"Người cha" của 29 đứa con bất hạnh

Làm việc cật lực với đủ nghề để nuôi nấng những đứa trẻ bất hạnh nhưng chưa bao giờ trên môi ông mất đi nụ cười. Ông đã giúp những đứa trẻ tật nguyền thành những nhà vô địch Đông Nam Á.

Để nuôi được 29 “đứa con” tật nguyền, ông phải lao động cật lực bằng đủ thứ nghề như sơn sửa nhà, lắp ống nước, chạy xe ôm… Hơn 20 năm qua, người đàn ông này gieo niềm tin, sự yêu đời cho các con nhưng không hề than vãn một lời. Thành quả mà “ông Bụt” này thu được đó là tình yêu thương, những tấm huy chương vàng mà các con ông dành tặng. Ông  là Trần Quang Minh, chủ cơ sở Hỗ trợ người khuyết tật Mùa Xuân số 39/42 Bờ bao Tân Thắng, P.Sơn Kỳ, Q. Tân Phú, TP.HCM.

Ông bố hiếm có

Cơ sở Mùa Xuân không biển hiệu, nằm sâu trong một con hẻm nhỏ bên hông chợ Sơn Kỳ. Trong nhà, năm người khuyết tật đang mải miết với công việc thêu, nắn hoa đất, xoắn hoa giấy. Nói chuyện với chúng tôi, chị Thu Vân, không rời mắt khỏi khung tranh đang thêu cho biết: “Bác Minh đang đưa Sa Ri đi học, sắp về”. Theo quan sát của chúng tôi, “cơ ngơi” của cơ sở này là căn phòng rộng khoảng 40m2. Điểm nhấn đặc biệt trong phòng là 3 – 4 cái bàn với những chiếc ghế nhựa nhỏ dùng ngồi thêu, nặn đất. Những món đồ hoa đất bày trong tủ kính, phía trên là những bức tranh thêu, tranh sơn dầu đã làm xong. Trên bức tường đối diện là hàng chục chiếc giấy khen, bằng khen và một Huân chương lao động hạng ba thưởng cho Nguyễn Thị Sa Ri treo trang trọng.

"Người cha" của 29 đứa con bất hạnh - 1

 Ông Minh dạy nghề thêu cho những đứa trẻ tật nguyền

Nói chuyện với chúng tôi, chị Vân cho biết, ở đây tiền nhà, tiền điện, nước bác Minh bao hết. Mỗi người khi có việc làm chỉ đóng góp 250 ngàn đồng mỗi tháng giao cho “thủ quỹ” chi tiêu chứ bác không động đến đồng nào. Ngày thường, một số người đi làm ở các cơ sở khác, có người đi học, đi tập thể thao nên vắng vẻ. Chủ nhật tất cả các thành viên mới tụ họp đầy đủ, tổ chức nấu ăn, hát hò vui lắm. 29 con người thì có 29 quê hương, 29 hoàn cảnh khác nhau, nhưng có cùng cảnh ngộ là thân thể không lành lặn, đa phần bị khuyết tật ở chân. Thu nhập của “các con” bác Minh cũng không động đến, người nhiều nhất trên một triệu đồng/tháng. Chị Vân kể tiếp: “bác Minh tốt lắm chẳng khác người cha ruột lo từng miếng ăn, giấc ngủ, bệnh tật cho chúng tôi”. Đang trò chuyện thì mọi người reo lên nhìn ra ngõ: “Bác Minh về kìa!”.

Tiếp chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu, ông Minh cho biết, ông sinh năm 1942, trong một gia đình khá giả ở Hà Nội. Ngày nhỏ, ông được mẹ căn dặn phải đối xử tử tế với kẻ ăn, người làm, nhất là người già. Có lẽ, khởi phát của lòng nhân từ đã theo ông đến giờ. Năm 1954, ông cùng gia đình bôn ba vào Sài Gòn và định cư luôn ở mảnh đất này. Cuối những năm 1990 - 1992, ông dùng tiền dành dụm mua một miếng đất 18.000m2 ở Bình Châu định xây trung tâm y học cổ truyền phục vụ người nghèo. Tuy nhiên, nguyện vọng không thành và ông cũng mất luôn miếng đất. Năm 1999, tình cờ có mấy đứa cháu ở quê lên TP.HCM thi đại học. Mấy đứa trẻ nói có quen một cô gái khuyết tật  vẽ đẹp, mê thể thao nhưng không có tiền thực hiện ước mơ thi vào đại học. Biết hoàn cảnh khó khăn, ông Minh nhận lời giúp ngay. Được biết, cô bé ấy là Nguyễn Thị Minh Lý. Bốn năm được ông Minh nuôi dưỡng, luyện tập thể thao, tên tuổi Lý được biết đến khi cô giành 3 tấm Huy chương Vàng ( HCV) tại ASEAN Para Game 2003 tổ chức tại Việt Nam  và  2 HCV tại ASEAN Para Game 2005 do Thái Lan đăng cai.

Tâm sự với chúng tôi, ông cười mãn nguyện: “Vậy là tôi đã tìm ra con đường ngắn nhất để trẻ khuyết tật vươn lên. Chơi thể thao vừa giúp các em tăng cường sức khỏe, rèn tính tự tin. Chúng có thể vượt lên chính mình”. Qua giới thiệu của người khuyết tật  và sự tìm kiếm của mình, “gia đình ông” ngày càng đông đúc.  Năm 2003, ông thành lập cơ sở dạy nghề Mùa Xuân với mục đích giúp “ các con” có việc làm tự nuôi sống bản thân và theo đuổi nghiệp thể thao. Tình thương ông dành cho “các con” chan hòa như nhau. Nhưng ông vẫn thường đề cao những  đứa có tinh thần nghị lực vượt bậc như Nguyễn Thị Sa Ri để các con vươn lên hơn nữa. Ông kể, Sa Ri sẽ thi tốt nghiệp đại học Hùng Vương ngành Anh văn vào tháng 7 tới. Hiện nay cháu đang cùng Dư Thị Lan tập trung cao điểm cho giải Olympic mùa hè dành cho người khuyết tật tổ chức tại London ( Anh) vào cuối tháng 8/2012.  Để “con gái” đỡ vất vả, hàng ngày ông túc trực đưa đón Sa Ri từ nhà thi đấu Tân Bình, đến Đại học Hùng Vương bất kể sớm, trưa, mưa, nắng. Ánh mắt hiện lên sự tự hào, người cha già tâm sự: “ Sa Ri cừ lắm. Vừa tập luyện, vừa ôn thi, vậy mà tối nào nó cũng miệt mài kết hoa xoắn giấy bán kiếm tiền phụ nuôi em gái đang học năm thứ hai cùng ngành tiếng Anh. Gắn bó mấy năm nay, tôi chưa bao giờ thấy nó buồn. Lúc nào cô bé cũng lạc quan, yêu đời. Nó bảo lấy bằng cử nhân xong sẽ học tiếp cao học. Tôi nghĩ con bé chắc chắn làm được”.

"Người cha" của 29 đứa con bất hạnh - 2

Hàng ngày ông cõng các con đến trường

Ước mơ chưa trọn

Hơn mười năm chăm lo cho “các con” khuyết tật, người đàn ông  này gần như phải tự bươn chải một mình. Ông chưa bao giờ nhận một khoản hỗ trợ nào từ Nhà nước. Mỗi khi có giải thi đấu diễn ra trong nước dù ở Hà Tĩnh hay tận Hà Nội ông đều lặn lội  đến chăm sóc, cổ vũ. Vậy mà ông chưa bao giờ than oán một lời. Mỗi khi vất vả, ông nhận được sự động viên của các con nên cảm thấy khỏe khoắn hơn nhiều. Ông đã quen chịu thiệt thòi nên cũng không quá xót xa. Nhưng ông không chấp nhận bất cứ ai đụng chạm đến quyền lợi chính đáng, thiếu tôn trọng “các con”. Ông sẽ giúp chúng tranh đấu tới cùng.

Ông Minh kể, sau chiến thắng ở Paragame 2009 khi nhận phần thưởng, các VĐV phát hiện bị mất 250.000 đồng/HCV. Vị huấn luyện viên trả lời đó là “tiền công” đi lãnh về. Lập tức nhiều lá đơn gửi lên cấp trên và kết quả là vị HLV ấy phải xin lỗi và trả lại tiền. Nhưng các con ông đã không nhận. Số tiền ấy, chúng làm vậy chỉ muốn mọi người thấy rằng phải biết trân trọng mồ hôi, công sức của người khác, nhất là người khuyết tật. Ông tâm sự, chuyện không vui trong đối xử với người khuyết tật nói chung, vận động viên khuyết tật nói riêng còn nhiều. Có những chuyện kết thúc có hậu như đấu tranh để VĐV khuyết tật được thưởng ít nhất là bằng với vận động viên bình thường gần chục năm mới được. Hay chế độ bồi dưỡng tập luyện, thi đấu cũng đã cải thiện. Nhưng những chuyện dở dang còn không ít. Đơn cử, người khuyết tật chiến thắng thường trở về trong lặng lẽ, chẳng ai hay biết. Hầu hết các công trình xây dựng, phương tiện giao thông không có thiết kế dành riêng cho người khuyết tật di chuyển, sử dụng, một số nơi có làm lối đi cho người khuyết tật thì lại cửa khóa im ỉm nại lý do sợ trộm lẻn vào ( !?).

Hiện nay, người đàn ông này đang đau đáu suy nghĩ tìm nguồn sống cho những đứa trẻ khuyết tật. Mặc dù các sản phẩm của họ làm ra được đánh giá cao nhưng không có nguồn tiêu thụ. Ông đã đi chào hàng khắp nơi nhưng chỉ nhận những cái lắc đầu vì họ đã có sẵn mối. Ông lo lắng, chẳng may mình có mệnh hệ nào thì “các con” tật nguyền sẽ xoay xở ra sao. Chia tay chúng tôi, ông Minh tâm huyết chia sẻ: “Mặc dù khó khăn nhưng chúng tôi luôn mở rộng vòng tay đón những cháu bé tật nguyền về mái ấm. Chúng cũng là người, cũng cần được hưởng sự hạnh phúc, quan tâm của xã hội. Tôi sẽ cố gắng dạy cho các con nghề nghiệp để sau này có thể tự mưu sinh, tự nuôi được bản thân”.

Người cha già nhíu đôi mắt nhăn nheo cho biết:“ Ngoài thành tích thể thao của các con, điều khiến tôi mãn nguyện là đại gia đình này luôn sống đầm ấm hạnh phúc. Đứa lớn chỉ dạy cách mưu sinh cho đứa nhỏ. Người khỏe mạnh  bao bọc đứa yếu hơn. Nhiều đứa bị trầm cảm nặng như Thu Thủy ở Đăk Lăk đã khỏi bệnh. Con bé Út ở Bến Tre bị thiểu năng được các chị thay nhau dạy chữ nay đã biết đọc”. Đặc biệt, đến nay gia đình ông đã có năm chàng rể. Chúng nó đều là người khuyết tật và sống rất hạnh phúc. “Chủ nhật nào các con cũng dắt díu cả nhà về thăm các em. Tôi rất hãnh diện về gia đình mình”, ông Minh chia sẻ.

Bốn đứa trẻ khuyết tật và 150 huy chương vàng

Ông Minh hãnh diện cho biết “ các con” ông hiện đã có 4 người là Nguyễn Thị Minh Lý, Nguyễn Mỹ Nang, Dư Thị Lan, Nguyễn Thị Sa Ri được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Họ đã mang về cho TP.HCM trên 150 HCV, trong đó có 15 HCV và 1 cúp ASEAN Para Game, 1 HCB, 1 HCĐ giải thể thao người khuyết tật Châu Á – Thái Bình Dương,  1 kỷ lục châu Á, 2 kỷ lục ASEAN. Riêng thành tích của phong trào thể thao người khuyết tật thành phố, các con ông đóng góp đến 80% giải thưởng trong ngoài nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khanh Dư (Người Đưa Tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN