Nam Sài Gòn - 20 năm đổi thay (Kỳ 4)

Chiều thứ bảy, những quán cà phê trên đường nội bộ của khu Phú Mỹ Hưng tấp nập hơn ngày thường nhưng vẫn không mất đi không khí thoáng đãng, yên tĩnh.

Kỳ 4: Dưới bóng cao ốc

Ông Lê Chí Hiệp, giảng viên Trường ĐH Bách khoa, một cư dân của Phú Mỹ Hưng từ năm năm nay, chia sẻ: “Mấy mươi năm ở giữa trung tâm Sài Gòn, giờ đến đây ở, càng lâu càng thấy rõ sự khác biệt. Cơ sở vật chất có tiêu chuẩn khác dẫn đến lối sống, phong cách khác, và chất lượng cuộc sống đương nhiên cũng khác hẳn các khu khác của Sài Gòn”.

Vì ngay dưới bóng những cao ốc vẫn còn những cảnh rất khác.

Người cũ

Từ nhà thầy Hiệp ở khu phố Nam Long đi xuôi xuống cuối đường Nguyễn Lương Bằng chưa đầy 1km sẽ thấy một bên là khu chung cư Vạn Phát Hưng cao ngất, phía đối diện, một khu xóm gồm những nhà cấp 4 lè tè, lụp xụp. Sáng chủ nhật, quán phở Kiều Châu với bàn nhựa ghế thấp dưới tàn trứng cá tấp nập những chiếc xe hơi bóng loáng. “Mấy ông đại gia đi chơi ghé ăn sáng đó - ông Chín Vinh (Trần Ngọc Vinh, phường Phú Mỹ, Q.7), chủ quán vừa nói vừa nhấp chén trà, trầm ngâm - Tôi ngồi đây, nhìn họ rồi suy nghĩ không biết mấy bữa nữa mình sẽ đi đâu. Cha sinh mẹ đẻ mình ở đây rồi...”.

Nam Sài Gòn - 20 năm đổi thay (Kỳ 4) - 1

Mưu sinh bên những cao ốc

Ông Chín Vinh cứ mãi nhớ những cánh đồng của gia đình ông, những cơn mưa đầu mùa rửa phèn xong thì gieo mạ, “đất vùng này nhiễm mặn nhưng ruộng nhà tôi lúa cũng tốt, gặt về đủ cho nhà ăn cả năm, còn dư thì bán”, mùa hè thì thành sân banh.

“Từ thời ông cố, ông sơ tôi cũng đã ở đây, thành quê hương bản quán ở đây, cứ tưởng sẽ như vậy hoài đó chớ, không ngờ những thay đổi lại diễn ra nhanh đến chóng mặt”, ông Vinh lặp đi lặp lại.

Mới ngày nào nghe thấy tiếng máy xúc, máy ủi san nền bên Tân Thuận, rồi nhà cao tầng dần dần mọc lên bên Tân Phong, rồi chẳng bao lâu con đường Nguyễn Lương Bằng phóng thẳng tới Phú Mỹ ngang những thửa ruộng nhà ông.

“Cả khu ruộng lầy này thoắt cái trở thành khu nhà giàu. Còn khoảnh đất ven rạch Ông Đội này thôi, quy hoạch treo nhiều năm nay rồi, sau đợt khó khăn, khủng hoảng kinh tế này chắc họ làm tới nơi, rồi mình cũng phải đi. Nghèo không có điều kiện để ở lại, nhưng mà quyến luyến lắm chớ, rời bỏ đất này ra đi nào phải dễ...”, ông Vinh cứ nhắc mãi về những kỷ niệm, những gắn bó mấy đời ông bà tổ tiên với khoảnh đất bạc màu.

Bên ly cà phê, ông hàng xóm Tư Nghiêm (Nguyễn Văn Nghiêm, phường Phú Mỹ, Q.7) trầm ngâm: “Thửa ruộng của tôi giờ là Trường Nam Sài Gòn đó. Khi xưa một vụ trồng lúa, một mùa bỏ hoang, giờ thấy trường học rộng đẹp, học sinh tấp nập ngày ngày cũng vui. Xã hội thì phải có người nghèo người giàu, thay đổi là điều tất nhiên, nhưng nhiều lúc nghĩ cũng buồn cho mình. Không còn ruộng, tôi vào cảng Bến Nghé lái xe nâng, mấy đứa con đi làm công nhân, tiền đền bù mang sang Cần Giờ mua lại một thửa đất thì ít lâu sau lại gặp quy hoạch đường 60m. Giờ còn căn nhà nhỏ xíu này thôi, giờ nào dự án lấy nốt thì đi...”.

Bà Khắc, vợ ông Tư Nghiêm, cứ cười hoài nụ cười hồn hậu của người miền Tây: “Cũng một mảnh đất, mình sinh sống ở đây mà nghèo hoài, họ mới tới thì giàu quá giàu. Thôi mình đi chỗ khác, không tiền thì về quê”.

Khu nhà còn khoảng mười hộ ọp ẹp, nóng hực giữa mùa hè, có chỗ phải che nilông hứng mưa vì đã lâu không được phép xây sửa do quy hoạch. Nắng lên, bóng những khu chung cư đối diện đổ chếch, phủ trùm xuống. Khi từ giã, ông Tư Nghiêm dặn: “Mai mốt xóm này có dọn đi hết thì cái đình Phú Mỹ này vẫn còn, mỗi năm hai lần tụi tôi về cúng, 16 tháng giêng và 16 tháng mười, nhớ xuống chơi nghen...”.

Nam Sài Gòn - 20 năm đổi thay (Kỳ 4) - 2

Tương lai nào cho người giàu, cơ hội nào cho người nghèo?

Người mới

Xuôi theo đại lộ Nguyễn Văn Linh qua cầu Ông Lớn là sang địa bàn huyện Bình Chánh. Các dự án khu dân cư đã, đang và chuẩn bị xây dựng nối nhau lô nhô. Những khoảng chưa có dự án, trên các ao cá, ao rau cũng nhấp nhô người. Người vớt cá lên bán từng rổ, người cắt rau nhút bán từng mớ, người thuê cần câu mua vài phút thư giãn. Trong khu nhà lá, nhà tôn lụp xụp, tạm bợ, hầm hập hơi nắng dưới chân cầu Xóm Củi ngày chủ nhật đầy người.

Ông Tư Thanh (Trần Văn Thanh, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) áo vắt trên vai đang ngồi tính mấy thước ống nhựa, mấy cuộn băng keo để sửa lại đoạn ống nước bị vỡ. Thấy có người hỏi thăm, ông gọi vợ. Bà Tư chui ra từ một căn phòng nhỏ xíu cuối dãy chỉ mấy ao nước trước mặt: “Má tôi có vài công ruộng, hồi đó cũng làm lúa thôi. Từ hồi đường phóng qua đây, dự án đến cắm đất rồi, đang thương lượng. Má cho người ta thuê ruộng, đào ao nuôi cá kiểng, còn tí đất trên bờ, vợ chồng tôi dựng mấy cái phòng cho thuê. Người tứ xứ tới đây nhiều lắm”.

Mỗi căn phòng chỉ hơn 10m2, tường gạch, mái tôn, quần áo, nồi xoong, bếp dầu bếp củi lỉnh kỉnh, giá 650.000 đồng/tháng. Một anh thanh niên đang vơ nắm cỏ chà nhớt mấy con cá đồng nhỏ xíu mới bắt được vẻ thành thạo trước nhà. Hỏi, anh thủng thẳng: “Tôi ở dưới Sóc Trăng lên, làm nghề chăm sóc cây xanh trong mấy khu dân cư. Thuê nhà ở đây cực chút nhưng rẻ, lại gần chỗ làm, khi nào giải tỏa lại đi thôi”. Trong khu này có thể gặp được đủ người đủ nghề: công nhân khu chế xuất, công nghiệp, công trường xây dựng, lái xe, dọn nhà, chăm cây kiểng... những công việc đã sinh ra theo con đường này.

Bên kia đường, trước những khu đất đang chờ dự án lại ngổn ngang các vựa phế liệu. Một dạo tôi hay gặp một cô bé nhỏ xíu, đen giòn, lanh lẹ, tay cầm cái bao đi bộ dọc đường, thỉnh thoảng lại ghé vào một quán xin nước uống. Bé kể rành rọt: “Con tên Thư (Lê Minh Thư - NV), ở Vĩnh Long theo ba mẹ lên đây. Sáng con đi phụ bán bánh mì với má nuôi tuốt trên chỗ cầu Đỏ (cầu Ông Lớn - NV), trưa ăn cơm rồi con đi bộ về, vừa đi vừa lượm ve chai.

Tới nhà thì cũng nhặt được cả bao, bán phụ mẹ nuôi em. Nhà con là cái chòi che bạt màu xanh...”. Lâu nay không thấy bóng Thư, tôi đi tìm cái chòi màu xanh, hỏi thăm các vựa phế liệu, gần suốt con đường ai cũng biết con nhỏ lanh lẹ, dễ thương. Cuối cùng đã tìm được đúng căn chòi che bạt màu xanh, nhưng chỉ có mẹ Thư và đứa em trai nhỏ ở nhà. Giọng người phụ nữ trẻ buồn rượi: “Tôi gửi Thư cho người ta để nó được đi học rồi, giờ nó ở quận 8. Làm cha mẹ mà không nuôi được con, để nó lang thang thật là có tội. Có người thương, nhận nuôi cho nó đi học, lâu lâu rảnh hai vợ chồng lại chạy xuống thăm. Ở với người ta nó lên được mấy ký rồi”. Gọi điện thoại xin nói chuyện với Thư, cô bé ríu rít: “Giờ con được đi học rồi, lớp 1, lớn nhất lớp nên được làm lớp trưởng. Tối con đi bán kẹo cao su ở cầu Ánh Sao”.

Những em bé có tuổi thơ lầm than như Thư có thể gặp ở những khu nhà trọ tạm bợ dọc đường Nguyễn Văn Linh nhiều lắm. Như Kim Thu sáng 4h dậy phụ mẹ bán bánh ướt rồi đi học trong nỗi nơm nớp “sẽ phải nghỉ bất cứ lúc nào nếu mẹ không lo nổi” vì khoản tiền thuê nhà mới là ưu tiên số một.

Vậy mà Thu học giỏi, suốt mấy năm cấp II đều nhất lớp. Vừa rồi Thu đã thi đủ điểm vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhưng rồi bàn đi tính lại mẹ Thu bảo: “Chắc không lo nổi”, Thu thì nói “Con được đi học tiếp là may mắn lắm rồi” và vui vẻ nộp hồ sơ vào Trường cấp III Lương Văn Can. Trường học hai buổi nhưng em tự làm đơn xin chỉ học một buổi chính khóa (buổi chiều), “để mẹ bớt được một phần học phí và đỡ cực khi phải dậy sớm một mình”.

Những cư dân tạm cư trên đường Nguyễn Văn Linh này hầu hết đều từ các tỉnh miền Tây đến. Ruộng vườn miền Tây cũng đang biến dần thành những dự án đô thị hóa, có phần lại bị “bà thủy nuốt” vì biến đổi khí hậu. Những mầm hi vọng vẫn đang được họ vun trồng.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Vũ (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN