LHQ nghi Bình Nhưỡng khoe tên lửa giả
Triều Tiên có lẽ đã để những phiên bản giả mạo của một quả tên lửa mới tại một cuộc diễu hành quân sự lớn trong năm nay, các chuyên gia trừng phạt của Liên Hợp Quốc cho biết.
Và những tên lửa bị cáo buộc là giả mạo không phải phần duy nhất của buổi phô trương vô nghĩa tại Bình Nhưỡng khiến các chuyên gia nghi ngờ.
Các chuyên gia Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết họ sẽ điều tra về những phương tiện vận chuyển khổng lồ được dùng để chở tên lửa mới. Truyền thông Nhật Bản cho rằng nó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các chuyên gia trừng phạt cũng nghi ngờ những chiếc xe Mercedes sang trọng được nhìn thấy trong buổi diễu hành cũng được chuyển lậu vào nước này.
Ít nhất 6 trong số những tên lửa KN-08 mới đã được trưng bày một cách kiêu hãnh tại cuộc diễu hành hoành tráng hôm 15/4 để kỷ niệm 100 năm ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành.
"Cùng với các tên lửa được biết tới như KN-02, Hwasongs, Nodong và Musudan, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã khoe một tên lửa di động mới, được các nhà phân tích gọi với cái tên KN-08, lớn hơn nhiều so với các tên lửa khác," một báo cáo của các chuyên gia LHQ tiết lộ.
"Các nhà phân tích tên lửa thay đổi cấp độ nghi ngờ về tình trạng hoạt động của Musudan và KN-08, cả hai loại đều chưa được bay thử nghiệm. Họ cũng đang tranh luận liệu những quả KN-08 trong buỗi diễu hành có phải là bản sao hay không," báo cáo cho biết thêm.
Tên lửa tại cuộc diễu hành hôm 15/4 bị nghi ngờ chỉ là mô hình
Chuyên gia Markus Schiller và Robert H. Schmucker của Viện Công nghệ Schmucker, Đức cũng nghi ngờ tên lửa trong cuộc diễu hành hôm 15/4 của Triều Tiên.
"Những bức ảnh cận cảnh đã cho thấy tất cả những tên lửa đều là đồ giả," hai chuyên gia cho biết.
"Không có bằng chứng rằng Triều Tiên thực sự có tên lửa đạn đạo liên lục địa."
8 chiếc xe dùng để vận chuyển tên lửa cũng khiến các chuyên gia nước ngoài ngạc nhiên. Triều Tiên "trước đây chưa từng phô trương về khả năng sản xuất một phương tiện như vậy. Một ban thẩm định sẽ tiến hành kiểm tra điều này," báo cáo của LHQ cho hay.
LHQ thể hiện mối lo ngại với Trung Quốc sau khi tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản đưa tin Trung Quốc đã gửi những phương tiện vận chuyển tới Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phủ nhận thông tin này.
Hai "chiếc limousine Mercedes Benz" cũng có mặt tại buổi diễu hành tại Bình Nhưỡng trong khi Triều Tiên đã bị cấm nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ như vậy theo lệnh trừng phạt vì tiến hành vụ thử tên lửa năm 2006 và 2009.
Báo cáo của LHQ cho biết hai chiếc xe trên gần giống với dòng sản phẩm S-class S600 mới nhất của hãng Mercedes.
"Một phóng viên đã nói với ban hội thẩm rằng anh ta đã nhìn thấy hơn 10 chiếc Mercedes Benz E-class E350 trước một trường trung học ở Bình Nhưỡng vào hôm 16/4. Ban hội thẩm dự định thu thập thêm nhiều thông tin nữa về những chiếc xe này," các chuyên gia cho biết.
Trong khi các chuyên gia cho rằng họ không có manh mối mới về tên lửa liên quan tới "bạo lực", vũ khí hủy diệt hàng loạt hay tên lửa đạn đạo, Triều Tiên vẫn bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế.
Các nghị quyết của LHQ không khiến Triều Tiên ngừng các hoạt động đã bị cấm, thay vào đó "họ dường như cố tình trì hoãn chúng và thực hiện các giao dịch bất hợp phát khó khăn và tốn kém hơn."
Ban hội thẩm cũng cho biết "những khó khăn trong việc đáp ứng như cầu trao đổi hàng hóa với bên ngoài thông qua việc nhập khẩu hợp pháp có lẽ đã khiến Triều Tiên mở rộng nhập khẩu trái phép."
Một cuộc điều tra liên quan tới những dấu hiệu về một vụ buôn bán vũ khí bất hợp pháp có liên quan tới một lô hàng dành cho Syria cũng đang được các chuyên gia LHQ tiến hành.
Lô hàng năm 2007 gồm nhiên liệu có thể được sử dụng để phóng tên lửa Scud và một số mặt hàng khác có thể được sử dụng cho tên lửa đạn đạo có liên quan với Syria, báo cáo cho hay.
Các chuyên gia cho biết họ cũng đang chú ý tới khả năng Triều Tiên có một thỏa thuận với Myanmar về hợp tác vũ khí thông thường.