Người 30 năm đi tìm kho báu đã chết trong cô độc

Ông Nguyễn Hồng Công, người đào núi tìm kho báu vua Hàm Nghi, đã chết trong cô độc. Mọi tìm kiếm đều rơi vào vô vọng.

Ông Nguyễn Hồng Công (sinh năm 1952, quê Hải Thượng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa; thường trú tại TP.HCM) đã ra núi Mã Cú (thôn Đặng Hóa, xã Hóa Sơn, Minh Hóa, Quảng Bình) tìm kho báu mà ông cho rằng của vua Hàm Nghi đang tồn tại ở đây. Hơn 33 năm bám núi trong cô độc, ông Công không tìm được bất cứ vảy vàng nào. Chính quyền nhiều lần đưa ông về Đồng Hới, mua vé tàu cho ông đoàn tụ gia đình nhưng sau đó ông lại quay trở lại và tự dựng lán nhỏ trên núi, xa khu dân cư. Năm nay ông trở lại chừng bảy tháng và chết trong cô độc khi công việc tìm vàng bế tắc.

Ba lần phát hiện “kho báu”

Tháng 6/2011, ông Nguyễn Hồng Công tuyên bố và có văn bản gửi tỉnh Quảng Bình về việc ông sắp lấy được kho báu, yêu cầu chia cho ông 20% nếu kho báu được tìm thấy. Dĩ nhiên, lúc đó huyện Minh Hóa phải làm báo cáo gửi tỉnh, các cơ quan chức năng cũng cử cán bộ đến núi Mã Cú và họ đánh giá hoàn toàn không có kho báu.

Không biết bằng cách nào ông Công có một số bản đồ cổ mà theo ông đó là bản đồ chỉ dẫn kho báu của vua Hàm Nghi ở khu vực Hóa Sơn. Mấy năm trước, chúng tôi gặp, ông giải thích rất hấp dẫn nhưng nghe kỹ đó chỉ là những lời ông tự nhủ mình về niềm tin có một kho báu ở trong vùng. Năm 1982-1983, tỉnh Bình Trị Thiên cật lực huy động công an, quân đội tìm kiếm khi ông Công cho biết có tài liệu chứng minh kho báu hiện diện ở đây. Lúc đầu ông Công chi trả sòng phẳng các tổn thất tìm kiếm, sau đó tìm mãi không hề thấy kho báu, cơ quan chức năng đã rút lui.

Năm 1987, ông báo tin tiếp cho tỉnh Bình Trị Thiên. Một cuộc huy động quân lính nữa được thực hiện nhưng rồi kết quả cũng bằng không.

Và đến năm 2011, sau văn bản gửi đi, ông Công không nhận được sự quan tâm như những lần trước. Lúc đó vì hết kinh phí, hết nguồn tiếp tế từ gia đình, ông Công trở về TP.HCM.

Người 30 năm đi tìm kho báu đã chết trong cô độc - 1

Ông Công tự hào giới thiệu thành quả của mình (năm 2011)

Chết trong cô độc

Theo người dân thôn Đặng Hóa, ông Công là người biệt lập, ít giao tiếp với dân bản địa nhưng hiền lành, không hại ai bao giờ. Ông nhiều lần suýt chết (vì thiếu dưỡng khí, ăn uống kham khổ) trong các đường hầm ngoằn ngoèo do ông tự đào trổ dưới quả đồi Mã Cú. Những lần như thế, ông được người dân cứu chữa tình cờ lúc họ đi ngang lán lều của ông hoặc đi rừng ngang qua hệ thống địa đạo chằng chịt do ông vỡ đất.

UBND xã Hóa Sơn cho biết người dân phát hiện cái chết của ông Công. Ngày 6/10, anh Phạm Thanh Chương (một người dân xã Hóa Sơn) thấy ông Công không xuống lấy xe đi liên hệ công việc mấy ngày liền đã đến túp lều của ông Công trên núi và phát hiện thi thể ông Công có dấu hiệu trương phình.

Ông Chương kể: “Ông ấy chết chừng 7-10 ngày trước đó nhưng không ai phát hiện. Tôi thấy cửa ở trong bị khóa, phá vào thấy ông nằm bất động. Sổ ghi chép vẫn còn được ông Công ghi ngày trở lại Hóa Sơn. Trong túi ông Công còn 1 triệu đồng, không có dấu hiệu trộm cắp”.

Ông Chương cho biết thêm: “Biết ông chết, tôi báo xã nhưng không ai biết số điện thoại hay địa chỉ nhà ông ấy để báo cho gia đình nên xã đã đề nghị công an tỉnh khám nghiệm tử thi và chôn cất theo phong tục địa phương”.

Kho báu ở Hóa Sơn

Xã Hóa Sơn chót vót trên lưng chừng trời, bốn bề sừng sững núi đá vôi. Người dân bản địa nói họ có gốc gác tổ tiên là những binh lính theo vua Hàm Nghi ra Quảng Bình, Hà Tĩnh dựng cờ Cần Vương. Câu chuyện về vàng của nhà vua yêu nước này vẫn còn trong trí nhớ của bao người già trong vùng. Các thế hệ sau vẫn tin rằng kho báu của vua Hàm Nghi còn ẩn giấu đâu đó trong khu vực hẻo lánh này.

Đường vào Hóa Sơn phải vượt eo Lập Cập cao đứng, qua eo Đù Đu sâu hút rồi lội bộ lên núi Mã Cú. Giữa lưng chừng núi, ngôi nhà nhỏ của người tìm kho báu xuyên thế kỷ Nguyễn Hồng Công lộ ra giữa núi rừng xanh thẳm. Dưới căn nhà là cả một công trình hầm hào ông đào bới sâu vào lòng núi. Nay đã vắng bóng dáng ông nhưng nhiều người dân địa phương tin rằng kho báu vua Hàm Nghi vẫn còn đâu đó trong vùng hiểm địa này. Lý do họ đưa ra là 57 năm trước, làng Đặng Hóa đã tìm ra hàng trăm cân vàng khắc chữ cổ, nhiều bậc túc nho trong vùng dịch chữ thấy xuất xứ từ Đại nội Huế. Vào năm 1954, sau một trận mưa lớn, tại con suối Dương Cau, cách vị trí đào bới của ông Nguyễn Hồng Công chừng một cây số, dưới gốc cây cổ thụ, lộ ra một đống vật kim màu vàng khác lạ. Hồi ấy đa phần dân trong vùng không biết đó là vàng, họ nghĩ là tiền đồng cổ nên đưa từng gùi về bỏ ở xó nhà. Một số cán bộ từ vùng xuôi lên công tác phát hiện đó là vàng. Và một cuộc vận động người dân giao nộp vàng cho Nhà nước diễn ra sau đó. Người dân nhiệt tình nộp được 3,5 tạ, số vàng đó đưa ra trung ương phục vụ các quốc kế đất nước.

Khi rời Hóa Sơn, chúng tôi được ông Đinh Hoàng Diệu (79 tuổi) thông báo bốn năm trước, vợ ông từng bán một đồng tiền vàng lượm được ngay ở suối Dương Cau. Số tiền ông không tiết lộ nhưng đó là sự thật. Còn người đào vàng xuyên thế kỷ suốt đời không tìm được kho báu.

Ông Công là một người dị ứng với những loại ống kính chụp ảnh và máy quay. Năm 2011, khi chúng tôi gặp ông, hỏi về lý do này, ông giải thích: “Nhiều nhà báo không có thiện chí nên tôi không thích khuôn mặt mình trên báo”. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến với ông trong câu chuyện phát hiện kho báu năm đó, ông đã cho chúng tôi ngoại lệ chụp ảnh ông trước ống kính và sau này mỗi bận có chuyện khó khăn về tài chính, ông vẫn gọi điện thoại nhờ giúp đỡ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Khuê (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN