Lo vỡ quỹ BHYT: Bệnh viện “siết” bệnh nhân

Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) đang bội chi ở nhiều bệnh viện. Một loạt giải pháp được đưa ra để nhằm tránh vỡ quỹ, trong đó có cả quy định mức trần giá mỗi toa thuốc, gây khó khăn cho bệnh nhân.

Trong khi đó, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho rằng chỉ ra các văn bản để nhắc nhở các bệnh viện kê toa thuốc hợp lý cho người bệnh.

Bệnh nhân ung thư chờ thuốc

Trong tháng 6/2012, Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã liên tục ra các văn bản gửi tới các cơ sở khám chữa bệnh BHYT thông báo về việc thanh toán chi phí thuốc cho người bệnh có thẻ BHYT để đảm bảo việc cân đối quỹ. Cụ thể ngày 6/6/2012, Bảo hiểm xã hội TP cho biết tạm chưa thanh toán các trường hợp sau: Zoleddronic acid tiêm sử dụng điều trị loãng xương và Immune globulin tiêm sử dụng điều trị viêm đa rễ thần kinh trong khi chờ thống nhất phác đồ điều trị của các cơ sở khám chữa bệnh...

Ngày 20/6, Bảo hiểm xã hội TP tiếp tục có văn bản về việc sử dụng các loại thuốc Glutathion tiêm, Ginkobiloba uống, Glucosamin uống... do thời gian qua việc chỉ định và sử dụng các loại thuốc trên có giá cao là khá phổ biến, đề nghị cơ sở khám chữa bệnh rút kinh nghiệm việc kê đơn, giảm tỉ lệ sử dụng các loại thuốc hỗ trợ nêu trên về mức hợp lý...

Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết hiện bệnh viện đang “dẫn đầu” TP về việc vượt trần BHYT. Từ tháng 8/2011, khi Bộ Y tế mở rộng danh mục thanh toán BHYT thêm nhiều loại thuốc điều trị ung thư mắc tiền đã làm số tiền thực chi tại các bệnh viện ung bướu ngày càng vượt mức trần nhiều hơn.

Lo vỡ quỹ BHYT: Bệnh viện “siết” bệnh nhân - 1

Người dân đóng viện phí tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chiều 12/7 - Ảnh: T.Thắng

Trong năm 2011, bệnh viện đã bội chi khoảng 85 tỉ đồng và đến nay vẫn chưa quyết toán được. Do chưa quyết toán được số tiền bội chi trên nên hiện Bảo hiểm xã hội TP và Bệnh viện Ung bướu cũng chưa thống nhất mức chi trả BHYT quý 1/2012 cho bệnh viện. Vì vậy nhiều tháng nay, bệnh viện phải nợ tiền những công ty phân phối thuốc cho bệnh viện. Các công ty cung ứng thuốc gây sức ép bằng cách ngưng cung cấp thuốc hoặc giao rất nhỏ giọt.

Hai tuần gần đây, mười loại thuốc đặc trị mắc tiền đã không có đủ để cung ứng cho bệnh nhân như thuốc tiêm Herceptin 150mg, thuốc tiêm Herceptin, thuốc viên Femara 2,5mg điều trị bệnh ung thư vú..., Tarceva 100mg điều trị bệnh ung thư phổi... Theo bác sĩ Dũng, bệnh nhân điều trị những loại thuốc trên phải chờ đến khi nào nhà phân phối cung cấp trở lại hoặc tự bỏ tiền mua thuốc trước, sau đó BHYT sẽ thanh toán lại. Tuy nhiên ông Dũng cũng thừa nhận những loại thuốc đặc trị bị tạm ngưng sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh của bệnh nhân.

Dược sĩ Phan Thị Đào, trưởng khoa dược Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, cho biết do bệnh viện nhận được văn bản của Bảo hiểm xã hội TP là tạm chưa thanh toán Zoleddronic acid tiêm sử dụng điều trị loãng xương nên tại bệnh viện cũng tạm ngưng cung cấp loại thuốc này cho bệnh nhân BHYT.

Siết lại toa thuốc

Không bị ngưng cung cấp thuốc nhưng Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương TP.HCM lại quy định mức trần giá trên mỗi toa thuốc. Ngày 12/7, bà Đ.T.N. (Q.Tân Bình, đăng ký BHYT tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương TP.HCM) cho biết: “Tôi bị bệnh tiểu đường, thường đi khám và lấy thuốc định kỳ ở Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương. Nhưng mới đây, toa thuốc của tôi không được kê những loại thuốc quen thuộc như trước đây nữa. Hỏi thì được bác sĩ kê toa giải thích là bệnh viện mới có quy định khống chế các toa thuốc cho bệnh nhân ngoại trú không được vượt quá 400.000 đồng”.

Bà Đ.T.N. còn mắc nhiều bệnh khác như thoái hóa khớp, tim mạch... Trước đây, bác sĩ kê cho bà N. có khi đến hàng triệu đồng một toa, nhưng lần khám mới đây vào ngày 5/7 bà chỉ được kê toa có giá hơn 300.000 đồng. Số thuốc còn lại bà phải tự bỏ tiền mua. “Những bệnh nhân nghèo như chúng tôi, gom tiền mua được thẻ bảo hiểm mà bây giờ mỗi lần đi khám cứ phải chi thêm mấy trăm ngàn đồng để lấy thuốc thế này thì thật khó khăn” - bà N. than thở.

Về việc khống chế mỗi toa thuốc cho bệnh nhân ngoại trú không quá 400.000 đồng, ông Đỗ Công Tâm - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương - cho biết riêng quý 1/2012 chi phí đã vượt quỹ khám chữa bệnh của bệnh viện. Bệnh viện cũng nhận được công văn của Bảo hiểm xã hội TP đề nghị bệnh viện phải có các biện pháp điều chỉnh chi phí hợp lý để giảm chi phí điều trị bình quân và giảm vượt quỹ, vượt trần. Đồng thời cho biết Bảo hiểm xã hội TP sẽ tạm thời không cấp tạm ứng các chi phí vượt quỹ cho các đơn vị không có biện pháp giảm chi. “Chúng tôi buộc phải đề ra các giải pháp để kiểm soát được quỹ khám chữa bệnh ở bệnh viện mình” - ông Tâm cho biết.

Việc đề ra mức trần 400.000 đồng/toa thuốc, theo ông Tâm, là được tính toán từ giá các loại thuốc có trong danh mục thuốc BHYT mới của bệnh viện.

“Với 400.000 đồng, bác sĩ sẽ dễ dàng kê toa cho bệnh nhân, không cần phải tính toán nhiều nếu bỏ thói quen chi các loại thuốc ngoại đắt tiền. Nếu bệnh nhân có tiền muốn dùng thuốc ngoại thì chúng tôi có danh mục thuốc theo yêu cầu, khi bệnh nhân đồng ý tự chi trả thì bác sĩ sẽ kê toa” - ông Tâm nói.

Cũng trong tình trạng bội chi quỹ BHYT, nhiều bệnh viện bắt đầu tìm các giải pháp khác nhau. Ông Nguyễn Minh Quân, giám đốc Bệnh viện Q.Thủ Đức, cho biết: “Chúng tôi cũng tìm các giải pháp để cân đối quỹ khám chữa bệnh, trong đó biện pháp được chú trọng là xây dựng lại các phác đồ điều trị hợp lý để vừa đảm bảo chữa bệnh cho bệnh nhân, đồng thời tiết kiệm chi phí”. Ông Võ Minh Tiến, giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, cho biết: “Chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ để hạn chế lãng phí thuốc. Trước đây bệnh viện chúng tôi thường cho thuốc bệnh nhân BHYT bị các bệnh mãn tính uống trong 30 ngày, nay rút xuống còn 28 ngày sẽ tái khám để tránh sự trùng lặp số thuốc trong hai ngày”.

Thùy Dương - Ngọc Nga

Nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế

Bảo hiểm xã hội TP.HCM vừa có báo cáo về nguy cơ mất cân đối quỹ BHYT khi áp dụng tăng viện phí theo thông tư 04 của liên bộ Y tế - Tài chính, kéo theo chi phí khám chữa bệnh tăng cao.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội TP lo ngại “vỡ” quỹ BHYT do mở rộng danh mục thuốc BHYT theo quyết định 31 của Bộ Y tế. Theo đó, từ tháng 8/2011, danh mục thuốc BHYT được mở rộng từ 750 lên 1.143 loại thuốc, bao gồm cả những loại thuốc đặc trị mắc tiền dùng điều trị ung thư, chống thải ghép, tim mạch hay máu và chế phẩm từ máu. So với quý 1/2011, chi phí cho thuốc tăng 53%, kỹ thuật cao tăng 43% và chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm tăng 57%... Bà Lưu Thị Thanh Huyền, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP, cho biết chỉ tính riêng chênh lệch do tăng 25 loại thuốc ung thư đã tăng 60 tỉ đồng.

Trung Cường

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo (Theo Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN