Minh bạch viện phí, dân đỡ bức xúc
Gần một tháng khung giá viện phí mới chính thức được áp dụng tại các BV tuyến Trung ương, trong lúc hầu hết người bệnh vẫn chưa cảm nhận thấy quyền lợi của mình được nâng cao hơn chút nào khi viện phí tăng thì hàng ngày, hàng giờ, họ vẫn đang phải “nhắm mắt” chi trả khoản tiền khám chữa bệnh đã bị đội giá lên cao.
Bệnh nhẹ khổ ít, nặng khổ nhiều
Ngày làm việc cuối tuần, BV Bạch Mai vắng hơn đáng kể so với ngày thường. Ngay đầu nhà khoa Khám bệnh, một tấm biển thông tin mới được dựng lên, trên đó treo 2 tập giấy khổ A4 in chi tiết giá các dịch vụ y tế mới được BV điều chỉnh từ ngày 16/7 theo khung giá viện phí mới. Dù vị trí của bảng thông tin rất thuận lợi cho tầm nhìn nhưng theo quan sát của chúng tôi, trong cả buổi sáng chỉ lác đác một vài bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ngó nghiêng đôi chút. Cách đó không đến 5 mét, bà Nguyễn Thị Gái (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngồi bệt trên nền hè, lật lật đống giấy tờ, vẻ mặt đầy ưu phiền. Hỏi chuyện, bà Gái giãi bày: “Tôi bị bệnh tiểu đường mãn tính nên tháng nào cũng đến BV khám định kỳ. Những lần trước, trừ khoản được BHYT thanh toán 80%, tính cả tiền mua thuốc đều hết tròn 180.000 đồng thế nhưng hôm nay hết đến 240.000 đồng. Tôi quay lại hỏi bác sĩ thì được giải thích là do viện phí tăng, tôi cũng chả hiểu ra làm sao”.
Một người bệnh nhìn lại tờ hóa đơn thanh toán phí xét nghiệm máu lên tới 906.000 đồng
Có thể với những trường hợp như bà Gái, số tiền bị đội giá lên chút ít so với trước kia không ảnh hưởng quá nhiều, tuy nhiên với đa phần người bệnh còn nghèo thì việc nâng giá viện phí đã tác động ghê gớm. Có mặt tại khoa Thận nhân tạo - BV Bạch Mai, chúng tôi càng thấu hiểu hơn tình cảnh này. Đến sớm hơn thường lệ, anh Nguyễn Tiến Thỏa (ở Ứng Hòa, Hà Nội) ngồi gục mặt trên ghế ở khu vực chờ, tranh thủ nghỉ ngơi chút ít bởi đúng 10h45 khoa mới mở cửa. Năm nay mới 35 tuổi, ít ai ngờ anh Thỏa đã có thâm niên chạy thận tại BV Bạch Mai đến 9 năm và hiện vẫn phải sống phụ thuộc bố mẹ. Anh Thỏa kể, suốt 9 năm nay, đều đặn mỗi tuần 3 lần, anh bắt xe buýt từ nhà lên BV chạy thận. Do có BHYT hộ nghèo nên thời gian đầu anh được hỗ trợ toàn bộ nhưng sau đó thời gian thì phải đồng chi trả 5% viện phí. Tính ra trung bình một tháng, anh phải nộp cho BV 467.000 đồng.
“Với người bình thường thì vài trăm nghìn chẳng là bao nhưng với những người bệnh như tôi, không làm lụng gì được, vợ con cũng chẳng dám nghĩ đến, toàn bộ chi phí điều trị vẫn nặng gánh lên vai bố mẹ. Bố tôi mỗi tháng được gần 1 triệu tiền lương, mẹ làm ruộng, anh chị em cũng không đỡ đần được nhiều nên… cực lắm”. Anh Thỏa dừng lại giây lát, tay chân run run vì mệt, rồi nói tiếp: “Cách đây khoảng hơn 1 tháng, lãnh đạo khoa mời toàn thể mấy chục bệnh nhân chúng tôi đến hội trường họp để phổ biến về việc viện phí tăng. Họ yêu cầu chúng tôi giữ lại hết các hóa đơn thanh toán những tháng trước đó vì khi viện phí tăng có thể chúng tôi sẽ được hỗ trợ hoặc đại loại sẽ được lợi ích gì đó. Nhưng lợi nào chả thấy, khi BV áp dụng viện phí mới thì chúng tôi cũng phải đóng thêm tiền, trước gần 500.000 đồng thì giờ tăng lên hơn 500.000 đồng/ tháng. Đúng là đã nghèo còn gặp cái eo, khổ lại càng khổ…”.
Sao bảo không phải nộp thêm?
Tại BV K Trung ương, khi hỏi một số bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về chuyện viện phí tăng, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện đầy day dứt. Bà Trịnh Thùy Dung (56 tuổi, ở thành phố Thái Nguyên) kể: “Tôi bị u xơ vú, được BV Thái Nguyên chuyển lên BV K điều trị. Sau khi khám, tôi được chuyển vào khoa và được yêu cầu làm sinh thiết. Dù có BHYT đúng tuyến, lại đặt cọc mấy triệu cho BV rồi nhưng lúc chuẩn bị đi sinh thiết, một y tá của khoa gọi riêng các bệnh nhân vào phòng yêu cầu mỗi người phải nộp 300.000 đồng. “Tôi thấy không minh bạch liền hỏi thẳng cô y tá rằng tôi đọc báo thấy lãnh đạo ngành y tế nói khi viện phí tăng, người bệnh không phải nộp thêm bất cứ khoản nào khác ngoài BHYT thì chị ta sầm mặt lại. Hóa ra tiền này là để… được kết quả nhanh trong 2 ngày, nếu không thì 5 ngày mới có kết quả”.
Bà Nguyễn Thị Đào, có con gái nằm điều trị nội trú tại BV chen ngang câu chuyện: “Ở khoa con tôi nằm cũng thế, cứ một lần truyền dịch là họ thu thêm mỗi người bệnh 30.000 đồng, người bệnh chả hiểu là tiền gì nhưng đều nộp răm rắp. Mấy hôm trước có một bệnh nhân mới vào, cô này vốn là y tá nên khi thấy họ thu phi lý như vậy mới hỏi nguyên nhân thì được y tá của khoa giải thích rằng đây là tiền để họ tiêm thêm thuốc bổ cho bệnh nhân chóng khỏe, không nằm trong tiền viện phí. Thế là chị y tá ấy nhất quyết không nộp 30.000 đồng vì không yêu cầu BV tiêm thêm thuốc bổ vào dịch truyền”.
Chưa hết bức xúc, bà Đào kể tiếp “Cô bệnh nhân y tá ấy tìm hiểu rồi nói với chúng tôi rằng, cái mũi thuốc bổ mà họ tiêm vào dịch truyền cho người bệnh chỉ là thuốc B1, giúp ăn khỏe hơn, giá chỉ khoảng 5.000 đồng…”. Nếu viện phí tăng mà BV thu chi minh bạch, rõ ràng thì người bệnh còn đỡ bức xúc, đằng này họ nhập nhèm, móc túi người bệnh không thương tiếc, dù không phải họ không biết để chạy chữa ung thư, nhiều gia đình người bệnh đã rơi vào cảnh bần hàn, khánh kiệt.
Mỗi thứ hơn một chút sẽ thành thất thoát lớn Khảo sát bước đầu của BHXH Việt Nam sau một tuần thực hiện giá viện phí mới tại nhiều BV trên cả nước cho thấy, có không ít bất hợp lý trong cách xây dựng cơ cấu giá viện phí. Chẳng hạn, thông thường với mỗi 1 xét nghiệm máu chỉ cần 1 xi lanh lấy máu và 1 ống nghiệm đựng máu. Thế nhưng khi xây dựng giá dịch vụ, rất nhiều BV đã đề xuất mỗi chỉ số xét nghiệm lại kèm một ống nghiệm, một xi lanh và một tờ giấy in kết quả khác nhau. Như vậy chỉ với một bệnh nhân thực hiện xét nghiệm sinh hóa máu cần tới 10 ống nghiệm và 10 xi lanh lấy máu. Thậm chí có BV xây dựng cơ cấu viện phí đối với kỹ thuật mở nội khí quản với mức sử dụng 5 ống thuốc gây mê, trong khi thực tế chỉ cần 2 ống… Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam, chỉ cần mỗi dịch vụ bị tính đội lên chỉ 15.000 đồng nhưng có tới gần 2.000 dịch vụ trong kết cấu chi phí và mỗi ngày mỗi BV thực hiện hàng trăm dịch vụ y tế thì số tiền thất thoát sẽ là vô cùng lớn. |