Người đàn ông hơn 20 năm ngồi xe lăn đi “vít đầu thiên hạ”
Đôi tay co quắp, đôi chân không thể đi lại nhưng người đàn ông đó đã hơn 20 năm lặn lội khắp các con ngõ bằng xe lăn để cắt tóc kiếm tiền nuôi sống gia đình.
Dù đôi tay không được linh hoạt như người thường nhưng ông Tý đã hơn 20 năm đi cắt tóc dạo.
Cuộc sống bất hạnh từ nhỏ
Qua một vài người bạn, chúng tôi tình cờ biết đến hoàn cảnh của người đàn ông tật nguyền Lê Quang Tý (SN 1960), hơn 20 năm qua lặn lội nhiều ngõ ngách ở TP Thanh Hóa làm nghề “vít đầu thiên hạ”.
Theo sự chỉ dẫn của mọi người, chúng tôi tìm đến nhà ông Tý tại thôn 2, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa. Thấy có người gọi, ông Tý vội ngồi trên chiếc ghế trượt ra đón.
Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, nhìn quanh chẳng thấy có thứ gì quý giá. Vợ ông đang nằm trên giường, dù rất mệt nhưng thấy có khách bà lại gắng ngồi dậy nói chuyện.
Nói về số phận bất hạnh của mình, ông Tý kể, ông sinh ra trong một gia đình rất nghèo, bố mẹ lại mất sớm để lại 2 chị em ông bơ vơ.
“Năm lên 1 tuổi, sau một trận sốt rét dài ngày, chân tay của tôi co quắp lại, không tự đi được. Hằng ngày, tôi phải ngồi trên lưng chị gái lang thang khắp các nẻo đường đi xin ăn. Lớn lên một chút, tôi bắt đầu đan rổ, rá bán để kiếm tiền”, ông Tý ngậm ngùi.
Sau đó, người chị gái đi lấy chồng. Vốn có tính tự lập từ nhỏ, ông Tý tự ra ở riêng trong một túp lều, hằng ngày đan lưới, đan rổ rá. Đêm đến, trong khi mọi người đang yên giấc thì ông lại hì hục đóng gạch.
Dù không được khỏe mạnh như những người khác, nhưng với bản tính siêng năng, cần cù lại thật thà nên ông Tý đã được nhiều người thương mến.
Hằng ngày, ông lăn xe đi hơn 20km khắp các ngõ ngách để cắt tóc kiếm tiền.
Cảm kích trước nghị lực phi thường của ông, năm 1990 bà Vũ Thị Sửu (SN 1961) người địa phương đã về làm vợ ông, cùng ông vượt qua khó khăn.
Hằng ngày, ông đan rổ rá, còn bà gánh đi bán, cuộc sống tuy thiếu thốn, nghèo đói nhưng ông bà rất hạnh phúc với hai cô con gái.
Tuy nhiên, hạnh phúc của gia đình nhỏ chẳng được bao lâu thì tai họa lại ập đến. Năm 1993, khi bà Sửu hạ sinh cô con gái út thì cũng là lúc bà mắc phải bệnh khớp nặng, thường xuyên bị đau nên không làm được việc nhiều.
Bén duyên với nghề “vít đầu thiên hạ”
Khi vợ bị bệnh nặng, mọi gánh nặng cơm áo đè lên đôi vai người đàn ông tật nguyền. Nhưng những chiếc rổ, rá của ông càng ngày càng ít người sử dụng nên việc đan lát không còn đủ tiền đong gạo.
Năm 1995, Hội chữ thập đỏ Việt Nam tặng ông Tý một chiếc xe lăn. Một ý tưởng lóe sáng, khi ông muốn biến chiếc xe lăn của mình thành chiếc xe cắt tóc di động. Từ đó, ông bắt đầu một nghề mới trên chiếc xe lăn của mình.
Dù chưa trải qua khóa đào tạo nào về cắt tóc, đôi tay lại co quắp không được linh hoạt như người thường nhưng tay nghề của ông Tý được khá nhiều người ghi nhận.
Trên xe lăn của ông lúc nào cũng có đủ các dụng cụ như tông đơ, kéo, lược, dao lam… Khách hàng của ông chủ yếu là những người cao tuổi, những người thân quen.
Dù đau ốm, nhưng mỗi khi nghe tiếng xe ông Tý đi làm về, bà Sửu lại gắng gượng đứng dậy ra đón.
Ông Trịnh Bá Dâng (74 tuổi) là khách quen của ông Tý cho biết: “Tay nghề của ông Tý chẳng khác gì các thợ cắt tóc ở tiệm. Mỗi khi tóc rậm, nghe chiếc loa của ông, tôi lại chạy lên gọi ông vào cắt”.
Do di chuyển bằng xe lăn nên không ít lần ông Tý gặp phải tai nạn, ngã xe. Trong đó phải kể đến lần chiếc xe của ông bỗng chết máy giữa đường sắt khi tàu đang lao đến. May mắn, có người thấy nên kịp đẩy xe ông ra.
Hằng ngày, ông Tý di chuyển hơn 20km, thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày. Số tiền tuy không phải lớn nhưng cũng phần nào trang trải được cuộc sống của 2 vợ chồng và cho đứa con gái thứ 2 đang theo học năm thứ 3 Đại học Hồng Đức. Còn cô con gái cả giờ đã yên bề gia thất tại Thành Phố Hồ Chí Minh.
Ông Lê Chí Hùng - Chủ Tịch UBND xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) cho biết, gia đình ông Lê Quang Tý thuộc diện khó khăn nhất trong xã. Bản thân ông là lao động chính lại bị tàn tật, lại phải nuôi vợ bệnh tật và lo cho con học tập.
“Chi hội phụ nữ TP Thanh Hóa và Hội phụ nữ xã Hoằng Hóa đang kêu gọi, quyên góp tiền. Tới đây, sẽ xây dựng cho gia đình ông Tý, bà Sửu một ngôi nhà khang trang hơn”, ông Hùng nói.
Nhà mặt tiền phố cổ, chỉ cần cho thuê cũng được khá tiền nhưng ông Hùng quyết giữ cái nghề truyền thống cha ông để...