DANH MỤC

 

Mang trong người căn bệnh hiếm gặp, nhà nghèo, chồng lại mất sớm, một mình chị phải nuôi 2 đứa con ăn học khiến cuộc sống muôn phần khó khăn.

“Tổ ấm” mới của 3 mẹ con

Trong căn nhà cấp 4 ở thôn Nội Lễ (xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên), chị Phạm Thị Tỉnh (43 tuổi) đang miệt mài thông sen (dùng thanh tre nhỏ tách phần nhân trong hạt sen ra). Thấy khách lạ đến, chị dừng tay, tươi cười ra đón tiếp.

Chị Tỉnh nhận ra tôi dù đã gặp nhau cách đây hơn 5 năm. Hồi ấy, chị và 2 con nhỏ vẫn sống ở ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, dột nát ngay cạnh nhà thờ họ bên chồng.

“Anh trai chồng đổi cho tôi ngôi nhà cũ để lấy mảnh đất này xây nhà mới. Tiền xây nhà này là do chính quyền xã và các mạnh thường quân giúp đỡ hoàn toàn chứ mẹ con tôi ăn còn không đủ sao xây nổi nhà.

Từ ngày có ngôi nhà mới, mấy mẹ con sống cũng yên tâm hẳn. Nửa đêm, mấy mẹ con không còn thức giấc vì lo lắng mỗi khi trời mưa bão. Ngôi nhà nhỏ thôi nhưng nó là tổ ấm của mấy mẹ con tôi 5 năm nay”, chị Tỉnh tâm sự.

 

 

Tôi hỏi thăm chị về bệnh tình, chị chia sẻ, căn bệnh giun chỉ phù voi của chị vẫn vậy. Lúc nào chân cũng có cảm giác ê ẩm, khi trái gió trở trời thì lại sưng tấy, đau nhức, chịu không nổi thì chị tiêm kháng sinh, dùng thuốc tây. Bệnh đỡ, chị lại bắt xe ôm đi Hà Nam lấy thuốc nam về uống.

“Bệnh nặng lắm mới dùng phải thuốc tây, dùng thì đỡ ngay nhưng tôi lại chuyển sang bị viêm dạ dày, đau thận… đủ thứ bệnh. Nhiều lúc chân sưng tấy lên, đỏ như quả gấc. Tiêm kháng sinh vào thì nó xẹp dần xuống, rồi da bắt đầu tróc ra như rắn đổi lột”, chị Tình vừa nói vừa giờ đôi chân “khủng” của mình ra.

Công việc hằng ngày của chị Tỉnh giờ vẫn là đi thông sen, đến mùa nhãn thì đi tách long nhãn thuê. Công việc tỉ mỉ, mất thời gian, ngày công thấp nhưng đó là chiếc cần câu cơm chính của 3 mẹ con chị.

 

 

Thông sen thì người ta trả chị 8.000 đồng/kg, nếu một mình chị làm một ngày chỉ được khoảng 2-3kg với thu nhập chừng 20.000 đồng. Hôm nào, 2 con gái nghỉ học phụ mẹ thì một ngày được khoảng 5kg với thu nhập 40.000 đồng.

Đi tách long nhãn được ngày công cao hơn, từ 100.000-150.000 đồng/ngày. Thế nhưng có những hôm chị phải dậy từ 2-3h sáng để làm việc, rồi lại tới sẩm tối hôm sau mới về nhà.

Hai cô con gái nhỏ của chị Tỉnh, cháu lớn năm nay đang học lớp 8, còn cháu bé học lớp 5. Biết hoàn cảnh gia đình nên 2 bé tự chăm nhau, học hành rất chăm chỉ, rảnh rỗi lại giúp mẹ làm việc nhà, thông sen cùng mẹ hoặc theo mẹ đi tách long nhãn.

 

 

Cuộc đời đầy nỗi truân chuyên

Nói thêm về hoàn cảnh chị Tỉnh. Chị sinh ra trong một gia đình nghèo, thuần nông ở huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên). Hồi 16-17 tuổi, trong lúc đi làm đồng chị bị đỉa cắn. Nghĩ không sao nên hằng ngày chị vẫn đi lội đồng, cày cấy. Sau khi vết sẹo lành, đôi chân chị bắt đầu có dấu hiệu sưng to lên, đau nhức.

Gia đình đã đưa chị đi gặp các thầy lang để chữa thuốc nam hay đến các bệnh viện đa khoa huyện, tỉnh chữa trị nhưng đều không khỏi. Nơi thì bảo chị bị viêm khớp, nơi thì nói chị bị viêm tĩnh mạch… Thuốc thang đủ kiểu nhưng đôi chân của chị Tỉnh vẫn không thể trở lại như người bình thường.

Năm 2016, chị ra Viện Sốt rét - Kí sinh trùng trung ương (Hà Nội) khám thì các bác sĩ nói là mắc bệnh giun chỉ phù voi. Bệnh này ngấm vào máu rồi, khó chữa và chữa cũng rất tốn kém nên chỉ mua thuốc về điều trị cầm chừng.

 

 

Chị nên duyên với anh Tiến, người thôn Nội Lễ từ năm 2005. Những tưởng chị sẽ tìm được một chỗ dựa, nhưng không, chồng chị cũng hay đau ốm nên chẳng đỡ đần gì chị.

Mãi đến năm 2009, chị mới sinh con gái đầu lòng. Niềm vui có nhưng nỗi lo cơm áo gạo tiền nhiều hơn. Rồi đến năm 2012, chồng chị đột ngột qua đời sau một trận cảm, khi ấy chị Tỉnh đang mang bầu đứa con thứ 2.

Cảnh bầu bí sắp đến ngày sinh, chồng mất, nhà nghèo đến tiền lo tang cho chồng cũng không có. May mắn, anh em, hàng xóm mỗi người một tay cùng chị lo xong đám tang cho chồng.

Đám tang chồng xong chừng hơn 10 ngày thì chị Tỉnh chuyển dạ phải đi viện mổ đẻ. Trong lúc túng quẫn, gia đình lại có thêm một miệng ăn.

 

 

“Nhiều đêm nằm ôm con nước mắt cứ trào ra. Trời thì mưa gió, mái nhà dột nát, con khóc, mẹ khóc, tôi đã có suy nghĩ muốn kết liễu đời mình. Thế nhưng sau khi nhìn 2 đứa con thơ, tôi lại không đành lòng.

Có người ngỏ ý muốn xin cháu thứ 2 về làm con nuôi nhưng tôi không đồng ý. Mình lúc đó hoàn cảnh, còn gì để mất đâu nên mấy mẹ con tự nhủ có rau ăn rau, có cháo ăn cháo.

Tôi nói mà đến giờ vẫn không ai tin. Lúc ở bên nhà cũ kia, con lớn lúc ấy 4 tuổi, con bé mới 1 tuổi, tôi ốm nằm liệt giường mà con lớn tự phải đi nấu cháo bưng đến tận giường cho mẹ, mà bếp thì bếp củi”, chị Tỉnh chia sẻ.

 

 

Chị Oanh, một người hàng xóm của chị Tỉnh sang chơi tiếp lời: “Chuyện đó là thật đấy. Con bé lớn này nó giỏi lắm, việc gì cũng làm được giúp mẹ. Con cháu nhà tôi, 4 tuổi giờ đút cho nó ăn còn không xong, đây nó đã biết thổi lửa nấu cháo cho mẹ.

Mấy mẹ con nhà chị Tỉnh sống với nhau rất tình cảm và chan hòa với xóm làng. Số phận đưa đẩy khiến chị ấy vất vả, nhưng bù lại được 2 đứa con gái tuyệt vời. Mong là sẽ có nhiều nhà hảo tâm biết đến và giúp đỡ chị ấy”.

Bà Nguyễn Thị Hoa – Trưởng thôn Nội Lễ cho biết, gia đình chị Tình là một trong những hộ nghèo lâu năm của thôn. Hoàn cảnh 3 mẹ con rất khó khăn.

Hiện hằng tháng, 3 mẹ con chị Tỉnh được chính quyền hỗ trợ khoảng 740.000 đồng tiền hộ nghèo. Các con chị đi học được miễn tiền học phí nhưng tiền sách vở, bút thước, quần áo… lại thêm tiền ăn uống, tiền thuốc chữa bệnh của chị thì số tiền ấy chẳng thấm vào đâu.

Tổ ấm mới của người phụ nữ có “đôi chân voi”, da lột như da rắn - 9

Content: Ngọc San

Media: Lý Nguyễn

Chủ Nhật, ngày 30/10/2022 10:00 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Ngọc San ([Tên nguồn])