Mối nguy kinh doanh xăng dầu không phép
Đại diện Công ty CP thương mại và vận tải Petrolimex Hà Nội nhìn nhận, vụ việc lái xe Nguyễn Văn Dinh bị lực lượng chức năng bắt quả tang đang hút trộm xăng trong xe stec để bán cho tư nhân là “hy hữu” và “lần đầu tiên bị phát hiện trong nhiều năm trở lại đây”.
Tuy nhiên, điều này chưa thỏa đáng nếu đặt câu hỏi về nguồn gốc khoảng 600 lít xăng được chứa tại nhà bà Nhàn, ngõ 53 phố Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội.
Tích tiểu thành đại
Trong công văn gửi báo chí ngày 19/9, Phó giám đốc Công ty CP thương mại và vận tải Petrolimex Hà Nội, ông Phạm Quốc Hùng nêu rõ: “Vào lúc 8h30 ngày 17/9, Đội QLTT số 16 kết hợp với CAQ Long Biên đã bắt quả tang lái xe Nguyễn Văn Dinh được giao nhiệm vụ điều khiển xe ô tô stec BKS: 29C-170.25 đã có hành vi làm đứt kẹp chì van xả đáy, lấy cắp xăng RON92 trên stec và bán cho bà Nhàn ở ngõ 53 phố Đức Giang, quận Long Biên. Ngay sau sự việc xảy ra, chiều cùng ngày, Công ty chúng tôi đã có buổi làm việc cùng với CAQ Long Biên tổ chức kiểm tra xe và đo tính lượng xăng trên xe thiếu hụt 13 lít, trong đó bao gồm 2 lít xăng cơ quan công an lấy để làm hóa nghiệm”.
Theo thông tin chúng tôi có được, xe stec do lái xe Nguyễn Văn Dinh điều khiển vừa nhập khoảng 13.000 lít xăng và đang trên đường vận chuyển đến các cây xăng. Điều đáng nói, vị trí nơi lái xe Dinh dừng để rút trộm, bán xăng chỉ cách kho xăng… vài chục mét.
Đầu ngõ 53 phố Đức Giang luôn tấp nập xe stec chở xăng dầu
Đại diện Công ty CP thương mại và vận tải Petrolimex Hà Nội cho biết, đơn vị này lâu nay áp dụng quy trình rất chặt chẽ đối với hoạt động nhập và vận chuyển xăng, dầu từ kho đến các địa điểm tiếp nhập. Quy trình đó đảm bảo đủ về chất lượng, số lượng hàng vận chuyển trên mỗi xe stec, thông qua việc niêm phong - kẹp chì đường ống nhập - xuất xăng, dầu. Nhận xét hành vi của lái xe Nguyễn Văn Dinh là “hy hữu”, bởi theo đại diện Công ty này, nếu không bị lực lượng công an - quản lý thị trường bắt quả tang, thì khi đến điểm giao hàng, nhân viên cây xăng cũng sẽ phát hiện, do kẹp chì đã bị giật đứt. Và trong tình huống như vậy, nhân viên cây xăng sẽ lập biên bản, không tiếp nhận xăng đồng thời báo cáo về đơn vị chủ quản.
Đại diện Công ty CP thương mại và vận tải Petrolimex Hà Nội cho biết, lâu nay, hiện tượng thất thoát xăng, dầu là có, nhưng số lượng rất ít, chủ yếu là hành vi tư nhân mua gom, mua vét xăng, dầu từ các xe hàng sau khi kết thúc hành trình giao nhận.
Bà Nguyễn Thị Minh Hiền - Phó Giám đốc Công ty xăng dầu khu vực I phản ánh, cách đây vài năm trước, dọc tuyến phố Đức Giang thường xuất hiện tràn lan xe stec dừng đỗ. Đó là các xe đã đi giao hàng về nhưng vẫn đỗ trên đường, vô ý và cố ý. Việc dừng đỗ ấy của nhiều xe như sự thỏa ước giữa lái xe với một số cá nhân “chuyên nghiệp” trong lĩnh vực mua bán xăng, dầu vét. Lượng xăng, dầu lắng đọng ở van xả rốn của xe lúc này sẽ được rút ra, và thường được bán với giá rẻ.
Trước tình trạng đó, Công ty xăng dầu khu vực I phối hợp với Thanh tra GTVT, CAP Đức Giang và CAQ Long Biên đã tổ chức cắm biển cấm dừng đỗ xe, đồng thời bố trí khu vực tập kết cho các xe đỗ sau khi kết thúc vận chuyển hàng. Theo bà Hiền thì từ sau khi áp dụng những biện pháp đó, cùng với những biện pháp kiểm tra của đơn vị kinh doanh - vận tải xăng, dầu hiện tượng mua bán xăng, dầu vét đã giảm hẳn.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, đã và đang có những nguồn “tuồn” xăng, dầu lén lút, không đơn thuần là mua vét, quanh khu vực kho xăng Đức Giang trên phố Đức Giang. Bằng chứng là vụ lái xe Nguyễn Văn Dinh “hút” dễ như bỡn 11 lít xăng từ stec gần 13.000 lít; và bằng chứng khác là số lượng 800 lít xăng, dầu trong nhà hộ dân ở ngõ 53 Đức Giang.
Nguy cơ hiển hiện
Hộ dân ở ngõ 53 phố Đức Giang chắc chắn không phải nơi duy nhất ở khu vực này tích trữ xăng, dầu trong nhà. Và đây cũng không phải là “địa chỉ” thu mua xăng vét duy nhất ở địa bàn này. Mục đích tích trữ xăng dầu của các cá nhân này để làm gì? Câu hỏi ấy đang được cơ quan chức năng xác minh. Nhưng có thể nhận định một trong những “đường đi” của xăng, dầu vét, là sẽ được bán tiếp cho các điểm bán xăng, dầu lẻ. Không thể xem thường lợi nhuận từ việc mua xăng vét, bán theo giá xăng cây, bởi người tiêu dùng không có cơ hội nhận biết chất lượng xăng, dầu.
Bên cạnh hành vi mua bán xăng, dầu không phép, mối nguy hiểm thường trực là có thể xảy ra cháy nổ trong quá trình hút, vét xăng, dầu cặn, cũng như khi những “quả bom” xăng được tích trữ trong nhà dân. Đem vấn đề này trao đổi với cán bộ cơ sở phường Đức Giang, chúng tôi nhận được hai câu trả lời. Thứ nhất, từng phát hiện, bắt quả tang hành vi mua xăng, dầu vét nhưng không xử lý được vì không có chế tài. Thứ hai, chính quyền cơ sở cũng đã biết việc một số cá nhân tích trữ xăng, dầu trong nhà; và cũng đã nhắc nhở, răn đe, nhưng vẫn có hộ dân không chấp hành (?!). Tổng kho xăng, dầu Đức Giang lâu nay được xác định trọng điểm về công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ. Những biện pháp để đảm bảo sự an toàn ấy có thể nói được triển khai kỹ càng, trong khuôn viên tổng kho. Nhưng không có nghĩa bên ngoài tổng kho, trục phố Đức Giang, giới hạn an toàn bị xem nhẹ. “Ăn theo” xăng, dầu đã và đang là một “nghề”, một “dịch vụ” kiếm ăn được của không ít cá nhân xung quanh tổng kho này…