Mỗi người nên có tối đa bao nhiêu thẻ ngân hàng?

Tốt nhất chỉ cần 4 thẻ, giao dịch với 2 ngân hàng để giảm rủi ro tài chính, chuyên gia tài chính – ngân hàng nêu quan điểm.

Theo số liệu từ Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, doanh số giao dịch qua thẻ ngân hàng đang tăng trưởng vượt trội. Trong 9 tháng đầu năm, doanh số giao dịch qua ATM đạt gần 917.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Các ngân hàng phát hành được 76,1 triệu thẻ, trong đó thẻ nội địa chiếm gần 90%.

Mỗi người nên có tối đa bao nhiêu thẻ ngân hàng? - 1

Dùng nhiều thẻ ngân hàng sẽ tăng khả năng rủi ro tài chính

4 thẻ ngân hàng, tài khoản dưới 100.000 đồng

Sinh viên Nguyễn Huy Phong, Đại học Kinh tế Quốc Dân cho biết, Phong có 4 thẻ ngân hàng, trong đó có 1 thẻ tín dụng, 3 thẻ còn lại không có tiền.

“Cũng giống như số thuê bao di động, bạn bè em sở hữu mấy cái thẻ ngân hàng liền”, Phong nói.

Phong cho biết, cậu bạn cùng phòng có tới 4 thẻ ngân hàng, nhưng không thẻ nào có tài khoản quá 100.000 đồng. Mỗi lần chuyển phòng trọ tới điểm mới, bạn này lại làm thêm 1 thẻ ngân hàng gần đó để tiện giao dịch. Tới nay, bạn này đôi khi cũng không nắm rõ mình đang có thẻ của những ngân hàng nào.

Chị Trần Thị Thúy, đang làm tại một công ty du lịch khu phố cổ Hà Nội, cho biết chị có 4 thẻ tín dụng. Trong số này, có 3 thẻ tín dụng chị chưa bao giờ dùng tới.

“Đôi khi nhu cầu không có nhưng nhân viên ngân hàng chào mời, có người lại làm tất cả giai đoạn, mình chỉ việc ký nên cứ đồng ý làm luôn, phòng sau này có việc”, Thúy nói.

Không cần giao dịch quá 2 ngân hàng

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng những con số 76 triệu thẻ cho thấy hệ thống thanh toán phi tiền mặt của Việt Nam càng ngày càng mở rộng. Đó là sự cần thiết cho một nền kinh tế phát triển.

Mỗi người nên có tối đa bao nhiêu thẻ ngân hàng? - 2

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng (ảnh: Infonet.vn)

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, “nhiều ngân hàng phát hành thẻ bừa bãi, giao chỉ tiêu cho nhân viên”. Những thẻ không sử dụng gây lãng phí cho ngân hàng và tăng nguy cơ rủi ro tài chính cho khách hàng.

Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng này, một người nên có 2 loại thẻ là thẻ ghi nợ (thường gọi thẻ ATM) và thẻ tín dụng, tốt nhất chỉ cần giao dịch với 2 ngân hàng.

“Trên nguyên tắc, một người nhiều nhất cũng chỉ nên có 6 thẻ. Còn tốt nhất chỉ cần 4 thẻ cho 2 ngân hàng”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, dùng quá nhiều thẻ khiến khó kiểm soát được chi tiêu lại tăng rủi ro tài chính. Nhiều hacker không bắt buộc phải có thẻ mà chỉ sử dụng các phần mềm để đi vào hệ thống ngân hàng lấy tiền. Vì thế càng nhiều thẻ càng nhiều rủi ro.

Ví dụ, khi thẻ tín dụng bị mất, người nhặt được thẻ có thể chi tiêu tới mức tối đa của thẻ (thường là 3 tháng thu nhập của người mất). Lúc này người mất hoặc phải trả cho ngân hàng một lúc số tiền lớn như thế, hoặc chia nhỏ để trả từng phần. Nếu trả từng phần thì sẽ chịu lãi rất lớn.

Nhưng nếu chỉ giao dịch với 1 ngân hàng thì không đủ vì nếu gặp trục trặc với ngân hàng đó hoặc số tiền giao dịch đã tối đa thì khách hàng sẽ gặp khó khăn. Vì thế nên có 4 thẻ cho 2 ngân hàng là hợp lý nhất.

Ông Hiếu cho biết, theo kinh nghiệm của nhiều nước, dùng thẻ ghi nợ giúp kiểm soát được chi tiêu nhờ bản sao kê qua tin nhắn của ngân hàng. Khách biết đã chi tiêu bao nhiêu cho những khoản nào và kiểm soát tiền tốt hơn.

Nếu dùng tiền mặt, ông Hiếu chia sẻ kinh nghiệm, sau khi lĩnh lương về, nên chia đều ra 4 phong bì cho 4 tuần. Khi mỗi tuần dùng hết đúng số tiền trong 1 phong bì tức là đúng kế hoạch. Nếu tuần nào hụt, phải lấy vào tuần sau thì biết mà kiểm soát.

Riêng đối với thẻ tín dụng, vị chuyên gia cho rằng phải đặc biệt chú ý. Thẻ này tạo điều kiện cho người ta sử dụng tiền vay trước. Đối với 2 hình thức trên, nếu dùng hết tiền thì không còn gì dùng nữa. Nhưng giờ có thẻ tín dụng rồi, trước chương trình khuyến mãi hấp dẫn nào đó, không cưỡng lại được thì dễ dàng tiêu đi và mang nợ. Nợ này nếu không trả đúng thời hạn sẽ chịu lãi cao.

Để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả ông Hiếu đề xuất: a) ghi sổ chi tiêu hằng tháng, b) để dành mỗi tháng 10-20% thu nhập sau thuế và bỏ vào một tài khoản tiết kiệm, c) không bao giờ dùng thẻ tín dụng để trang trải chi phí hằng ngày như đi chợ, đổ xăng. Nếu đã thanh toán bằng thẻ tín dụng thì khi nhận được thông báo của ngân hàng thì trả ngay, không mang nợ, và d) thẻ tín dụng chỉ nên sử dụng để chi tiêu những món hàng không thường xuyên, như mua máy móc trang thiết bị cho nhà cửa, chi phí bệnh viện. Sau khi ngân hàng thông báo số nợ phải có kế hoạch trả nợ. Theo ông Hiếu, không làm những điều này thì 90% là chúng ta sẽ rơi vào tình trạng nợ nần không lối thoát, và nhất là sau 20-30 năm đi làm kiếm tiền thì vẫn chưa có một tài sản nào đáng kể để khi về hưu được hưởng một cuộc sống an nhàn và an toàn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Tân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN