Ngại hoạt động mỹ thuật lộ bí mật, an ninh!

Nhiều ý kiến cho rằng quy định “Tác giả được chỉ định sáng tác mẫu phác thảo tượng đài, tranh hoành tráng phải có trình độ đại học trở lên” không phù hợp.

Phiên họp chiều 14/1 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trở nên sôi nổi khi các đại biểu thảo luận về chủ đề “tượng đài, tranh hoành tráng”. Đây là nội dung được đề cập trong dự thảo nghị định về hoạt động mỹ thuật do Bộ VH-TT&DL chủ trì soạn thảo.

Thế nào là hoành tráng?

Theo ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, thời gian qua việc xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng không còn bó hẹp trong chủ đề về các anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu hay đề tài lịch sử, cách mạng. Hiện nhiều nơi đã mở rộng sang xây dựng tượng tôn giáo, tín ngưỡng với quy mô lớn, có ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, văn hóa, xã hội. Do chưa có quy định về cấp phép xây dựng nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, việc ban hành các quy định về tượng đài, tranh hoành tráng là hết sức cần thiết.

Giải thích từ ngữ về “hoành tráng”, dự thảo nghị định nêu rõ: “Tranh hoành tráng là tác phẩm mỹ thuật có kích thước lớn, chất liệu bền vững, ngôn ngữ tạo hình có tính biểu tượng cao, đặt cố định nơi công cộng”. Tuy nhiên, giải thích trên không làm cho Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện hài lòng. “Sự hoành tráng đôi khi không đến từ kích thước mà có khi lại hoành tráng về nội dung” - ông Lý đặt vấn đề. Còn ông Hiện thì đề nghị nên thay “hoành tráng” bằng một từ khác.

Ngại hoạt động mỹ thuật lộ bí mật, an ninh! - 1

Việc quy định “Tác giả được chỉ định sáng tác mẫu phác thảo tượng đài, tranh hoành tráng phải có trình độ đại học trở lên” gây nhiều tranh cãi. Ảnh: CTV

Dự thảo cũng quy định: Tác giả được chỉ định sáng tác mẫu phác thảo tượng đài, tranh hoành tráng phải có trình độ đại học trở lên chuyên ngành điêu khắc đối với tượng đài; có trình độ đại học trở lên chuyên ngành hội họa, đồ họa và phải có ít nhất hai công trình tượng đài, tranh hoành tráng đạt chất lượng loại A… Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, quy định như thế là không phù hợp.

“Làm tranh hoành tráng mà bắt buộc phải có bằng cấp là không đúng. Thực tế có rất nhiều người không có bằng cấp vẫn làm được những công trình lớn. Nghệ thuật là thiên phú, quy định như thế là không hợp lý” - ông Sơn nhấn mạnh. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng không nhất thiết bắt buộc những người làm ra tác phẩm nghệ thuật phải có bằng đại học hoặc thỏa điều kiện này, điều kiện kia.

Sao chép tranh lãnh tụ phải thể hiện sự tôn kính

Ngoài nội dung trên, dự thảo nghị định cũng đưa ra nhiều quy định khắt khe đối với hoạt động mỹ thuật. Trong đó, nghiêm cấm các hành vi mỹ thuật làm tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước; bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại; bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa; xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân...

Đặc biệt, dự thảo nghị định quy định các tổ chức, cá nhân muốn sao chép tranh, tượng danh nhân, lãnh tụ phải làm đơn và được Sở VH-TT&DL cấp phép mới được thực hiện. Các cơ sở hành nghề sao chép, trưng bày tranh, tượng danh nhân, lãnh tụ phải đảm bảo sự tôn kính đối với danh nhân, lãnh tụ.

Thẩm tra về các nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng quy định cấm “tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước; bí mật quân sự, an ninh kinh tế, đối ngoại; bí mật đời tư của cá nhân” không mang tính đặc thù đối với hoạt động mỹ thuật. Ngoài ra, ban soạn thảo cần xem lại quy định cấm “xây dựng các công trình mỹ thuật không đúng quy hoạch” tại khoản 3, vì dự thảo nghị định chỉ quy định quy hoạch về tượng đài, tranh hoành tráng, không quy định quy hoạch về các công trình mỹ thuật.

Không tổ chức tràn lan các ngày kỷ niệm

Thảo luận về dự thảo nghị định quy định công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm và ngày hưởng ứng của Việt Nam, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: Hiện mỗi năm cả nước có hơn 500 ngày truyền thống, ngày kỷ niệm của các ban, bộ, ngành, các tổ chức và các địa phương. Do mỗi cơ quan có một cách làm riêng nên dẫn đến tình trạng tổ chức tràn lan, lãng phí, gây mất lòng tin trong nhân dân. Vì thế, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhận định: Việc ban hành nghị định là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay.

Theo ông Đào Trọng Thi, việc ban hành nghị định là cần thiết. Tuy nhiên, nếu luật hóa toàn bộ ngày truyền thống, ngày kỷ niệm của các đơn vị từ trung ương đến địa phương có thể sẽ làm phát sinh nhiều ngày truyền thống, ngày kỷ niệm. Điều đó sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thành Văn (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN