Nghệ An: Dân “nghe còi báo động là kéo nhau đi trốn”
Mỗi trận nổ mìn, mặt đất rung chuyển, đá bắn tung tóe bay cả vào khu dân cư khiến mọi người vô cùng hoang mang, lo lắng.
Khu vực Nhà máy Xi măng Sông Lam nổ mìn cách nhà dân chỉ khoảng 250 - 300m.
Suốt 4 tháng qua, người dân xóm 9, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) sống trong hoang mang, lo lắng vì hàng ngày phải chung sống với những tiếng nổ mìn đinh tai, nhức óc tại mỏ đá phục vụ Nhà máy Xi măng Sông Lam.
Nhà một bên, mìn nổ một bên
Theo quan sát của chúng tôi, địa điểm nổ mìn cách nhà dân gần nhất chỉ khoảng hơn 200m. Một bên là hàng chục hộ dân sinh sống, một bên là bãi mìn đánh đá nhưng không có bất kỳ một thiết bị che chắn, bảo vệ. Mỗi trận nổ mìn, mặt đất rung chuyển, đá bắn tung tóe bay cả vào khu dân cư khiến mọi người vô cùng hoang mang, lo lắng. Đã có không ít trường hợp mìn nổ làm đá bắn lên nhà, xuống vườn, hư hỏng tài sản của người dân.
Chị Trần Thị Hương (xóm 9, xã Bài Sơn) sống cách điểm nổ mìn khoảng 300m kể: “Hôm đó, tôi đang nấu ăn dưới bếp thì nghe còi báo động nổ mìn. Sau đó là những tiếng nổ ầm ầm, khiến cả ngôi nhà rung lắc. Tức thì, tôi nghe một tiếng động lớn trên nhà, chạy lên thấy một hòn đá to bằng nắm tay rơi xuống làm vỡ 5 viên ngói”.
Có cùng tâm trạng, anh Thái Đức Trúc cho biết: Gia đình tôi cũng bị ba hòn đá to như nắm tay rơi xuống vườn phía sau. Nhà có con nhỏ nên tôi rất lo sợ. Để đảm bảo tính mạng cho vợ con, mỗi lần nghe còi báo động là gia đình phải đưa con đi trốn. Bà con nơi đây còn hết sức bức xúc, bởi mìn nổ gây chấn động làm nứt nhà cửa. Nhà tôi mới xây dựng được ba năm; Nhà tắm và tường bao vừa xây xong, chưa thanh toán tiền thợ. Thế mà mìn nổ gây chấn động, rung lắc khiến cả ba công trình đều có nhiều điểm nứt”.
Chưa hết, người dân còn lo lắng sống gần điểm nổ mìn sẽ có những ảnh hưởng lâu dài tới con cháu. Anh Nguyễn Văn Hải lo lắng: “Gia đình tôi có ba người con, đứa lớn năm nay 16 tuổi, hai đứa còn lại chỉ mới 11 và 3 tuổi. Giờ mỗi lần nghe tiếng động là đứa nhỏ giật mình hoảng sợ. Nhà máy chỉ mới bắt đầu hoạt động, mìn sẽ còn nổ. Sống gần như thế này, gia đình tôi rất lo các con sẽ bị ảnh hưởng. Rất mong Nhà nước sớm có giải pháp để giải quyết”.
Sớm di dời những hộ dân bị ảnh hưởng
Được biết, toàn xóm 9 có khoảng 86 hộ với khoảng 300 nhân khẩu thì có đến 24 hộ có đơn phản ánh bị ảnh hưởng do mìn nổ. Số đơn thư này đã được chính quyền địa phương chuyển đến Nhà máy Xi măng Sông Lam.
Trưởng xóm 9, ông Hoàng Văn Tý cho hay, ngày 10/11, nhà máy tổ chức đối thoại với người dân, hứa sẽ hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của mìn nổ và tổ chức kiểm tra thực tế để có phương án hỗ trợ cho người dân. Đến nay, những ảnh hưởng của mìn đã cơ bản được hạn chế nhưng vẫn không thấy phía nhà máy về kiểm tra thực tế.
Theo ông Nguyễn Song Hào, phụ trách Phòng Hành chính, Nhà máy Xi măng Sông Lam, nhà máy cho nổ mìn để xây dựng bãi đỗ xe từ khoảng giữa tháng 7/2016. Địa điểm nổ mìn cách nhà dân khoảng 250 - 300m. Thời gian nổ từ 11h30 - 12h30 và từ 17h30 - 18h30. Mìn nổ có ảnh hưởng về tiếng động, làm nứt nhẹ nhà một số hộ dân, đá rơi vãi thì chỉ một vài trường hợp. “Nhà máy thống nhất với UBND xã Bài Sơn đi kiểm tra thực trạng các hộ dân để có phương án hỗ trợ. Tuy nhiên, đến chiều 22/11, UBND xã vẫn chưa bố trí được lịch cụ thể. Về lâu dài, nhà máy mong muốn chính quyền sớm có phương án tái định cư cho 19 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp. Nhà máy chỉ mới đi vào hoạt động, người dân sống cận kề không tránh được ảnh hưởng”, ông Hào cho hay.
Ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch UBND xã Bài Sơn khẳng định, việc nổ mìn phá đá gây tiếng động lớn, làm nứt nhà và đá bay vào khu dân cư là có thực. Nhà máy Xi măng Sông Lam và xã cũng đã thống nhất kiểm tra thực trạng nhà dân để có phương án hỗ trợ. Tuy nhiên, tuần vừa qua do bận công việc, xã không bố trí được cán bộ đi cùng nên lùi lịch sang tuần sau. Hiện, nhà máy đã cam kết giảm lượng mìn nổ, thay đổi giờ nổ. Về lâu dài, xã sẽ kiến nghị với huyện, tỉnh sớm di dời những hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp. |