"Lê rắn" và kỳ tích hành nghề cứu sống hàng nghìn người
Ở bản Phàng, xã Điện Quan, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai người ta gọi ông Hoàng Văn Lê với biệt hiệu là “Lê rắn”. Nói về biệt hiệu này, ông Lê bảo, từ nhỏ tôi đã là thợ bắt rắn, sau có lần bị rắn độc cắn tưởng chết, người làng gọi vậy cho dễ nhớ. Và sau này, lại gắn bó hành nghề chữa rắn cắn cứu người nên cái tên “Lê rắn” trở thành thương hiệu.
"Lê rắn" chia sẻ với phóng viên về quá trình cứu người bị rắn cắn. Ảnh: Kế Phan
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê cho hay: "Tôi đã hành nghề được gần 40 năm chỉ cần xem qua vết cắn là biết ngay đó là loại rắn gì, có độc hay không. Đặc biệt, tôi chỉ chữa trị cho những trường hợp bị rắn độc cắn, còn những loại rắn bình thường thì không cho thuốc".
Nói về cái duyên trở thành “Lê rắn”, ông Lê kể. Năm 18 tuổi, trong một lần đi rừng, ông Lê bị rắn hổ mang chúa cắn một nhát vào gót chân phải. Ông rút từ trong người ra một đoạn dây vải buộc thay ga rô rồi lết từng bước về trong sự hoảng sợ của gia đình. Chạy chữa khắp nơi mà độc tố trong người không hề giảm, thay vào đó cơ thể mỗi lúc phù to, chân dần bị hoại tử. Không ăn, uống được gì đành nằm ở nhà phó mặc cho số phận.
"Lúc đó tưởng chừng như cái chết đã cận kề với tôi, nhưng may sao đúng vào lúc nguy kịch nhất thì bà ngoại tôi là lương y Lương Thị Lan ở xã Xuân Hòa (cùng huyện Bảo Yên) vừa đi hành nghề ở Hà Giang trở về. Nghe mọi người bảo tôi đang nguy kịch, bà đã tức tốc vượt núi mang theo phương thuốc gia truyền đến hóa giải độc tố. Chỉ gần nửa tiếng sau khi dùng thuốc, tôi dần hồi tỉnh và chỉ một tuần thì cơ thể lại trở lại bình thường", "Lê rắn" nhớ lại.
Nhận thấy cháu ngoại có cơ duyên với rắn nên từ đó bà Lan bắt đầu truyền dạy bài thuốc gia truyền để ông hành nghề cứu người. Tâm sự với chúng tôi, ông "Lê rắn" bảo, cái gì nó cũng có chữ duyên. Bà ngoại ông là một thầy thuốc rất giỏi, nhưng cả cuộc đời không truyền nghề cho bất cứ ai ngoài đứa cháu ngoại là ông. Ông Hoàng Văn Lê tiết lộ: “3 loại lá mà tôi sử dụng trong bài thuốc trị nọc độc rắn là 3 loại rau rừng mà dân bản hay ăn. Trong đó có 1 loại mọc quanh quẩn ngay vườn nhà, gần như ai cũng biết, các anh có thể nhìn thấy nhưng tôi không chỉ đâu ”.
"Chỉ cần bệnh nhân sau khi bị rắn cắn được ga rô cẩn thận, trong vòng 7 – 8 tiếng không uống nước là có thể cứu chữa, lành lặn hoàn toàn. Điều đặc biệt trong phương thuốc của ông là nạn nhân sau khi uống và bôi thuốc chỉ sau 30 phút là chất độc sẽ bị loại bỏ. Đồng thời, có hai điều bất di bất dịch khi ông chữa, đó là phải cho nạn nhân uống thuốc ngoài trời, tránh bóng râm. Hai là khi bôi thuốc, phải bôi từ trên cao, cách vết thương chưng 30 cm rồi vuốt ngược xuống", "Lê rắn" chia sẻ.
Ông Lê giã lá thuốc để chữa người bị rắn cắn. Ảnh: Kế Phan
Tiếng lành đồn xa, người dân trong bản và khắp vùng lân cận nếu bị rắn cắn đều tìm đến ông Lê để được chữa trị. Mỗi ca chữa trị xong, ông đều khuyên mọi người nếu bị rắn cắn thì không được uống nước và rượu. Nếu uống nước, nọc độc rắn sẽ chạy đến tim nhanh hơn. Hơn nữa, dân gian hay có thói quen dùng dây ga rô bằng cao su để cho an toàn. Nhưng đối với ông Lê đó lại là thói quen sai lầm, vì ga rô bằng cao su sẽ làm cho tĩnh mạch bị vỡ dẫn đến hoại tử. Bởi vậy, ông luôn khuyên mọi người dùng dây vải để ga rô sẽ bớt đau đớn và dễ chữa trị hơn.
Từ khi hành nghề đến nay đã hơn 40 năm nhưng ông Lê không nhớ hết đã chữa trị cho bao nhiêu người bị rắn độc cắn nhưng qua trí nhớ của ông cũng phải đến hàng nghìn trường hợp ở nhiều tỉnh, thành khắc nhau. Đáng nói là các trường hợp bị rắn cắn đều được ông chữa trị thành công.
"Nhiều lần nhận được cuộc điện thoại lúc nửa đêm của người nhà nạn nhân. Bất chấp nguy hiểm, một mình tôi soi đèn vào rừng lấy thuốc rồi lên đường cứu người", ông Lê kể.
Mới đây nhất là một nạn nhân từ Thanh Hóa gọi điện cho ông cầu cứu. Nạn nhân bị rắn cắn, dù được điều trị tại bệnh viện nhưng không thuyên giảm. Trong đêm, ông lại lọ mọ vào rừng lấy thuốc đưa về cẩn thận đóng gói, ghi thêm vài dòng hướng dẫn xong chạy xe máy xuống ga Lu trao nhà người nhà nạn nhân. Hai bên gặp nhau vội tới mức không kịp hỏi tên. Vài hôm sau, ông Lê được gọi điện báo, nạn nhân đã qua cơ nguy kịch, dần khỏe trở lại.
“Thời gian đầu, sau khi cứu người xong, tôi chỉ lấy vài nghìn làm phép để nhớ ơn tổ tiên đã truyền dạy bài thuốc. Sau thì không lấy tiền ai cả, họ cảm ơn bằng nào cũng được, củ sắn, củ khoai tôi cũng nhận cho họ vui lòng”, ông Lê chia sẻ.
Lo sợ bị thất truyền, vài năm nay, ông Lê bắt đầu truyền dạy lại bài thuốc quý cho người con trai – hiện là một cán bộ xã. Anh này cũng đã cứu được mạng sống cho một vài người khi ông Lê vắng nhà.
Ông đã cứu sống nhiều người bị “bệnh viện chê” mà không đòi hỏi bất cứ điều gì