“Lô cốt” bủa vây đường phố Sài Gòn
Sau một thời gian vắng bóng, đường phố Sài Gòn những ngày gần đây bắt đầu “chào đón” sự trở lại những chiếc “lô cốt” - luôn là nỗi ám ảnh của người dân vào những giờ cao điểm, lúc trời đổ mưa…
Thủ phạm gây kẹt xe
Tại giao lộ Võ Thị Sáu - Lý Văn Phức (Q.1), ngay từ đầu tháng 9/2012 đã xuất hiện lô cốt để thi công hạng mục sửa chữa khắc phục cống vòm hiện hữu thuộc dự án Cải thiện Vệ sinh môi trường TP.HCM. Dù ngày 30/9 là hết hạn thi công, nhưng đến nay hai lô cốt trong khu vực này vẫn tồn tại.
Trong khi trục đường Võ Thị Sáu là một trong những điểm nóng giao thông bởi luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất lớn. Việc xuất hiện 2 “lô cốt” nằm án ngữ nơi đây luôn mang lại phiền toái cho người tham gia giam thông và cư dân sinh sống bên đường.
“Lô cốt” án ngữ tại giao lộ Võ Thị Sáu - Lý Văn Phức khiến giao thông khu vực này rối loạn
Theo ghi nhận của PV, sáng 10/10, hai lô cốt tại đây chiếm gần ½ mặt đường, vì vậy trục đường Võ Thị Sáu xảy ùn ứ giao thông kéo dài từ giao lộ Võ Thị Sáu – Đinh Tiên Hoàng đến giao lộ Võ Thị Sáu – Lý Văn Phức. Nhiều người đã phải điều khiển xe gắn máy chạy lên vỉa hè để đi kịp giờ làm. Ông Nguyễn Văn Năm, lái xe ôm trong khu vực cho biết do tồn tại hai lô cốt nên tại đây thường xuyên kẹt xe, nhất là vào buổi sáng và buổi chiều.
Còn tại đầu đường Phan Đình Giót (khu vực công viên Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình) hướng đi vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, hai ngày nay bỗng dưng mọc lên một “lô cốt” để thi công các hạng mục của Dự án giảm thất thoát nước TP.HCM.
Kẹt xe kéo dài trên đường Võ Thị Sáu sáng 10/10
Vào giờ cao điểm buổi sáng hay tan tầm buổi chiều, “lô cốt” này gây cản trở giao thông không chỉ hướng lưu thông vào sân bay Tân Sơn Nhất mà còn làm ùn tắc giao thông hướng từ sân bay ra trung tâm thành phố. Đặc biệt vị trí lô cốt này được đặt sát ngay trạm xe buýt nên những lúc xe buýt dừng đón, trả khách khiến nhiều phương tiện cũng bị ùn ứ theo.
Trong khi đó, trên đường Nguyễn Thái Học (đoạn gần chân Cầu Ông Lãnh) gần đây cũng xuất hiện một loạt “lô cốt” kéo dài cả vài trăm mét. Đây là tuyến đường khá rộng và thông thoáng, nhưng do mật độ phương tiện đông, lại có nhiều trường học tọa lạc hai bên này nên các lô cốt này ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông. Vào những buổi trưa và chiều, vào giờ tan tầm, khu vực này cũng thường xuyên bị ùn ứ khiến nhiều phương tiện phải tìm hướng lưu thông khác.
“Lô cốt” vừa xuất hiện trên đường Phan Đình Giót, cửa ngõ vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất
…và ngập nước
Hiện nay tại khu vực trung tâm thành phố, tuyến đường có nhiều “lô cốt” nhất phải kể đến là đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh) bởi tại đây đang có công trình xây dựng cầu Băng Ky và các hạng mục xây dựng hệ thống thoát nước trên đường Nguyễn Xí, Vũ Ngọc Phan.
Toàn khu vực này đang có 5 “lô cốt” án ngữ mặt đường nên ngoài việc gây khó khăn cho lưu thông thì sinh hoạt của nhiều hộ dân tại đây cũng bị ảnh hưởng. Trong đó phải kể đến là việc ra vào của một số nhà mặt tiền đường Nơ Trang Long bị hạn chế, bên cạnh đó cũng do ảnh hưởng các lô cốt nên khu vực thường xuyên bị ngập nước mỗi khi mưa hoặc triều cường. “Những lúc mưa hay triều cường lên là khu đường này rất lấy lội, khó đi. Một số nhà dân bị nước tràn vào nhà. Chúng tôi chỉ mong các đơn vị thi công làm lẹ để thoát khỏi cảnh này”, anh Trần Văn Tuấn, nhà trên đường Nơ Trang Long (P.13, Q.Bình Thạnh) cho biết.
Một “lô cốt” chiếm nhiều diện tích mặt đường trên đường Nơ Trang Long
Theo kế hoạch, trong năm 2012 tổng số mặt đường bị đào lên đến gần 100 km để thi công các hạng mục của hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước và các công trình của bên điện lực, viễn thông. Nhưng phần lớn các hàng mục thi công sử dụng rào chắn chiếm mặt đường tập trung ở các vùng ven, ngoại thành. Tuy nhiên, với việc tái xuất hiện hơn chục “lô cốt” nằm ở các tuyến đường trọng yếu khu vực trung tâm, đã khiến người dân nội thành TP.HCM bắt đầu cảm thấy sự ám ảnh, hệ lụy của nó mang lại.
“Lô cốt” trên đường Nguyễn Thái Học (quận 1), đoạn gần chân cầu Ông Lãnh
Mới đây Ban An toàn giao thông TP.HCM đã đề nghị lực lượng Thanh tra Sở GTVT phối hợp cùng các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình có rào chắn chiếm dụng mặt đường để hạn chế các vụ ùn tắc giao thông cũng như ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân trong khu vực.