Luật sư vụ Saigon Co.op: '3.000 tỉ là tài sản của các nhà đầu tư gửi giữ'
Các luật sư bào chữa cho cựu chủ tịch Saigon Co.op cho rằng số tiền 3.000 tỉ đồng không phải là tài sản của doanh nghiệp này, mà là tài sản của các nhà đầu tư do Saigon Co.op giữ hộ.
Ngày 29-12, TAND TP.HCM xét xử vụ án lạm quyền trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Saigon Co.op tiếp tục với phần tranh luận. Trước đó, đại diện VKS đã đề nghị phạt bị cáo Dũng 10-11 năm tù về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
Các LS bào chữa cho bị cáo Dũng thống nhất rằng số tiền 3.000 tỉ đồng của Saigon Co.op nhận từ các nhà đầu tư không phải là tài sản, vốn hoạt động của Saigon Co.op mà số tiền này là tài sản của các nhà đầu tư và Saigon Co.op đơn giản là đang giữ hộ.
Do không phải là tài sản của Saigon Co.op nên việc sử dụng 1.000 tỉ đồng trong 3.000 tỉ để hợp tác đầu tư không phải là hoạt động kinh doanh của Saigon Co.op. Do vậy, lợi nhuận dự kiến thu về không phải là thiệt hại của Saigon Co.op.
Các luật sư bào chữa cho bị cáo Dũng cho rằng số tiền 3.000 tỉ chưa được nhập vào vốn hoạt động của Saigon Co.op. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Cụ thể, LS phân tích số tiền 3.000 tỉ đồng mà các nhà đầu tư chuyển vào tài khoản ký quỹ phong tỏa của Saigon Co.op chỉ nhằm mục đích nhận vốn góp đặt cọc mua Big C. Do đó, khi thương vụ mua Big C thất bại thì mục đích huy động vốn đã chấm dứt và số tiền này không thể tự động chuyển hóa thành tài sản của Saigon Co.op.
Để số tiền này được xem là tài sản của Saigon Co.op thì buộc khoản tiền này phải được ghi nhận vào nguồn vốn của Saigon Co.op theo đúng trình tự, quy định pháp luật và Điều lệ, Quy chế tài chính của Saigon Co.op.
Các LS cũng cho rằng các công văn thông báo mời chào các nhà đầu tư góp vốn của Saigon Co.op hay văn bản xác nhận góp vốn của ngân hàng không có giá trị pháp lý và không dùng làm căn cứ để xác lập khoản tiền này vào trong vốn hoạt động của Saigon Co.op.
Bởi lẽ theo quy chế tài chính và điều lệ của Saigon Co.op thì nguồn vốn hoạt động của Saigon Co.op đến từ 3 nguồn: Vốn điều lệ, vốn nhận hỗ trợ và vốn vay. Thực tế số tiền 3.000 tỉ đồng này chưa thực hiện thủ tục theo quy định để nhập vào vốn hoạt động của Saigon Co.op. Cụ thể, không phải là vốn điều lệ vì vốn điều lệ của Saigon Co.op không thay đổi từ năm 2015-2018.
Số tiền này cũng không phải vốn nhận hỗ trợ vì mục đích huy động vốn là để mua Big C chứ không phải là khoản hỗ trợ cho Saigon Co.op và cũng không phải là khoản vay của Saigon Co.op.
Cạnh đó, LS cũng cũng đề nghị HĐXX xem xét, đánh giá bối cảnh và nhận thức của bị cáo Dũng tại thời điểm phạm tội vì bị cáo Dũng tiếp nhận chức Chủ tịch hội đồng quản trị của Saigon Co.op đã được kế thừa những thành quả to lớn của những người tiền nhiệm, công sức tạo lập của đội ngũ người lao động.
Trong bối cảnh sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà bán lẻ quốc tế đang du nhập vào Việt Nam và đã từng có thời điểm Saigon Co.op đứng số một về thị phần bán lẻ nội địa nên với mong muốn và tâm huyết phát triển mạnh, vững chắc thị phần của Saigon Co.op, bị cáo Diệp Dũng xin ý kiến và quyết định mua lại Big C. Nhưng do thương vụ mua bán không thành, cộng thêm nhận thức pháp luật còn hạn chế của bị cáo về nguồn vốn của các nhà đầu tư mới dẫn đến sai phạm như trong vụ án.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau khi tự ý sử dụng vốn của Saigon Co.op, bị cáo Diệp Dũng còn tự ý điều chỉnh lợi nhuận cố định với 2 công ty từ 7%/năm xuống 0%.