Mỹ: Bắt hàng ngàn tội phạm nhờ tài vẽ phác họa
Tài năng, sự kiên nhẫn và lòng cảm thông đã giúp họa sĩ pháp y này làm được những điều không tưởng để bắt hàng ngàn tội phạm.
Đối với lĩnh vực khoa học hình sự, để phá được một vụ án và tìm ra tên tội phạm gây ra tội ác đòi hỏi rất nhiều công sức, trí tuệ và nỗ lực của các điều tra viên cùng với sự hỗ trợ đắc lực của các thiết bị, công cụ và kỹ thuật điều tra khác. Bên cạnh súng và phù hiệu, lực lượng cảnh sát trên toàn thế giới còn có một vũ khí sắc bén khác để vạch mặt bọn tội phạm, đó chính là các họa sĩ pháp y.
Kỹ thuật vẽ pháp y là sự kết hợp tài tình giữa nghệ thuật với lực lượng hành pháp và các quy trình pháp lý. Kỹ thuật này có thể gồm rất nhiều hoạt động như phác thảo chân dung qua lời kể nhân chứng, vẽ hiện trường vụ án, chỉnh sửa hoặc nhận dạng hình ảnh, vẽ tại tòa án, mô tả bằng chứng hoặc hỗ trợ pháp y nhận diện khuôn mặt, trong đó nổi bật nhất là hoạt động xây dựng chân dung tội phạm qua lời kể nhân chứng.
Hầu hết các chuyên gia vẽ pháp y trong các lực lượng hành pháp trên thế giới đều là các cảnh sát làm thêm “nghề phụ” và thường không được trả thêm phụ cấp cho công việc này. Chỉ có rất ít họa sĩ chuyên nghiệp cống hiến toàn bộ thời gian để vẽ ra những bức chân dung giúp lực lượng cảnh sát nhanh chóng phá án, vạch mặt hung thủ. Một trong những họa sĩ pháp y thành công nhất thế giới hiện nay chính là cô Lois Gibson ở Mỹ.
Nữ họa sĩ pháp y thành công nhất thế giới Lois Gibson
Năm 2005, Lois Gibson đã được Sách Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận là họa sĩ pháp y thành công nhất thế giới với hơn 1.266 vụ án được phá nhờ các bản phác thảo chân dung của cô. Trong hơn 20 năm qua, những bức họa tài tình của cô đã giúp lực lượng cảnh sát Texas lần ra tung tích của hàng trăm tên sát nhân, yêu râu xanh và kẻ bắt cóc.
Gibson đến với nghề họa sĩ pháp y từ một biến cố vô cùng khủng khiếp trong cuộc đời. Khi mới trưởng thành, cô gái trẻ Gibson từ vùng quê Kansas tìm đến “thành phố của những thiên thần” Los Angeles để nuôi mộng trở thành một diễn viên. Một đêm nọ, một gã đàn ông lân la đến gõ cửa nhà cô, và khi cô mở cửa, hắn tự xưng là một trong những hàng xóm của cô gái trẻ này.
Gã đàn ông này đã bất ngờ đánh đập cô đến bất tỉnh rồi cưỡng bức cô và tiếp tục hành hạ cô đến gần chết. Tuy nhiên vì quá xấu hổ nên cô không dám báo với cảnh sát, tuy nhiên cô vẫn nung nấu trong đầu ý tưởng tìm lại công lý cho bản thân mình.
Thế rồi sáu tuần sau, trong khi cô đang lái xe xuống phố, số phận run rủi khiến cô rẽ nhầm vào một con phố, và ở đây cô nhìn thấy gã đàn ông đã tấn công mình đang bị cảnh sát bắt giữ. Khi hắn ta chống cự và đánh lại cảnh sát, hai viên sĩ quan mặc đồng phục đã sử dụng vũ lực để khống chế hắn. Nhìn cảnh kẻ đã tấn công mình bị cảnh sát trừng phạt, cô gái trẻ cảm thấy công lý đã được thực thi, và cô trở nên hứng thú với công việc bảo vệ pháp luật.
Sau khi chuyển đến San Antonio và lập gia đình, Gibson theo học một khóa về hội họa và được cấp bằng. Cô cũng theo học một trường nha khoa, và mặc dù việc học không khiến cô thấy hứng thú nhưng nó đã cung cấp cho cô những kiến thức hữu ích về cấu trúc hộp sọ phục vụ cho công việc sau này. Với tài năng của mình, cô làm nghề vẽ chân dung cho du khách tại các điểm du lịch, và đã vẽ chân dụng cho hàng ngàn người với mức thu nhập lên tới 500 USD/ngày.
Một hôm cô tới nhà một người bạn chơi và nghe tin có một huấn luyện viên vũ đạo bị cưỡng hiếp ngay trước mặt các học trò nhỏ của mình. Lúc đó cô nhận ra rằng cô có thể sử dụng khả năng của mình để vẽ chân dung của hung thủ với hy vọng cảnh sát sẽ bắt được hắn, và điều đó sẽ giúp cô nguôi ngoai đi nỗi đau trong quá khứ.
Tuy nhiên cô phải chứng minh được khả năng của chính bản thân mình. Một người bạn của cô đã giúp cô kiểm nghiệm bằng cách vào một trạm xăng, nhìn mặt một nhân viên và sau đó ra ngoài mô tả lại bằng lời để cô vẽ lại trên giấy, và tấm chân dung phác thảo này gần như y hệt với nhân viên đó.
Gibson dùng chì màu phác họa chân dung một tên tội phạm
Cô đã tìm tới đồn cảnh sát ở Houston và yêu cầu họ cho mình được thử sức. Vào thời điểm đó, Sở cảnh sát Houston vẫn chưa có họa sĩ pháp y, thế nên họ đã cho phép cô được làm thử xem sao, mặc dù họ vẫn chưa tin vào khả năng của cô. Tuy nhiên những bức họa của cô đã thuyết phục được cả sở cảnh sát, và chính những bức họa đó đã giúp họ bắt được nghi phạm của hơn 30% số vụ án mà cô tham gia, với tổng cộng hơn 1000 tên tội phạm bị tóm.
Tuy nhiên để đạt được thành công trong công việc phác họa chân dung tội phạm, chỉ riêng bàn tay tài hoa của người họa sĩ thôi là chưa đủ, mà họ phải làm công việc này với một đôi tai và giọng nói đầy cảm thông và hỗ trợ để giúp nạn nhân và nhân chứng mở lòng.
Trong một cuộc phỏng vấn, Gibson cho biết: “100% nhân chứng đều nói rằng họ không thể nhớ đủ nhiều để tạo nên được bức chân dung của thủ phạm. Công việc của tôi là phải tìm cách để họ có thể nhớ ra được những điều cuối cùng mà họ có thể nhớ được. Đó là lúc tôi đang ngồi với những người vừa phải chứng kiến điều tồi tệ nhất trong cuộc đời.”
Nếu nạn nhân hoặc nhân chứng nhìn rõ được mặt hung thủ, Gibson tin rằng cô có thể động viên họ đưa ra những mô tả chân thực nhất của thủ phạm, ngay cả đối với những nhân chứng rụt rè nhất, và sau đó biến những mô tả đó thành những nét vẽ xuất thần.
Nghi phạm Rodriguez là một trong 4 tên cướp đã nổ súng sát hại một cảnh sát trong vụ cướp nhà băng ở Houston. Hắn ta đã nhảy vào xe của một phụ nữ trong quá trình chạy trốn. Khi người phụ nữ này quay đầu lại, bà nhìn thấy một khẩu súng trường dí vào mặt mình, và bà tuyên bố chưa nhìn thấy mặt hắn. Thế nhưng bằng tài năng của mình, Gibson đã phác thảo được chân dung của hắn (bên trái) gần như giống hệt nghi phạm này.
Vụ án mà Gibson nhớ rõ nhất có lẽ là biến cố kinh hoàng đã xảy ra với viên cảnh sát Paul Deason ở Sở Cảnh sát Houston. Một ngày nọ, Paul dừng một phương tiện vi phạm luật giao thông để ghi vé phạt bình thường. Thế nhưng tay lái xe đã bất ngờ rút súng và bắn hai phát vào đầu và lưng viên cảnh sát này.
Sau khi Paul bất tỉnh và ngã xuống đường, gã tài xế quay trở lại xe và rồ máy cán qua người anh. Paul đã bị kéo lê dưới gầm xe hơn 16 mét mới văng ra được khỏi gầm xe. Thế nhưng viên cảnh sát này vẫn kiên cường đến mức tự lết trở về xe tuần tra của mình và gọi người giúp đỡ. Khi lực lượng cứu viện đến nơi, Paul đã bất tỉnh, và gan của anh đã bị viên đạn phá hủy hoàn toàn.
Vài ngày sau, Sở Cảnh sát Houston đã gọi Gibson tới gặp Paul trong bệnh viện để vẽ chân dung của hung thủ. Lúc này Paul vừa trải qua cuộc đại phẫu, toàn thân quấn băng trắng toát như xác ướp và sức khỏe vẫn đang rất yếu. Anh nói chuyện với Gibson trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, và anh nói rằng không nhìn thấy mặt của hung thủ.
Tuy nhiên bằng những kỹ năng, tài hoa và lòng cảm thông sâu sắc của mình, Gibson đã khéo léo gợi lại những mẩu ký ức của Paul, từ đó dần dần phác họa ra chân dung của hung thủ. Cảnh sát đã tiếp nhận bức chân dung này, và hai ngày sau, họ bắt được một gã đàn ông đang tìm cách ăn cắp một chiếc cưa máy ở một cửa hàng.
Năm 1991, tên tội phạm Dutton vượt ngục khi đang thụ án chung thân vì tội hiếp dâm. Trong quá trình chạy trốn, hắn đã nổ súng bắn một cảnh sát, và viên cảnh sát này đã mô tả lại hình dáng của Dutton để Gibson vẽ phác thảo. Hiện Dutton đang phải ngồi tù với 2 án chung thân liên tiếp.
Khi cảnh sát đưa tên này về nhà giam của đồn, hai cảnh sát canh gác cho rằng tên trộm này trông rất giống với bức chân dung mà Gibson đã phác họa từ lời kể của Paul. Họ đã tổ chức một cuộc nhận diện qua video cho Paul, và anh đã chỉ ra đúng tên này trong số nhiều người được triệu tập.
Cảnh sát đã quay trở lại hiện trường tại cửa hàng và khám nghiệm chiếc xe của nghi phạm. Ở dưới gầm xe, họ đã phát hiện những mẫu da và vải đồng phục của Paul vẫn còn dính vào đó, và đây là những bằng chứng thuyết phục nhất để họ bắt giữ tên này với tội danh giết người.
Gibson cho biết: “Trong số 1.266 tên tội phạm mà tôi từng giúp cảnh sát bắt giữ bằng cách vẽ chân dung bọn chúng, tất cả những nhân chứng mà tôi gặp gỡ lúc đầu đều bảo tôi rằng họ không thể nhớ được gì cả. Nhưng tôi đã giúp họ nhớ lại được.”
Là một người đã từng trải qua những giây phút tuyệt vọng nhất dưới bàn tay tàn bạo của tên tội phạm, Gibson hoàn toàn thấu hiểu và cảm thông, từ đó biết lựa chọn những từ ngữ thích hợp để khích lệ nạn nhân vượt qua cơn chấn động để giúp cảnh sát nhanh chóng bắt được hung thủ.
Bản phác thảo này vẽ chân dung của một nghi phạm bị kết tội hiếp dâm một bé gái vào năm 1990. Tên Raiford đã phải ra đầu thú khi nhìn thấy bản phác thảo chân dung do Gibson vẽ được cảnh sát công bố.
Cảnh sát trưởng Charles McClelland thuộc Sở Cảnh sát Houston ca ngợi: “Gibson là một thiên tài kiệt xuất. Tôi đã từng chứng kiến những vụ nạn nhân chỉ nhớ được rất ít khi trả lời câu hỏi của cảnh sát, thế nhưng sau khi trò chuyện với Gibson khoảng 4-5 giờ đồng hồ, cô ấy có thể vẽ ra được bức chân dung vô cùng chính xác.”
Hiện nay, cô phác họa ra khoảng 100 bức chân dung tội phạm mỗi năm, ít hơn so với 300 bức mỗi năm trong thời kỳ đầu những năm 1990. Gibson ước tính cứ ba bức tranh mà cô vẽ ra thì có một bức dẫn tới việc bắt giữ nghi phạm, tuy nhiên các sĩ quan cảnh sát ở Houston thì cho rằng con số này trong thực tế còn cao hơn rất nhiều.