Nhãn có màu tím kỳ lạ ở Sóc Trăng

Tại xứ sở trái cây cù lao Phong Nẫm (xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách - Sóc Trăng), nông dân Trần Văn Huy (57 tuổi) trồng được loại nhãn màu tím có một không hai ở miền Tây.

Giống nhãn “độc” này được ông Huy trồng khoảng 10 năm qua nhưng nhiều người không biết do ông không bán đại trà ra thị trường.

Sau khi đem nhãn tím trưng bày tại hội chợ “Ngày hội sông nước miệt vườn” tổ chức tại huyện Kế Sách vào tháng 6 rồi, nhiều người mới biết được giống nhãn lạ này. Ông Huy cho biết: “Cách đây 10 năm, một cây nhãn long trong vườn nhà tự dưng đâm ra 1 nhánh lạ, lá có màu tim tím, trái thì màu tím sậm.

Nhiều người đi ngang thấy lạ nên hái ăn. Tôi sợ giống này bị mất đi nên đã chiết cành đem trồng thử và nó phát triển bình thường như bao cây nhãn khác trong vườn. Nhưng lạ hơn là vỏ nhãn có màu tím”. Việc trồng giống mới này cũng không quá khó, một năm thu hoạch 2 vụ vào tháng 6 và Tết Nguyên đán.

Nhãn có màu tím kỳ lạ ở Sóc Trăng - 1

Ông Trần Văn Huy bên cây nhãn tím

Tuy là giống hiếm nhưng cho đến nay, ông Huy chỉ chiết cành và trồng được 10 cây trong vườn nhà. Chỉ vào những cây nhãn tím, ông Huy bày tỏ: “Khi nhãn tím có trái, trộm vào hái hoài nên tôi nuôi chó canh giữ. Vừa rồi, một số khách ở Bến Tre, Tiền Giang… đến tham quan, họ rất thích khi thấy loại nhãn này”. So với nhãn long, nhãn tím trái to hơn, cơm dày và có mùi thơm hơn. Điều đặc biệt là cả vỏ cây, thân cây, lá và hạt nhãn này đều có màu tím.

“Mỗi năm tôi bán ra thị trường chỉ khoảng 500 kg nhãn tím, giá 50.000 đồng/kg, cao gấp 5 lần so với nhãn long. Số nhãn còn lại tôi đem tặng, biếu bà con”, ông Huy hồ hởi nói. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi tại sao không trồng đại trà loại nhãn này, ông Huy bùi ngùi: “Nhà có 3 công đất, nếu muốn trồng nhãn tím cũng được nhưng trồng nhiều thì không ai canh giữ, trộm sẽ vào hái”.

Nhãn có màu tím kỳ lạ ở Sóc Trăng - 2

Nhãn tím

Từ khi đem trưng bày tại hội chợ, có nhiều thương lái ở Cần Thơ, TPHCM đến đặt hàng nhưng vì số lượng quá ít nên ông Huy chưa dám nhận lời. “Vừa qua, có một người trong xã đến đòi ký hợp đồng tiêu thụ nhãn tím với giá 1 triệu đồng/cây nhưng tôi đang suy nghĩ có nên bán hay không. Hiện nay, tôi chỉ có 10 gốc nhãn tím, nếu chiết hết thì được 200 cây nhãn con và nếu đem bán trên thị trường thì sau vài năm, giống nhãn này sẽ nhân rộng ra khắp nơi”, ông Huy nói.

Ông Nguyễn Văn Mãi, Trưởng ấp Phong Thạnh cho biết: “Ngành nông nghiệp địa phương đang có kế hoạch hỗ trợ ông Huy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu nhãn tím và mô hình cây giống”.

Tuy nhiên, để loại nhãn này trồng đại trà cần có một nghiên cứu khoa học về chất lượng và hiệu quả kinh tế. Nếu không, nông dân ồ ạt mua cây giống về trồng dẫn đến dư thừa thì không khéo nhãn tím sẽ rơi vào điệp khúc “trúng mùa, rớt giá” như nhiều loại trái cây ở miền Tây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ca Linh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN