tử mà không chết thì nhiều người biết và dẫn đến nơi. Nhà Đ. ở cách trung tâm thị xã khoảng 5 km. Đến nơi, ông Trần Văn Ngây, cha của Đ., đang ngồi thẫn thờ trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ do một tổ chức từ thiện xây tặng. “Đ. mới mất cách nay gần 2 tháng do treo cổ tự vẫn ở sau nhà”- ông Ngây thông báo. 

Nhìn lên bàn thờ con, ông Ngây rưng rưng nước mắt. Ông Ngây kể bằng giọng buồn rười rượi: “Gia đình nghèo nhưng Đ. rất chí thú làm ăn nhưng mọi chuyện không được hanh thông dẫn đến quẫn trí rồi phát bệnh khoảng 4 năm nay. Sau đó, vợ bế con bỏ nhà đi nên Đ. ngày càng thêm buồn. Cả hai lần nhảy cầu tự tử đều được cứu sống, tôi nghĩ đó là điều kỳ diệu và thần chết đã tha cho Đ. Không ngờ, vài tháng sau, trong lúc tôi đi làm ngoài đồng thì Đ. ở nhà lại nghĩ quẩn dùng dây thắt cổ tự tử…”.

Một trường hợp hy hữu khác là hai thanh niên nắm tay nhau nhảy xuống sông tự tử nhưng may thay là khi nhảy xuống trúng đám lục bình trôi bồng bềnh trên mặt nước. Lúc đó, ông Hài phát hiện chạy ghe ra vớt lên. Sau đó, hai thanh niên này thú nhận, vì “thương nhau” nhưng gia đình ngăn cấm nên cả hai tìm đến cái chết chung để tỏ lòng chung thủy.

Nhật ký nhảy cầu - 3

Ông Tư Hài xem nhật ký.

“Biệt đội” cứu người

75 tuổi, ông Tư Hài có 40 năm sống bằng nghề đóng đáy bắt cá trên sông Hậu. Nhờ vậy, hằng năm ông chứng kiến và cứu sống không biết bao ghe thuyền bị chìm nên ông đề xuất địa phương thành lập đội dân phòng đường thủy. Lúc đầu Đội của ông có 6 người tham gia, đến nay sau hơn chục năm, Đội có 12 thành viên. Có người xin nghỉ, có người mới lại xin vào, riêng ông gắn bó từ ngày đó đến giờ.

Ông Tư Hài cho biết, cầu Cần Thơ cao, nếu nhảy xuống mà không phát hiện kịp thì chỉ vài phút sau sẽ chết và những người cứu sống được rất hiếm. Kinh nghiệm cứu người của ông là phân công các thành viên trong đội khi câu cá hay những người nhà ở gần cầu Cần Thơ để ý khi nào có tiếng động “lạ” thì nghĩ ngay là có người nhảy cầu. Lúc đó, phải bơi ghe ra vớt ngay. “Cách nay 5 năm, có lần cứu sống một thanh niên quê ở Sóc Trăng nhảy cầu tự tử. Lúc đó, may anh em cũng đi câu gần đó phát hiện rồi đưa lên ghe bơi vào bờ. Sau đó, tụi tôi trực tiếp sơ cứu ban đầu bằng cách hô hấp nhân tạo rồi chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Hơn nữa, trong thời gian sơ cứu đã gọi điện cho xe cứu thương đến chở đi cho kịp thời”. 

Ngoài việc cứu những nạn nhân nhảy cầu tự tử, hơn 40 năm sống ở đây, ông Tư Hài và anh em trong đội còn cứu hàng trăm người khác bị chìm ghe. Đến mức, “bệnh viện nhìn số của tôi gọi đến là biết ngay có người lâm nạn là họ điều xe đến kịp thời, nhờ thế mà nhiều người được cứu sống”- ông Tư Hài nói.

Cùng đội với ông Tư Hài là ông Bùi Minh Tâm, nhà dưới chân cầu Cần Thơ phía bờ Bắc sông Hậu. Ông Tâm cũng là người trực tiếp vớt và cứu sống nhiều nạn nhân nhảy cầu. Ông Tâm có chiếc ghe hơn năm tấn và sống bằng nghề chạy đò chở hàng hóa từ Cần Thơ về thị xã Bình Minh hơn chục năm nay. Ông cho biết, ban ngày đi chở hàng cho khách, đêm đến đậu ghe cặp mé sông nên hễ có ai nhảy cầu là ông lao ra cứu. “Bất kể trời nắng mưa hoặc ngày đêm, hễ nghe có người nhảy cầu là đi cứu ngay. Tôi nghĩ cứu người là việc nên làm để đức cho con cháu”- ông Tâm nói. 

Ông kể, có lần đang ngủ trong nhà bỗng nghe cái “đùng” dưới sông, tiếp đến là tiếng tri hô có người nhảy cầu. Ông liền bật dậy bơi ghe đi tìm xác. Một trường hợp khác: “Hôm đó vào chập tối, tôi đang ăn cơm bỗng nghe âm thanh lạ. Nghi có chuyện chẳng lành nên tôi bỏ bữa chạy ra xem thấy trên cầu người ta đông nghẹt đứng nhìn xuống sông nhưng không ai dám nhảy xuống cứu. Tôi vội lấy ghe bơi tìm xung quanh nhưng mãi đến chiều hôm sau mới tìm được xác”.

Ông Nguyễn Văn Năm, nhân viên bảo vệ cho một công trình xây dựng cạnh cầu Cần Thơ (phía bờ Vĩnh Long) chứng kiến không ít trường hợp nhảy cầu. “Phần lớn các vụ nhảy cầu đều vào ban đêm. Khi nghe có người nhảy cầu là ít phút sau các thành viên trong nhóm của ông Tư Hài đã có mặt trên sông để cứu hộ, cứu nạn”- ông Năm nói.

Không ít lần, cũng vì cứu người mà ông Tư Hài và đồng đội suýt phải mất mạng. Ông kể, lần đó khi phát hiện ghe chìm nên tụi tôi bơi ra sông cứu. “Sau khi vớt được cả hai vợ chồng lên ghe chuẩn bị bơi vào bờ thì bất ngờ cô vợ lại lao xuống sông tự tử vì mất hết tài sản. Theo quán tính, tôi tiếp tục nhảy xuống túm lấy người này trong lúc nước chảy xiết. May lần đó ngoi lên được, không là bị “hà bá” nuốt mất”- ông Tư Hài nhớ lại. 

Công việc vất vả, hiểm nguy là vậy, nhưng không phải lúc nào cũng nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ chính người nhà nạn nhân. “Có những người khi được cứu sống chẳng nói lời cảm ơn, thậm chí người thân của họ còn trách mình cứu làm gì, sao không để chết đi cho rảnh nợ? Nhưng tôi nghĩ, mạng sống con người là quan trọng nhất. Trong cuộc sống gặp chút khó khăn, buồn phiền, suy nghĩ chưa chín chắn nên tìm đến cái chết. Mình tâm nguyện làm phúc, cứu được mạng người còn hơn xây bảy tháp chùa”- Đội trưởng “biệt đội cứu người”  tâm sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hòa Hội (Tiền Phong)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN