Mất vé tàu phải mua lại: Quy định lạc hậu

Mấy ngày qua, mẹ con chị Vũ Thị Thúy Hà (công nhân một công ty may ở Q.Tân Phú, TP.HCM) phải chạy đôn chạy đáo đến ga Sài Gòn nhờ giải quyết vì vé tàu chị đã mua bị mất trong vụ giật đồ. Theo quy định, trường hợp này phải mua lại vé tàu.

Vé tàu TP.HCM - Nam Định chị Hà mua đi vào ngày 4/2, tàu SE2 có giá gần 2 triệu đồng, bằng nửa tháng lương đối với công nhân như chị.

Quá cứng nhắc

Theo lời chị Hà, sau khi chị trình báo mất vé, nhân viên ga Sài Gòn kiểm tra lại hệ thống lưu trữ điện tử trùng khớp với những thông tin chị Hà cung cấp về vé tàu bị mất. “Tuy nhiên họ nói sẽ không cho tôi lên tàu nếu không mua vé mới. Khổ nỗi các tàu đều hết vé nên tôi chấp nhận bỏ thêm 930.000 đồng mua ghế ngồi phụ về tới Hà Nội rồi bắt ôtô ngược về Nam Định” - chị Hà dự tính. May sao có người gọi báo nhặt được giỏ đồ của chị Hà, trong đó có cả vé tàu. Chị tất tả chạy vào ga Sài Gòn trả lại vé ghế phụ nhưng chỉ nhận lại được 70% số tiền đã bỏ ra mua vé.

Mất vé tàu phải mua lại: Quy định lạc hậu - 1

Mặc dù tấm vé (bị rách) của anh Trương Ngọc Khoa đã được lưu trữ thông tin trên hệ thống điện tử của ga nhưng theo ga Sài Gòn, đây là vé không hợp lệ - Ảnh: Q.KHẢI

Anh Trương Ngọc Khoa (sinh viên) lỡ bỏ vé tàu (từ Sài Gòn - Huế) vào máy giặt bị rách, mất hết thông tin trên vé cũng bị ga Sài Gòn cho biết sẽ từ chối cho lên tàu nếu không mua lại vé mới, dù nhân viên ga kiểm tra thông tin anh Khoa báo trùng khớp với tên, số CMND của anh được lưu trên hệ thống thông tin điện tử. Nhiều trường hợp gặp tình trạng tương tự như anh Khoa phải chấp nhận bỏ thêm tiền đi các phương tiện vận tải khác vì thời điểm hiện nay vé tàu gần như đã hết.

Mất vé máy bay vẫn đi được

Tất cả các hãng hàng không nội địa VN hiện nay đều sử dụng vé máy bay điện tử trên đó ghi số vé, mã xác nhận, thông tin chuyến bay, tên hành khách...

Trường hợp hành khách mất hoặc quên vé máy bay chỉ cần thông báo lại tên hành khách, thông tin chuyến bay (số hiệu chuyến bay, giờ xuất phát, nơi đi nơi đến, số điện thoại khi đặt chỗ, email...), mã xác nhận và đưa giấy tờ tùy thân cho nhân viên làm thủ tục tại sân bay để kiểm tra lại cơ sở dữ liệu trên hệ thống là có thể lên máy bay.

Lê Nam

Trả lời về trường hợp của anh Trương Ngọc Khoa, ông Đinh Văn Sang - phó tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn - cho rằng hành khách lên tàu phải có vé tàu hợp lệ như ghi tên tuổi, số chứng minh nhân dân và phải còn nguyên vẹn. Nếu vé không hợp lệ, khách phải mua lại vé mới. Đối với những trường hợp trễ tàu, đại diện ga Sài Gòn cho biết theo quy định của ngành đường sắt, hành khách phải có mặt trước giờ tàu chạy. Vì vậy, những trường hợp hành khách đến trễ sẽ không giải quyết cho lên tàu và cũng không được thu xếp cho đi những chuyến sau. Lý do: khả năng đáp ứng ngành đường sắt trong thời gian có hạn, hầu như các chỗ đã được đặt mua.

Ông Sang khẳng định đó là quy định của Bộ Giao thông vận tải (tại quyết định về ban hành quy định việc vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường sắt quốc gia năm 2006). Ông Sang thừa nhận “quy định trên hơi cứng” nhưng ông cho rằng Bộ Giao thông vận tải đã quy định vậy nên phải làm theo.

Thực tế ngoài ngành đường sắt, nhiều hãng xe đò đã làm thủ tục mua vé, giao dịch bằng hình thức điện tử. Tuy nhiên đối với hành khách mua vé xe đò thì cách xử lý khác với ngành đường sắt. Ông Trương Công Đỉnh, tổng giám đốc Công ty cổ phần du lịch và vận tải Phương Trang, cho biết do tên hành khách đã được lưu trữ trên hệ thống quản lý vé của công ty nên công ty sẵn sàng giải quyết cho những trường hợp bị mất vé.

Không còn phù hợp

Luật sư Ngô Quý Linh, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng quy định của Bộ Giao thông vận tải được hiểu là việc phát hành vé tàu trong các trường hợp không in tên, số chứng minh nhân dân của người đi tàu trên vé cũng như lưu trữ trên hệ thống thông tin điện tử. Do đó khi mất vé, bất kỳ ai nhặt được vé cũng có thể đi chuyến tàu đó và gây thiệt hại cho doanh nghiệp vận tải.

Trong khi đó, vé tàu tết hiện nay theo quy định được kê khai đầy đủ họ tên, số chứng minh nhân dân nên quy định hành khách lỡ mất vé, vé bị rách buộc mua lại vé mới không còn phù hợp và cần được khẩn trương thay đổi cho sát với thực tế. Đặc biệt, hiện Luật giao dịch điện tử đã có hiệu lực, các giao dịch, chứng từ điện tử đã được nhiều đơn vị áp dụng và được thừa nhận. Rõ ràng khi doanh nghiệp vận tải có thể xác định rõ những người đi tàu có phải là người chủ thật sự của chiếc vé hay không thì trường hợp mất vé, hư vé hoàn toàn có thể linh động giải quyết cho hành khách được đi tàu chứ không phải bắt họ mua vé hai lần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Khải (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN