Nga: Cấm quan chức mở tài khoản ở nước ngoài

Hôm 12/9, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã yêu cầu các quan chức chính phủ Nga phải gửi tiền trong các ngân hàng Nga.

“Họ phải gửi tiền trong nước để chia sẻ rủi ro tài chính với đất nước,” ông Medvedev nói. Sắp tới Duma Quốc gia, tức Hạ viện Nga, sẽ thảo luận dự luật do cả 4 phái trong Duma đưa ra, trong đó cấm các quan chức chính phủ có tài khoản ngân hàng ở nước ngoài hoặc sở hữu tài sản ở nước ngoài. Theo các nhà soạn thảo, dự luật sẽ được áp dụng cho cả vợ/ chồng của các quan chức chính phủ, tuy nhiên cũng có ngoại lệ, chẳng hạn như cho phép quan chức được trả tiền điều trị bệnh ở nước ngoài.

Hạ nghị sỹ Valery Trapeznikov thuộc đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền cho biết: “Mục đích cốt lõi của dự luật là các quan chức chính phủ mọi cấp, từ cấp thành phố tới thủ tướng hoặc tổng thống, sẽ không được phép có bất động sản hoặc ở tài khoản ở ngân hàng nước ngoài”. Ai bị bắt quả tang vi phạm luật sẽ bị phạt tới 5 triệu rúp (156.656 USD) hoặc thậm chí 5 năm ngồi tù. Ông Trapeznikov tỏ ý hy vọng rằng hình phạt sẽ chỉ phải đưa ra trong những trường hợp rất đặc biệt, bởi “không một thống đốc hoặc quan chức chính phủ nào muốn rủi ro với thanh danh của họ”.

Tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin phát biểu, việc hạn chế sở hữu tài khoản ở nước ngoài và bất động sản ở nước ngoài sẽ góp phần cho các nỗ lực chống tham nhũng. Nếu Duma thông qua dự luật trên vào mùa thu này, dự luật sẽ có hiệu lực từ 2013.

Tuy nhiên Thủ tướng Medvedev phản đối việc cấm quan chức sở hữu bất động sản ở nước ngoài. “Tôi không cho rằng việc cấm này sẽ củng cố các dịch vụ nhà nước,” ông nói. Ông cho rằng, các quan chức chính phủ cần phải kê khai thu nhập và các chi phí.

Hồi tháng Ba năm nay, ông Medvedev, lúc đó còn là Tổng thống, đã yêu cầu các quan chức nhà nước Nga, các nghị sỹ phải kê khai tài sản. Theo đó, họ phải kê khai việc mua nhà, cổ phiếu trong các công ty, xe hơi, nếu số tiền của quan chức hoặc thành viên gia đình quan chức chi cho một vụ mua bán vượt quá tổng thu nhập chính thức trong 3 năm của các thành viên gia đình họ. Cũng theo dự luật kê khai tài sản, quan chức nào không thể làm rõ sự khác biệt giữa thu và chi của gia đình có thể bị cách chức, tài sản gây tranh cãi có thể bị sung công. Nhưng các nhà làm luật cũng phải chứng minh được rằng tài sản gây tranh cãi đó được mua bất hợp pháp.

Theo xếp hạng công bố tháng 12/2011 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Nga xếp thứ 143 trong số 183 nước về chỉ số nhận thức tham nhũng, và bị coi là một trong những nền kinh tế lớn có tham nhũng nhiều nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Việt Ân (Theo RIAN) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN