“Người hùng” cầu Ghềnh kêu cứu
Nhiều tháng nay, gia đình ông Huỳnh Ngọc Hoàng, ngụ phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo lắng vì tường nhà đang bị nứt toác nhiều chỗ.
Nguyên nhân là do quá trình thi công bờ kè đường sắt sau khi xảy ra vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh trước đây.
Lo lắng vì nhà có thể sập bất kỳ lúc nào
Chỉ những vết nứt ngang dọc trên bức tường nhà cấp 4 của mình, ông Hoàng cho biết căn nhà rộng chưa đầy 20 m2, mới được xây dựng gần năm năm. Khi làm lại bờ kè tuyến đường sắt sau vụ sập cầu Ghềnh, nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Công trình Thành Phát (Thủ Đức, TP.HCM) đã cho xe cuốc đào móng bờ kè quá sát khiến tường nhà bị nứt nhiều chỗ.
Những vết nứt lớn trên tường nhà của “người hùng” cứu đoàn tàu khi chuẩn bị qua cầu Ghềnh đã sập. Ảnh: V.HỘI
“Khi phát hiện vết nứt trên tường, tôi đã báo ngay với các nhà thầu. Sau đó có một số người đến đo, chụp ảnh nhà nứt và nói tôi cứ yên tâm, họ sẽ giải quyết thỏa đáng. Đến nay cầu Ghềnh mới đã xong nhưng chẳng ai sửa chữa lại căn nhà. Họ đi không nói một lời nào với tôi. Hiện tại, cửa chính nhà tôi bị nghiêng, không thể đóng lại được, những vết tường nứt ngày một rộng và dài hơn” - ông Hoàng bức xúc.
Do bị thất hứa, ông Hoàng làm đơn phản ánh gửi lên UBND phường Bửu Hòa. Sau đó, UBND phường Bửu Hòa đã mời đại diện các đơn vị liên quan như Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 3 (chủ đầu tư, thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (đơn vị tư vấn giám sát thi công), Công ty Cổ phần Công trình Thành Phát (nhà thầu) làm việc.
Ngày 13-7, các bên đã đến nhà ông Hoàng ghi nhận hiện trạng và nhận thấy căn nhà có nhiều đoạn tường bị nứt dọc ngang, xiên chân tường nhà... Vết nứt dài nhất là 1,5 m.
“Người hùng” bị đối xử phũ phàng
Từ thời điểm các đơn vị liên quan xuống ghi nhận tới nay đã gần ba tháng nhưng ông Hoàng vẫn không nhận được hồi âm. Ông gọi đến những số điện thoại của đại diện các đơn vị nhưng bên này đổ thừa, đùn đẩy trách nhiệm cho bên kia rồi cúp máy. Ông Hoàng tiếp tục khiếu nại lên UBND TP Biên Hòa.
Ngày 5-9, UBND TP Biên Hòa có văn bản đề nghị Công ty Cổ phần Công trình Thành Phát chủ động phối hợp với UBND phường Bửu Hòa giải quyết dứt điểm vụ việc, không để kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng đến người dân. Trường hợp vụ việc chậm được xử lý dẫn tới tai nạn, phía công ty hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Công ty Thành Phát để tìm hiểu về tiến độ giải quyết vụ việc nhưng các nhân viên cho biết “lãnh đạo đi công tác, xin để lại thông tin vụ việc rồi lãnh đạo sẽ liên lạc sau”. Sau nhiều ngày chúng tôi vẫn không nhận được phản hồi từ phía công ty.
Trong khi đó, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 3 cho biết các đơn vị liên quan đã làm việc để xác định thiệt hại căn nhà của ông Hoàng. Phía nhà thầu cũng đã thuê công ty giám định để tính toán giá trị thiệt hại. “Nếu đúng là hơn hai tháng mà nhà thầu vẫn im lặng, chúng tôi sẽ báo cáo để Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu họ phải nhanh chóng giải quyết vụ việc” - vị này khẳng định.
Trưa 20-3, một chiếc sà lan chở cát trên sông Đồng Nai đã tông sập hai nhịp cầu Ghềnh. Lúc đó ông Hoàng trong nhà chạy ra, phát hiện có một đoàn tàu chở hàng đang gần tới nên đã chạy nhanh tới thông báo cho tổ gác chắn chợ Đồn cách hiện trường khoảng 200 m để kịp thời ngăn chặn. Với thành tích trên, ông Hoàng được Bộ GTVT, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, Công ty Cổ phần Đường sắt Sài Gòn, UBND tỉnh Đồng Nai... tặng bằng khen, giấy khen. Nhìn vào những tấm bằng khen đang treo trên tường với những vết đường nứt ngày một lớn hơn, ông Hoàng thở dài: “Bạn bè nói với tôi rằng hồi đó người ta nhớ đến mày. Chứ giờ người ta làm xong cây cầu, họ đi hết rồi nên chả ai nghe kêu cứu vì căn nhà nứt đâu”. |