Lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình

Người nhận được trên 50% phiếu không tín nhiệm nếu không từ chức sẽ bị đề nghị miễn nhiệm. Đề nghị nâng độ tuổi nhập ngũ lên 27 và người đồng tính cũng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (QH) Nguyễn Hạnh Phúc ngày 21-5 đã trình bày tờ trình dự án Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND.

Dự án Luật Biểu tình: Tiếp tục hoàn thiện

Dự luật quy định QH lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của QH; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình - 1

Đề nghị nâng độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 đối với công dân học đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình. Trong ảnh: Thanh niên tỉnh Khánh Hòa lên đường nhập ngũ Ảnh: KỲ NAM

Đáng chú ý, dự luật cũng quy định: Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu QH bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức. “Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để QH bầu, phê chuẩn chức vụ đó có trách nhiệm trình QH xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được QH tín nhiệm” - ông Phúc nhấn mạnh.

Cùng ngày, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết căn cứ vào tình hình chuẩn bị, Ủy ban Pháp luật đã đề nghị QH cho lùi thời gian trình dự án Luật Biểu tình từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11. Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tập trung nguồn lực nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật Biểu tình theo tiến độ vì luật này cần được sớm ban hành để cụ thể hóa điều 25 của Hiến pháp, tạo hành lang pháp lý cho nhà nước quản lý các hoạt động liên quan.

Tranh nhau đi công an, nhập ngũ phải bắt buộc!

Chiều cùng ngày, QH nghe và cho ý kiến về Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa cho biết Ủy ban Thường vụ QH nhất trí với dự thảo luật quy định thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình là 24 tháng để bảo đảm sự bình đẳng về nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp.

“Nếu quy định thời hạn phục vụ tại ngũ như Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành hoặc quy định thấp hơn cho một số đối tượng thì không bảo đảm thời gian huấn luyện, không đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, không bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân” - ông Khoa giải thích.

Về độ tuổi gọi nhập ngũ, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng quy định kéo dài đến hết 27 tuổi đối với công dân học đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình là nhằm nâng cao chất lượng người nhập ngũ, bảo đảm công bằng xã hội.

Theo ông Nguyễn Kim Khoa, đối với người đồng tính, nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự như công dân khác. Ông Khoa cho biết pháp luật hiện hành chưa quy định về người đồng tính nên đề nghị không quy định riêng đối tượng này trong luật.

Đa số đại biểu (ĐB) QH đề nghị nên có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích thanh niên nhập ngũ. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thẳng thắn: “Hồi xưa (nhập ngũ là) vẻ vang nhưng bây giờ, điều vinh quang này có lẽ chỉ thuộc về con em nông dân. Tại sao con em của cán bộ, đảng viên, con nhà giàu lại không nhận vinh quang này? Đi nghĩa vụ công an thì phải làm đơn, xét duyệt tranh nhau, còn nghĩa vụ quân sự phải bắt buộc. Vì sao? Đó là chúng ta chưa có chính sách để thu hút thanh niên”.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền đề nghị bổ sung một nghĩa vụ khác ngoài nghĩa vụ quân sự để bảo đảm nghĩa vụ xây dựng quốc phòng, biển đảo của toàn dân. Mặt khác, để khuyến khích sinh viên ra trường đi nghĩa vụ quân sự, cần bổ sung những ưu đãi khác, như người có bằng đại học đã đi nghĩa vụ quân sự được ưu tiên xét tuyển khi tìm việc.

Báo chí cần dự cuộc họp về biển Đông

Theo chương trình kỳ họp thứ 9, vào 16 giờ ngày 5-6, QH sẽ dành 1 giờ để họp riêng, nghe báo cáo về tình hình biển Đông.

Nhận định về việc họp riêng này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Lê Như Tiến thẳng thắn: “Những vấn đề biển Đông nên thông tin rộng rãi cho báo chí và xã hội vì QH là những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri cả nước. Tại kỳ họp lần trước, QH đã không ra Nghị quyết về biển Đông mà chỉ ra thông báo. Lần này, QH cần có phản ứng mạnh mẽ hơn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Dũng - Phan Anh - Nguyễn Quyết (Người lao động)
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN