Ngày hợp hôn của đôi uyên ương 91 tuổi
Ngày hợp hôn của hai cụ Bùi Thị Vinh và Hà Văn Tới (cùng 91 tuổi, ngụ xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) không có xe hoa, áo cưới, không tiệc tùng linh đình, mà chỉ là bữa cơm chiều đạm bạc đánh dấu một cuộc hôn nhân mà số tuổi của cô dâu, chú rể cộng lại là 182 tuổi, có lẽ vào hàng cao nhất Việt Nam.
Đi ở rể ở tuổi 91
Một ngày đầu tháng 6, chúng tôi trở lại ấp Chợ (xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bế Tre) để đến thăm nhà cụ Bùi Thị Vinh (còn gọi là bà Mụ Bảy vì lúc trẻ cụ từng làm “mụ vườn”). Cách đây gần 2 tháng, chúng tôi cũng đã đến đây, nhưng cụ Vinh bị con cháu đóng cửa rào, không cho tiếp xúc với báo chí. Lúc đó chúng tôi đã tìm đến nhà cụ Hà Văn Tới Tới (còn gọi Mười Út, ngụ ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, cách nhà cụ Vinh chừng hơn cây số), các con cụ đồng ý tiếp chuyện chúng tôi, nhưng cũng không cho cụ gặp các nhà báo. Bây giờ chúng tôi trở lại ấp Chợ, mọi chuyện đã khác, cổng nhà cụ Vinh rộng mở, cụ Vinh và cụ Tới tự do và vui vẻ tiếp chuyện với chúng tôi mà không bị bất cứ sự cản trở nào.
Hai cụ như trẻ hơn nhiều so với tuổi 91 của mình, đi lại gọn gàng, tự pha trà mời khách. Hai cụ cho biết đã chuyển tới sống chung với nhau như vợ chồng khoảng 1 tháng qua, sau khi con cái hai bên nhà không còn phản đối quyết liệt nữa.
Cụ Vinh và cụ Tới đã được sống hạnh phúc bên nhau
Cụ Tới hóm hỉnh nói: “Đám cưới của tụi tui không có rước dâu, mà tui đi ở rể, con tui chở tui qua nhà bả rồi tui ở lại làm chồng bả tới hôm nay, khi nào nhớ nhà thì kêu các con đem xe qua chở về bển chơi với mấy đứa nhỏ”.
Các cụ kể, ngày cưới của hai cụ không có tiệc tùng linh đình, chỉ là bữa cơm chiều đạm bạc, có sự chứng kiến của các con, bà con lối xóm, vậy là họ thành chồng thành vợ. Trước đó mấy ngày, cụ Tới bất ngờ qua thăm nhà cụ Vinh (nhờ con chở đi) sau mấy tháng không gặp nhau vì con cháu ngăn cản. Cụ Vinh vừa mừng vừa lo, chưa biết cụ Tới được chở tới để làm gì, thì cụ Tới nói rõ ý định sẽ qua sống hẳn với cụ Vinh vì con cháu đã “thông cảm”, cho cha “đi bước nữa”. Cụ Vinh đã rưng rưng nước mắt trước lời “cầu hôn” quá bất ngờ của người bạn già.
Cụ Tới dự định mua một lễ vật nào đó để đánh dấu ngày họ thành chồng thành vợ, như bông tai hoặc nhẫn cưới chẳng hạn, nhưng cụ Vinh không đồng ý vì không muốn tốn kém, làm phiền con cháu, quan trọng là họ đã về sống với nhau như vợ chồng. Ngay cả chuyện đến UBND xã Phú Phụng đăng ký kết hôn và đến nhà thờ Phú Phụng để nhờ cha xứ làm phép, hai cụ thấy cũng không còn cần thiết.
“Hồi trước tui với bả tính đăng ký kết hôn, đến nhà thờ làm lễ rồi mới về chung sống với nhau như vợ chồng. Nhưng sau thấy con cháu không chịu, nhất là chuyện đăng ký kết hôn, nên tui bàn với bả không cần, được về ở với nhau như vợ chồng là được rồi”, cụ Tới chia sẻ.
Đừng chúc “sống với nhau đến răng long đầu bạc”
Từ ngày cụ Tới đến sống chung ở nhà cụ Vinh, cụ Vinh không còn nửa đêm giật mình ngồi khóc vì cô đơn và vì không dỗ lại được giấc ngủ. Bây giờ hai cụ già suốt ngày có nhau, tha hồ tâm sự bầu bạn. Tuổi già thường ít ngủ, thức dậy sớm, hai cụ dậy pha trà ngồi “đối ẩm” bên nhau đợi trời sáng. Sáng nào họ cũng cùng nhau đi lễ ở Nhà thờ Phú Phụng gần đó. Trên đường về họ ghé chợ mua thức ăn, trái cây và những thứ cần thiết cho cuộc sống. Lúc rảnh hai cụ còn cùng nhổ cỏ sau vườn, trồng thêm mấy khóm hoa, dọn dẹp nhà cửa tươm tất... Hai cụ còn có thời gian để đi thăm thú hàng xóm, rồi mời những người bạn già tới nhà mình hàn huyên tâm sự.
Ngôi nhà nhỏ ấm cúng của hai cụ
Hai cụ cho biết, họ cảm thấy trong người khỏe ra nhờ ăn ngon ngủ yên, nhờ lao động chân tay, nhất là suốt ngày có người bầu bạn vui vẻ chứ không cô đơn buồn chán như trước. “Tui thấy trong người khỏe lại, như trẻ lại cả chục tuổi, như thời còn bảy tám chục tuổi”, cụ Vinh tâm sự.
Mới đây cụ Vinh bị căn bệnh khớp hoành hành, may mà có cụ Tới ở bên cạnh chăm sóc. “Mỗi lúc nhìn thấy ổng bên cạnh là tui vui lắm. Chỉ có người già tụi tui mới hiểu được nhau”.
Cụ Vinh kể rằng, khi hay tin hai cụ về sống đời chồng vợ với nhau, nhiều người đã chúc các cụ sống hạnh phúc với nhau đến “răng long đầu bạc”. Điều đó thì khỏi phải chúc, bởi trước khi các cụ thành vợ chồng vài chục năm, đầu họ đã bạc trắng, răng cũng đã rụng gần hết. Đối với hai cụ, câu chúc “trăm năm hạnh phúc” dường như cũng không thỏa đáng, vì bây giờ cho tới lúc họ trăm tuổi chỉ còn chưa tới 9 năm. Họ muốn sống với nhau, muốn hạnh phúc với nhau lâu hơn thế.