Ngành đường sắt từ chối nhận hỗ trợ của VietJet Air

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết hoàn toàn có thể đảm đương được khối lượng hành khách đi tàu và không cần đến sự hỗ trợ của hãng hàng không VietJet.

Ngành đường sắt từ chối nhận hỗ trợ của VietJet Air - 1

Sự cố sập cầu Ghềnh đã khiến tuyến đường sắt Bắc – Nam bị gián đoạn qua đây (Ảnh: N.Đ.N)

Trước đó, ngày 23.3, VietJet Air có đề xuất phương án hỗ trợ cho các hành khách của ngành đường sắt trong sự cố sập cầu Ghềnh (Đồng Nai) ngày 20.3.

Theo đó, VietJet Air sẵn sàng nhận số hành khách đã mua vé đường sắt chuyển sang đi trên các chuyến bay nội địa của hãng mà không phải trả thêm chi phí trong suốt thời gian khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh (dự kiến kéo dài đến tháng 7.2016).

Ngày 25.3, trao đổi với phóng viên, ông Phan Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đối với các đơn vị phục vụ vận tải hành khách, sự tương trợ nhau lúc khó khăn là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện phía Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vẫn đủ sức phục vụ hành khách đi tàu của mình.

“Chúng tôi rất cảm ơn thiện chí của bên VietJet Air nhưng phía Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam hoàn toàn có thể đảm đương được khối lượng hành khách đi tàu từ Hà Nội đi Sài Gòn và ngược lại”, ông Quốc Anh nói.

Đối với những trường hợp đã đặt vé tàu rồi nhưng vẫn muốn đi bằng máy bay, ông Quốc Anh chia sẻ, nếu hành khách nào có nguyện vọng sử dụng phương tiện máy bay của VietJet Air, phía Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vẫn hoàn toàn tạo điều kiện bằng việc hoàn trả tiền vé tàu hoặc liên hệ giúp.

Về phương thức vận chuyển, sau sự cố sập sà lan đâm sập cầu Ghềnh (Đồng Nai) ngày 20.3, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã dừng chạy tàu tuyến Biên Hòa – Dĩ An, không để xảy ra thiệt hại về người và phương tiện. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã điều chỉnh lịch trình chạy tàu chủ yếu thực hiện đối với khu đoạn từ Nha Trang trở vào.

Cụ thể, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn duy trì chạy 2 đôi tàu Hà Nội – Nha Trang (SE1/2, SE7/8); 5 đôi tàu khách Hà Nội - Sài Gòn và ngược lại (TN1/2, SE3/4, SE5/6, SE21/22, SE25/26); duy trì chạy 3 đôi tàu khách địa phương (Vinh – Sài Gòn, Quy Nhơn – Sài Gòn, Nha Trang – Sài Gòn).

Phương án trên được thực hiện có sự chuyển tải hành khách giữa ga Sóng Thần và ga Biên Hòa. Hiện ga Biên Hòa đang được tính là ga cuối trên tuyến đường sắt Bắc – Nam.

Còn đối với vận tải hàng hóa, ngành đường sắt sẽ vận chuyển hàng hóa từ các ga phía Bắc đến ga Bình Thuận và ngược lại. Hàng hóa tại khu vực phía Nam sẽ được tổ chức xếp dỡ tại các ga Long Khánh, Trảng Bom, Hố Nai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Sập cầu Ghềnh ở Đồng Nai Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN