Người phụ nữ 18 năm gắn bó với "làng da cam" Hữu nghị
"Mỗi một ngày lên lớp, thấy các em nhận thức được dù chỉ một chút thôi tôi cảm thấy rất vui", cô giáo Nguyễn Thị Oanh chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Oanh dạy lớp Giáo dục đặc biệt 1, gồm tất cả các em khuyết tật về trí tuệ và giao tiếp.
Có mặt tại lớp học đặc biệt này mới cảm nhận được những khó khăn chồng chất mà những cô giáo ở làng Hữu nghị Việt Nam (thôn An Trai, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã vượt qua bằng tình thương với những đứa trẻ.
Cô Nguyễn Thị Oanh chia sẻ: "Khi mới bắt đầu công việc có rất nhiều khó khăn, bởi các em nhiễm chất độc da cam nên mình phải bỏ ra nhiều công sức, trong đó sự kiên trì đóng vai trò quyết định".
Lớp Giáo dục đặc biệt 1 gồm tất cả các em là nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, khuyết tật và gặp khó khăn về trí tuệ và kỹ năng giao tiếp.
Thời gian đầu khi chưa quen lớp, các cô thường xuyên bị các em cầm đồ chơi ném, cào cấu… Có những trường hợp đang trong giờ học, các em vệ sinh luôn ra lớp và các cô lại phải dừng lại để dọn dẹp. "Tôi đã từng nhiều lần bị các em ném đồ chơi vào người, thấy rất tủi thân nhưng vì thương các em tôi đã vượt qua được", cô Oanh thổ lộ.
"Mỗi một ngày lên lớp, thấy các em nhận thức được dù chỉ một chút thôi tôi cũng cảm thấy rất vui", cô giáo Nguyễn Thị Oanh chia sẻ.
Duyên phận gắn bó với làng trẻ Hữu nghị của cô giáo Oanh cũng rất tình cờ. "Tốt nghiệp trường y, rồi được giới thiệu về làm tại đây, ban đầu tôi cảm thấy sợ vì bị các em ném đồ và cào cấu nhưng khi tiếp xúc, tôi lại nhận thấy các em rất hiền và đáng yêu. Vui nhất là hằng ngày nhìn thấy các em phát triển rõ rệt", cô Oanh tâm sự.
Cô Oanh cho biết, tất cả cá bé trước khi được chuyển về đây đều không được học tập và không có kỹ năng tự phục vụ bản thân như đánh răng, rửa mặt...
Khó khăn là vậy nhưng trong suốt 18 năm qua, cô Oanh và các cô giáo ở làng chưa bai giờ bỏ cuộc, hằng ngày họ vẫn kiên nhẫn với lòng tin công sức mình bỏ ra sẽ có kết quả.
"Thực sự, cũng có lúc tôi thấy nản. Nhưng những lúc như vậy tôi lại nghĩ, nếu mình bỏ cuộc thì các em sẽ ra sao? Dần dần vừa dạy vừa học hỏi kinh nghiệm của các cô giáo đi trước, các em cũng bắt đầu tiến bộ và đó chính là động lực để tôi tin tưởng vào công việc mình đang làm", cô Oanh tâm sự.
Khác với cô giáo Oanh, cô Nguyễn Thị Hiền, tổ trưởng tổ bảo mẫu của làng đến với các em một cách rất tình cờ. Trước đây cô là bộ đội, sau khi nghỉ theo chế độ 176, cô được người quen giới thiệu vào làng. Ban đầu, cô cũng không biết chăm sóc trẻ nhiễm chất độc da cam như thế nào. Nhưng rồi tiếp xúc với các em, cô Hiền cảm thấy gắn bó, gần gũi như chính con đẻ của mình.
Cô Hiền cho biết: “Công việc chăm sóc các cháu mất rất nhiều thời gian bởi các cháu rất yếu, nhận thức lại không được như trẻ bình thường, đặc biệt là các em thiểu năng. Chính vì vậy mình phải làm quen dần dần và hiểu được tính tình từng cháu, có như vậy thì việc chăm sóc mới dễ dàng hơn”.
Vất vả là vậy nhưng khi nhắc đến các em dành tinh cảm cho mình, cô Hiền không giấu nổi niềm vui. “Dù các cháu thiếu thốn về mặt nhận thức và trí tuệ nhưng bù lại tình cảm mà các cháu dành cho các mẹ là vô cùng tuyệt vời. Các cháu ở đây đều coi chúng tôi như người mẹ thứ hai của mình, đi đâu 1 ngày thôi là các cháu đã nhớ rồi. Dù không nói được nhưng từ hành động, cử chỉ của các cháu chúng tôi cảm nhận được một tình cảm rất thật, rất chân thành”.
Phải có sự kiên trì mới có thể dạy được các em, bắt đầu bằng việc học ngôn ngữ thông qua ký thiệu bằng tay. Phải mất vài tháng các em mới hiểu được một phần nào thông qua kí hiệu bằng tay.
Tiếp theo các em được học về hình dạng, màu sắc
Do các em bị ảnh hưởng chất độc màu da cam nên nhiều lúc các em không kiểm soát được hành động của mình.
Có em nằm ngủ ngay trên lớp
Đại tá Đinh Văn Tuyên, Giám đốc làng Hữu nghị Việt Nam cho biết, hiện nay, cả làng có 120 cháu bị nhiễm chất độc màu da cam, 5 lớp học giáo dục đặc biệt và 4 lớp học nghề. Các em ở đây khoảng 3-5 năm với mục đích giúp các em hòa nhập được với gia đình, cộng đồng, biết được những kỹ năng sống, phân biệt được các công việc...
Nói về cô giáo Oanh, ông Tuyên cho biết, cô giáo Oanh là một trong những cô giáo gắn bó với làng từ nhữngg này đầu tiên, cho đến nay đã 18 năm nhưng chưa khi nào nghe thấy cô kêu ca, than vãn. Những ngày đầu các cô đều dành hết thời gian cho các cháu từ dạy học, tắm rửa cho đến làm những công việc như trồng rau, nuôi gà, quét nhà, quét sân...
Làng Hữu Nghị Việt Nam là một tổ chức phi chính phủ nên những giáo viên ở đây không được hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi (70%) dành cho giáo viên đang giảng dạy ở các lớp giáo dục đặc biệt. Do vậy đa phần đời sống của các cán bộ, giáo viên đều khó khăn. Thu nhập bình quân của các giáo viên và bảo mẫu ở đây chỉ vào khoảng 3 triệu đồng/tháng và không có thêm bất cứ khoản trợ cấp nào khác.