Máy bay J-31 của TQ chỉ là "hổ giấy"

J-31 tuy bề ngoài hoành tráng, nhưng vẫn có gót chân Achilles, đó là phải sử dụng động cơ nhập khẩu từ Nga.

Các nhà bình luận quân sự đánh giá rằng, nếu như động cơ trong nước của Trung Quốc không đủ độ tin cậy, phi đội máy bay chiến đấu tàng hình của họ sẽ tiếp tục phải sử dụng động cơ do Nga sản xuất, trong khi những động cơ này không phải lúc nào cũng đáp ứng đủ số lượng - và mọi biến cố có thể xảy ra bởi Moscow luôn cảnh giác với sức mạnh của Không quân Trung Quốc.

"Sự bất lực của Trung Quốc trong việc tự sản xuất hàng loạt động cơ phản lực đạt hiệu suất cao vẫn tiếp tục là gót chân Achilles của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ nước này", Andrew Erickson, một nhà phân tích chiến tranh hải quân bình luận.

Máy bay chiến đấu J-31 Falcon lần đầu lộ diện vào giữa tháng 9/2012 qua những bức ảnh được chụp tại sân bay nhà máy thuộc Tập đoàn Hàng không Thẩm Dương ở phía Đông Bắc Trung Quốc. Một hình ảnh độ phân giải cao của nó cho thấy rõ ràng nó sử dụng 2 động cơ với thiết kế cửa hút gió rất giống với F-35 của Mỹ. Không có bằng chứng nào cho thấy loại máy bay này đã từng cất cánh.

Máy bay J-31 của TQ chỉ là "hổ giấy" - 1

Bức ảnh độ phân giải cao cho thấy J-31 được lắp 2 động cơ RD-93 của Nga

Sau khi quan sát và so sánh kỹ lưỡng, Biên tập viên Thời báo Hàng không Anh Bill Sweetman kết luận rằng, J-31 đang sử dụng 2 động cơ Klimov RD-93 do Nga chế tạo.

RD-93 chính là loại động cơ được lắp đặt trên loại chiến đấu cơ cổ điển MiG-29 của Nga cũng như biến thể máy bay chiến đấu hạng nhẹ Chengdu JF-17 dành cho xuất khẩu của Trung Quốc. Từ năm 2005, Trung Quốc đã bắt đầu mua ít nhất 100 động cơ như vậy.

Động cơ nhỏ, máy bay ...to

Vấn đề là ở chỗ, máy bay chiến đấu MiG-29 luôn luôn ở "cửa dưới" khi so sánh với các chiến đấu cơ cùng thế hệ thứ 4 của phương Tây.

Không thể nào dựa trên hình ảnh để mà đoán được trọng lượng của J-31, nhưng nếu ước tính một cách hợp lý thì nó ít nhất cũng tương đương MiG-29. Và như vậy J-31 cũng có thể bị thiếu công năng động cơ (khi tải trọng quá với công suất động cơ), đồng nghĩa ra là khả năng chiến đấu thấp và có thể gặp vấn đề về độ an toàn.

Hơn nữa, Nga không phải luôn là nguồn cung cấp động cơ phản lực tin cậy. Trong năm 2010, Moscow đã từ chối một yêu cầu cung cấp các động cơ máy bay chiến đấu mới nhất AL-41 từ Bắc Kinh. Các chuyên gia cho rằng, Quân đội Trung Quốc muốn có AL-41F để tăng sức mạnh cho loại chiến đấu cơ tàng hình J-20 mà ở thời điểm đó họ còn đang phát triển. Thay vào đó, 2 mẫu thử nghiệm máy bay J-20 đã được lắp các động cơ AL-31, và sau đó là các bản sao AL-31 được biết tới với cái tên WS-10.

Trong khi đó, các báo cáo gần đây cho rằng, Trung Quốc đang chi khoảng 1,5 tỷ USD cho chương trình phát triển động cơ phản lực nội địa WS-15 - loại động cơ mạnh tương đương như F119 được lắp đặt trên chiến đấu cơ tàng hình F-22 của Mỹ - ít nhất là để tăng thêm sức đẩy cho các chiến đấu cơ J-20 sau này.

Chỉ là "hổ giấy"

Trung Quốc sẽ có thể sẽ thực hiện một cách tiếp cận tương tự như J-31, ông Sweetman suy đoán. Chiến đấu cơ tàng hình mới có thể sẽ không có đủ sức mạnh với động cơ RD-93 của Nga cho tới khi họ (Trung Quốc) có thể tự phát minh ra một động cơ mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, theo nhận định mà Andrew Erikson đưa ra năm ngoái thì phải ít nhất 5-10 năm nữa, Trung Quốc mới có thể sản xuất ổn định các động cơ phản lực ưu việt như F-119.

Do đó, dù Không quân Trung Quốc liên tục thử nghiệm các mẫu J-20 và J-31 và các máy bay trên có được sản xuất nhiều như thế nào đi chăng nữa thì chúng, dù nhìn rất hoành tráng, vẫn chỉ là những "con hổ giấy" vì được trang bị động cơ không đủ mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Phạm (WR/Kiến Thức)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN