Nghiệt ngã nghề đi biển

Biển cho cơm áo nhưng biển cũng gieo bao kinh hoàng cho ngư dân. Có người đã giải nghệ, có người vẫn bám lấy biển bằng nghị lực phi thường.

Xóm chài bên bờ Tây kinh xáng 30-4 (phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) những ngày cuối năm, gió từ khơi xa thổi về từng cơn lạnh buốt. Đã hơn một tháng sau chuyến biển kinh hoàng khiến 2 ngư dân bỏ mạng ngoài khơi, xóm biển nghèo lưu cữu này vẫn chìm trong không khí tang thương.

Sống - chết mong manh

Nhắc lại chuyến biển đáng sợ cách đây hơn 1 tháng, thuyền trưởng Phan Văn Xuyên (45 tuổi) vẫn còn ớn lạnh. “Hôm đó, tàu đang thả lưới thì giông tố nổi lên, biển dậy sóng cao 7-8 m. Tôi vừa kêu anh em thu lưới thì ngọn sóng đã đánh úp con tàu. May mắn có 2 tấm xốp đậy thùng tôm nên chúng tôi bấu víu vào” - ông Xuyên kể.

Nghiệt ngã nghề đi biển - 1

Nghề đi biển luôn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Trong ảnh: Một tàu cá bị sóng to, gió lớn đánh chìm trên vùng biển Phú Yên Ảnh: HỒNG ÁNH

Hai ngày trôi dạt trên biển, họ phải vớt trái mắm, gỡ xốp ăn cho qua cơn đói. Tay chân rã rời nhưng 10 người vẫn cố bám lấy miếng xốp bởi chỉ cần lơi tay là sẽ chết. “Nhưng qua đến ngày thứ ba thì vài người bắt đầu nói lời trăng trối. Sau khi nhắc đến người vợ đang bệnh và 2 con gái còn nhỏ, anh Nguyễn Thanh Hận gục chết ngay cạnh chúng tôi. Chúng tôi buộc tay anh Hận vào tấm xốp để cùng thả trôi. Lúc này, ai cũng lả đi, không còn sức để động viên nhau. Đến chiều thì Thạch Lọt buông tay…” - ông Xuyên kể lại giây phút ám ảnh nhất cuộc đời.

Nghiệt ngã nghề đi biển - 2

Thuyền trưởng Phan Văn Xuyên quyết định giải nghệ sau chuyến biển kinh hoàng Ảnh: DUY NHÂN

Chứng kiến người thứ hai ra đi, ông Xuyên cùng 7 ngư dân không còn chút nghị lực nào nữa. Rất may, ngay khi họ định buông xuôi thì một tàu cá ở Bến Tre nhìn thấy và vớt lên.

Sau khi trở về từ cõi chết, ông Xuyên cạo đầu, giết heo cúng vái, thề không bao giờ đi biển nữa. Sau đó, ông dùng số tiền dành dụm được qua hơn 20 năm đi biển cất một quán nước nhỏ buôn bán.

Sức mạnh diệu kỳ

Hơn 2 tháng kể từ ngày thoát chết sau 9 giờ bơi trên biển, ngư dân Trịnh Phong (40 tuổi, ngụ xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) lại tất bật chuẩn bị thuyền lưới để ra khơi. Hôm đó, anh Phong cùng vài ngư dân đưa thuyền ra biển đánh cá như thường lệ. Khi cách bờ khoảng 2 hải lý, họ neo thuyền rồi mỗi người bơi một cái thúng chai để đón luồng cá. Không may, thúng của anh Phong lật úp nhưng không ai phát hiện.

Bị sóng hất ngày càng xa, anh Phong kêu cứu nhưng không ai nghe thấy. Trong lúc định buông xuôi thì anh vớ được một mảnh xốp nên bám vào và nhắm hướng bờ cố sức bơi. Sau 9 giờ, anh Phong dạt vào đến tận bờ biển xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và được người dân giúp đỡ đưa về nhà.

Cuối tháng 4-2014, một ngư dân thoát chết kỳ diệu đã gây náo động các làng chài Quảng Ngãi. Đó là trường hợp của ngư dân Trần Minh Sang, thoát chết sau 25 giờ trôi dạt qua tận vùng biển của Philippines. Trưa 22-4-2014, anh Sang ra đuôi tàu đi vệ sinh thì bước hụt chân rơi xuống biển. Phải 1 giờ sau, các bạn thuyền mới phát hiện anh mất tích nên quay lại tìm nhưng vô vọng.

Sau 2 giờ vật lộn với sóng dữ, anh Sang phát hiện mình đã trôi sang vùng biển của Philippines, nơi có rất nhiều tàu hàng qua lại. Anh dùng hết sức cố bơi theo những con tàu ra hiệu cầu cứu nhưng 1 rồi 2 rồi 15 con tàu lần lượt lướt qua, trời tối dần nhưng không ai phát hiện ra anh.

Một đêm chống chọi với đói khát, sóng gió, đến 8 giờ sáng hôm sau, anh Sang nhìn thấy một chiếc tàu hàng màu đen nên vội bơi theo kêu cứu. “Tôi nghĩ con tàu rồi cũng không thấy mình. Nhưng sau khi đi qua, khoảng nửa giờ sau, con tàu vòng trở lại. Tôi được cứu sống trong giây phút tuyệt vọng nhất” - anh Sang nói.

Tôi phải sống!

2014 được xem là năm tương đối bình yên với ngư dân miền Trung bởi không có nhiều bão. Tuy nhiên, cơn bão số 4 đổ bộ vào các tỉnh Bình Định, Phú Yên hồi tháng 11-2014 suýt cướp đi tính mạng của nhiều ngư dân.

Ông Lê Văn Sơn (SN 1982, ngụ TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), thuyền trưởng của tàu cá PY-96182-TS, vẫn còn ám ảnh khi nhắc đến cơn bão đó. Hôm ấy là ngày 27-11-2014, đang khai thác cá ngừ trên vùng biển Trường Sa thì nghe tin bão số 4, ông Sơn vội cho thu câu, chạy vào bờ. Mới chạy được vài chục hải lý thì tàu hỏng, gió mạnh, sóng dữ nổi lên, nước tràn vào cả cabin. “Lúc ấy, tôi nghĩ về con gái nhỏ mới hơn 3 tháng tuổi. Nếu tôi chết, nó sẽ không còn nhớ đến mặt cha, vậy là tôi quyết phải sống. Tôi ôm cái can nhựa đựng nước, sẵn sàng nhảy xuống biển khi tàu chìm để chờ người đến cứu dù biết rằng chuyện đó rất khó xảy ra trong điều kiện thời tiết nguy hiểm” - anh Trương Tấn Sỹ (SN 1990), một thuyền viên đi trên tàu, kể lại.

Sau hơn 30 giờ chống chọi với sóng dữ, đến rạng sáng 29-11, tàu cứu hộ của cảnh sát biển đã tiếp cận được tàu cá gặp nạn khi tàu bắt đầu chìm và các ngư dân đã kiệt sức. Nhiều ngư dân quen ăn sóng nói gió nhưng đã òa khóc như trẻ con khi biết mình còn có cơ hội gặp lại gia đình.

Kỳ tới: Những cái chết lạnh buốt

Vẫn đi biển

Nhắc đến những người may mắn sống sót khi gặp nạn trên biển, người xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa đều nói về ông Hoàng Văn Khâm (SN 1938). Ông Khâm đã  thoát chết kỳ diệu sau 3 ngày 3 đêm lênh đênh trên biển. Giờ đây, tuy tuổi đã cao và không còn đi biển nhưng thời khắc sinh tử đó ông Khâm vẫn nhớ rõ. Đó là mùa bão năm 1963, ông cùng 5 ngư dân đang đánh cá thì gặp bão lớn đánh lật thuyền.

“Trời tối đen, tôi bám được vào miếng gỗ rồi cứ thế thả trôi suốt 3 ngày 3 đêm thì được một tàu cá cứu. Năm anh em đi cùng tôi không còn ai sống” - ông Khâm nhớ lại.

Sau lần thoát chết kỳ diệu ấy, ông Khâm nghỉ đi biển một thời gian rồi lại tiếp tục ra khơi đến tận năm 1977 mới “nghỉ hưu”. “Tới bây giờ nghĩ lại, tôi còn thấy sợ nhưng sinh ra ở biển, không đi biển thì chỉ có chết đói” - ông Khâm nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhóm phóng viên (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN