Ngoại trưởng Mỹ hội đàm với Ngoại trưởng TQ về căng thẳng Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố, hôm nay (5.8) ông sẽ có cuộc đàm luận với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị về vấn đề Biển Đông.
Ông Kerry đã đưa ra tuyên bố trên với các phóng viên, nhà báo trước thềm cuộc hội đàm với ông Vương bên lề các hội nghị an ninh của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia hôm nay (5.8). Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc, ông sẽ nêu yêu cầu Bắc Kinh ngừng các hoạt động cải tạo đất, xây đảo nhân tạo phi pháp để tránh làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Ông Kerry còn cho biết, hai bên cũng sẽ thảo luận về chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ vào tháng 9 tới. Một trong những nhà báo Trung Quốc đã xác nhận về cuộc hội đàm riêng giữa hai Ngoại trưởng Trung, Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngồi thảo luận trước một cuộc họp song phương tại Trung tâm Thương mại Thế giới Putra ngày 5.8.2015 tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.
Cuộc hội đàm giữa ông Kerry và ông Vương được tổ chức trong bối cảnh, các quốc gia ASEAN ngày 4.8 bày tỏ quan ngại sâu sắc trước sự leo thang căng thẳng ở Biển Đông do các hành động bồi đắp đất, xây đảo nhân tạo và các cơ sở hạ tầng phi pháp của Trung Quốc trong khu vực đồng thời yêu cầu Bắc Kinh ngừng tất cả những hoạt động trên.
Đáp trả, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thẳng thừng tuyên bố, những yêu cầu Bắc Kinh đóng băng các hoạt động ở Biển Đông "là không thực tế".
Trước thềm các hội nghị an ninh diễn ra tại Kuala Lumpur, Bắc Kinh cũng đã tuyên bố rằng, nước này không muốn thảo luận về vấn đề Biển Đông tại đây. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân khẳng định, Trung Quốc sẽ tránh thảo luận các vấn đề liên quan đến tranh chấp Biển Đông và sẽ phản đối nếu Mỹ đề cập đến trong các phiên họp với ASEAN.
“Các vấn đề liên quan đến tranh chấp biển sẽ không được thảo luận. Đây không phải diễn đàn để giải quyết những tranh chấp này, đây là diễn đàn hợp tác. Nếu Mỹ đưa vấn đề này ra, chúng tôi sẽ cương quyết phản đối", ông Lưu tuyên bố.
Tuy nhiên, nhiều ngoại trưởng ASEAN và chủ nhà Malaysia đều lên tiếng phản đối tuyên bố của Trung Quốc và nhấn mạnh rằng, căng thẳng Biển Đông là vấn đề cực kỳ quan trọng và không thể bỏ qua.
Ngoại trưởng Malaysia, Anifah Aman đã khẳng định, các quốc gia thành viên ASEAN đã nhất trí rằng, các bên phải nâng cao sự "tự kiềm chế", để không tiến hành các hoạt động có khả năng làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario ngày 4.8 nhấn mạnh, Manila sẽ hối thúc Mỹ đưa ra lời kêu gọi "ba dừng" ở Biển Đông trong các hội nghị an ninh ở Kuala Lumpur.
"Philippines hoàn toàn ủng hộ và sẽ tích cực thúc đẩy lời kêu gọi "ba dừng" của Mỹ gồm dừng cải tạo, dừng xây dựng và dừng các hành động gây hấn có thể làm tăng căng thẳng", Guardian dẫn lời ông del Rosario.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của nhiều quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines.
Bất chấp sự phản đối gay gắt của các nước, Bắc Kinh vẫn ngang ngược tuyên bố cái gọi là "chủ quyền không thể tranh cãi" của nước này tại Biển Đông - khu vực được xem là có tiềm năng về năng lượng và là tuyến đường hàng hải quan trọng, với lượng hàng hóa luân chuyển qua đây trị giá 5.000 tỷ USD mỗi năm.
Căng thẳng càng gia tăng khi Trung Quốc bắt đầu đẩy nhanh xây đảo nhân tạo trên 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ năm ngoái.
Mỹ duy trì chính sách trung lập trong vấn đề Biển Đông nhưng đã nhiều lần cảnh báo, căng thẳng trong khu vực có thể cản trở tự do hàng hải tại tuyến đường biển trọng yếu đối với thương mại quốc tế.