Nhà báo nam “ngả mũ” khi “bóng hồng” đi... điều tra

Sự kiện: Thời sự

Viết bài điều tra được coi là mảng nguy hiểm nhất của nghề báo. Họ phải dấn thân vào những điểm nóng để thu thập thông tin, thậm chí luôn bị đe dọa, trả thù. Với những nữ nhà báo điều tra thì điều này càng trở nên khó khan gấp bội. Cùng lắng nghe những nhà báo nam chia sẻ về công việc đặc biệt của nữ đồng nghiệp.

Nhà báo nam “ngả mũ” khi “bóng hồng” đi... điều tra - 1

Nhà báo Tuấn Hợp – Báo điện tử Dân trí. Ảnh: C.T

Nhà báo Tuấn Hợp – Báo điện tử Dân trí: Khâm phục trước “lửa nghề” của nữ đồng nghiệp

“Tôi đã gặp và có cơ hội tác nghiệp cùng khá nhiều đồng nghiệp nữ. Trong số đó, người tôi ấn tượng nhất là Nhà báo Thu Trang – Báo Phụ nữ TP.HCM. Dù chị đã ở cái tuổi U40 nhưng tôi biết chị là phóng viên thích “xung trận”. Khắp các tỉnh phía Bắc, hầu như tỉnh nào chị cũng đặt chân đến và chọn nơi đặt chân là các huyện vùng sâu, vùng xa của những tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái...

Trong rất nhiều tác phẩm điều tra của chị tôi nhớ nhất là loạt bài “Thâm nhập đường dây kinh doanh con nuôi ở Hà Nội” – Viết về chuyện mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề (Hà Nội). Trước đó, chị đã từng đến chùa này xin được làm bảo mẫu nhưng nhà chùa không tuyển chị vì họ chỉ tuyển những người thân quen. Không bỏ cuộc, chị đã đi mua quần áo của trẻ em, sau đó chị đánh số vào từng chiếc quần áo và quay lại những địa điểm mà chị nghi là tuồn hàng từ thiện của chùa ra bán. Tiếp tục lần mò, chị tìm được một người cha đỡ đầu đứa con bị bỏ rơi sau đó được gửi vào chùa và đứa con này mất tích. Từ đây, những sự thật được hé lộ.

Khi loạt bài của chị được đăng tải, đã có nhiều dư luận trái chiều, thậm chí cho rằng chị viết sai. Nhưng với những bằng chứng chị thu thập được buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc xác minh. Nhận thấy thông tin xác đáng, cơ quan công an đã quyết định khởi tố vụ án “mua bán trẻ em” để mở rộng điều tra, làm rõ.

Gần đây nhất, khi đang viết loạt bài điều tra về các “lò gạch chui” ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) chị còn bị các đối tượng đe doạ giết cả nhà. Sau đó, chị đã báo cơ quan điều tra và những kẻ xấu nhanh chóng bị triệu tập.

Đồng nghiệp thường bảo nhà báo Thu Trang có cá tính mạnh thế nhưng ít người biết rằng chị cũng là người khá lãng mạn, thích cắm hoa và hiện chị đang sở hữu cả vườn hồng ở một nơi ngoại thành Hà Nội. Tôi cũng may mắn được gặp cả chồng chị Trang - Một sĩ quan công an, cực kì yêu vợ. Anh thường xuyên chia sẻ với vợ những khi chị gặp khó khăn, mệt mỏi trong công việc.

Trong mắt tôi, Nhà báo Thu Trang là phóng viên nữ “máu lửa” với nghề điều tra. Nhiều người cảm nhận được sự yêu nghề trong chị như ăn sâu vào từng thớ thịt của chị. Vì vậy, dẫu bị đe doạ, cản trở chị vẫn không lùi bước, quyết đi đến tận cùng sự thật để mọi việc được sáng tỏ”.

Nhà báo Cảnh Vũ – Báo Công an nhân dân: Họ vất vả gấp nhiều lần nhà báo nam

Nhà báo nam “ngả mũ” khi “bóng hồng” đi... điều tra - 2

Nhà báo Cảnh Vũ –Báo Công an nhân dân.

“Quãng thời gian gần 10 năm viết báo đã cho tôi may mắn được tiếp xúc và làm việc với không ít nữ nhà báo, nữ phóng viên của nhiều cơ quan thông tấn, báo chí. Riêng ở cơ quan tôi, tỉ lệ nữ phóng viên chiếm khoảng 70% tổng số người viết báo. Tôi luôn ấn tượng và cảm phục những nữ nhà báo. Có lẽ vì thế mà tôi đã bén duyên và kết hôn với một đồng nghiệp – hiện đang là phóng viên của kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Nhà báo điều tra là một công việc đầy hiểm nguy khi người viết bài phải đi nhiều nơi để xâm nhập thực tế. Đối với nhà báo nữ, nhiều người nói họ vất vả gấp nhiều lần nhà báo nam, bởi ngoài vẻ “chân yếu tay mềm” trong công việc, phía sau họ còn là trách nhiệm của người phụ nữ đối với gia đình.

Năm 2015, hai nữ phóng viên của Báo Công an nhân dân phát hiện và mất nhiều thời gian “nằm vùng” để thực hiện thành công chuyên đề điều tra 4 kỳ về vụ chặt phá hơn 500ha rừng tại huyện vùng sâu Mường Nhé (Điện Biên). Những nỗ lực của họ đã được đền đáp xứng đáng khi tác phẩm trên đoạt giải B, Giải Báo chí Quốc gia.

Cách đây vài ngày, tôi vừa thực hiện một cuộc phỏng vấn với nhóm tác giả của lực lượng Công an đoạt giải thưởng Giải Báo chí Quốc gia năm 2016, trong đó có chị Hà Hương, cán bộ của Trung tâm Phát thanh – Truyền hình – Điện ảnh Công an nhân dân. Trong phóng sự đoạt giải C của mình (tác phẩm nói về những người phụ nữ chuyên đi rà phá bom mìn để làm sạch đất cho con cháu mai sau có đất canh tác ở tỉnh Quảng Trị), chị Hương cùng đoàn làm phim đã đi và ăn ngủ tại chỗ cùng bà con ròng rã hơn một tháng trời với bao nguy hiểm, rủi ro. Đó là những tình huống gặp phải bom đạn từ thời chiến tranh còn vương vãi khắp nơi trên hành trình tác nghiệp. Tôi nghĩ, đề tài đó có thể nhiều người biết, nhưng không nhiều người dám chấp nhận mạo hiểm để thực hiện như nhà báo Hà Hương.

Vất vả, gian khổ, nhưng cũng rất đỗi tự hào - nhiều nhà báo nữ đã chia sẻ với tôi như thế khi nói về công việc làm báo của mình. Họ đáng được trân trọng, chia sẻ và cảm thông để vơi đi phần nào áp lực bộn bề trong công việc”.

Nhà báo Quốc Triều – Báo Phụ nữ Việt Nam: Tôi nể phục họ vì quá bản lĩnh

Nhà báo nam “ngả mũ” khi “bóng hồng” đi... điều tra - 3

Nhà báo Quốc Triều – Báo Phụ nữ Việt Nam.

“Là phóng viên theo mảng thời sự, tôi đã quá quen với cảnh gặp những phóng viên nữ xông pha vào hiện trường “nóng” để thu thập thông tin. Công việc này khá áp lực với phụ nữ, nhất là khi đường phố đã lên đèn họ vẫn phải thức đêm viết bài để có sản phẩm kịp thời đăng tải trên báo.

Tôi từng gặp những nữ phóng viên vượt hàng trăm cây số chỉ để xác minh một thông tin về một trường hợp phụ nữ bị bạo hành hay đi bộ cả ngày từ trung tâm huyện vào một bản làng để tìm hiểu trường hợp bé gái bị xâm hại tình dục. Với tôi, đó là những cây bút đẩy bản lĩnh và trách nhiệm. Có những nữ phóng viên đã lập gia đình và nuôi con nhỏ, kinh tế khó khăn. Nhiều khi tôi tự hỏi, có khi nào họ vì áp lực công việc mà nhụt chí hay bỏ cuộc không? Nhưng nhìn vào những gì họ đã và đang làm, tôi tin là không, thậm chí gia đình còn là động lực để họ cống hiến nhiều hơn nữa.

Tôi từng chứng kiến nhiều nữ phóng viên bị đe dọa khi điều tra những đề tài chống tiêu cực. Tuy vậy, những nữ phóng viên ấy vẫn giữ được bản lĩnh của mình trước những thế lực xấu. Lời chia sẻ của một nữ đồng nghiệp sau khi thực hiện loạt bài điều tra khiến tôi càng thêm cảm phục: “Mình cũng đã từng nghĩ đến việc, nếu mình phanh phui một vụ việc oan sai, sẽ động chạm đến nhiều người, quyền lợi của nhiều cá nhân nên việc chịu áp lực là đương nhiên. Cái gì thấy đúng thì cố gắng làm tới cùng”.

Phóng viên Anh Tuấn - Trung tâm tin tức VTV24 - Đài Truyền hình Việt Nam: Đằng sau vinh quang luôn cần sự hy sinh

Nhà báo nam “ngả mũ” khi “bóng hồng” đi... điều tra - 4

Phóng viên Anh Tuấn - Đài Truyền hình Việt Nam.

“Có một điều ít ai biết, đằng sau những phóng sự truyền hình chống tiêu cực được phát sóng là sự dấn thân của những “bóng hồng”. Họ - những nhà báo nữ mang trong mình đam mê, nhiệt huyết với nghề báo.

Nghề báo vốn dĩ đã cần sự hi sinh rất nhiều và đặc biệt là với những phóng viên điều tra chống tiêu cực. Ngoài áp lực cân bằng giữa gia đình và công việc thì họ sẽ phải chịu rất nhiều áp lực khác đến từ những đề tài, câu chuyện điều tra họ đang theo đuổi. Có thể là nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp, sự đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của những người thân trong gia đình. Phần lớn những nữ nhà báo điều tra mà tôi biết họ đều bản lĩnh và cá tính. Bản chất họ đã vậy và mảng điều tra càng làm cho cá tính họ trở nên nổi bật hơn.

Tôi có trò chuyện với một nữ đồng nghiệp cùng công tác tại VTV 24 khi chị ấy vừa thâm nhập vào “thánh địa vàng tặc” để ghi hình lén làm bằng chứng điều tra. Chị ấy kể với tôi giây phút ở trong hầm “vàng tặc” đầy hiểm nguy mà chị đã rơi nước mắt khi nghĩ về những đứa con đang ở nhà chờ mẹ. Đó là khoảnh khắc có thể bị “vàng tặc” phát hiện, thậm chí nếu đen đủi còn bị hầm vàng trái phép sập lún, đe dọa mạng sống….

Rồi có nữ nhà báo khi làm loạt bài điều tra vạch trần thủ đoạn hút máu dân nghèo của Công ty đa cấp Liên Kết Việt, khi toàn bộ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng cộm cán trong ổ nhóm đa cấp này bị phanh phui, lo sợ bị trả thù, nữ nhà báo đó phải sơ tán gia đình, đi ở nhờ nơi khác để tiếp tục theo đuổi đề tài điều tra. Và khi toàn bộ gần 10 đối tượng trong ổ nhóm này đã bị công an bắt, sự việc được sáng tỏ, chị mới thở phào. Có thể thấy, đằng sau mỗi phóng sự điều tra luôn cần sự hi sinh và trả giá của những nhà báo theo đuổi. Đôi khi cái nghiệp nó gắn vào thân nên chẳng ai muốn từ bỏ…”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Tuân (Gia đình xã hội)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN