Làng tiến sĩ bên dòng sông Tiền

Một số tài liệu nói rằng, Vĩnh Kim xưa kia nổi danh là vùng đất của sáu ông Lục Hiền, là những nhà nho yêu nước, tiến bộ. Nơi đây còn là cái nôi của cách mạng, trong thời kỳ đầu thành lập đảng. Với nhiều người con ưu tú, xuất sắc đã từng chiến đấu và hy sinh xương máu ngoài chiến trường.

Tôi đến Chợ Giữa, ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang khi mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Vĩnh Kim thấp thoáng dưới những tán cây ăn trái sum suê, xanh thẫm. Nơi đây được mệnh danh là “Vương quốc Vú sữa Lò rèn” – một thương hiệu trái cây nổi tiếng của miền Tây. Nhưng khắp Nam Kỳ lục tỉnh này còn biết đến một Vĩnh Kim nổi danh là đất hiếu học – quê hương của nhiều vị giáo sư, tiến sĩ mà tên tuổi đã bay vươn khỏi biên giới Việt Nam, ra ngoài thế giới.

Quê hương của nhiều giáo sư, tiến sĩ


Đời vua Tự Đức (1848 – 1883), có một người con của quê hương Vĩnh Kim đậu Tiến sĩ, được bổ chức Đốc học tỉnh Định Tường. Đó là tiến sĩ Phan Hiển Đạo (1822 – 1864), sinh tại làng Vĩnh Kim Đông, tỉnh Định Tường (nay là xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

Ông đậu tiến sĩ năm 1856. Năm 1861, thực dân Pháp chiếm Định Tường, ông lui về quê ở ẩn, thể hiện sự bất hợp tác với kẻ thù. Vốn là nơi có truyền thống âm nhạc lâu đời, nhất là âm nhạc dân gian, đàn ca tài tử, Vĩnh Kim tự hào có đến 3 vị Giáo sư, Tiến sĩ nổi tiếng về âm nhạc. Sinh trưởng trong một gia đình đến 4 đời có truyền thống âm nhạc. Âm nhạc đã ngấm vào máu của GS.TS Trần Văn Khê từ thuở lọt lòng. Lớn lên, ông tiếp tục thể hiện năng khiếu và niềm đam mê âm nhạc của mình.

Làng tiến sĩ bên dòng sông Tiền - 1

Ông Lê Văn Hùng, phó chủ tịch mặt trận xã Vĩnh Kim

Năm 1949, ông sang Pháp du học. Hè năm 1951, lúc đầu ông thi đậu vào Trường Chính trị, khoa Giao dịch quốc tế. Đến 1958, ông theo học khoa nhạc học và chuẩn bị làm luận án tiến sĩ dưới sự chỉ đạo của các Giáo sư Jacques Chailley, Emile Gaspardone và André Schaeffner. Tháng 6 năm 1958, ông đậu Tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne (Pháp). Từ đó, GS.TS Trần Văn Khê toàn tâm toàn ý với âm nhạc, trở thành GS.TS đầu ngành về âm nhạc, vang danh khắp thế giới về âm nhạc truyền thống Việt Nam và phương Đông.

Cũng giống cha mình, GS.TS Trần Quang Hải (con đầu của GS.TS Trần Văn Khê) đã trở thành chuyên gia âm nhạc Á Châu trên thế giới. Ông sinh ngày 13/5/1944 tại Linh Đông, Thủ Đức. Được biết ông theo cha sang Pháp du học khi tuổi còn rất trẻ. Cho đến nay, ông đã giảng dạy tại hơn 120 trường đại học trên thế giới; tham dự 130 liên hoan âm nhạc quốc tế. Ông là nhạc sĩ Việt Nam duy nhất đã trình diễn khoảng 3.000 buổi giới thiệu nhạc Việt Nam tại 60 quốc gia trên thế giới; có tới 1.500 buổi trình diễn cho học sinh các trường học ở châu Âu. Ông cũng là người đã sáng tạo ra kỹ thuật hát đồng song thanh độc đáo. Hiện ông sinh sống và làm việc tại Pháp.

Cùng sinh ra tại vùng đất Vĩnh Kim giàu truyền thống âm nhạc này, GS.TS Nguyễn Văn Nam lại đạt được những thành tựu xuất sắc của thể loại nhạc hàn lâm. Năm 1947, ông tham gia cách mạng với công tác biểu diễn khi còn là một cậu thiếu nhi 11 tuổi. Tới năm 1959, ông được cử đi học sáng tác ở trường âm nhạc Việt Nam tại Hà Nội (tiền thân của nhạc viện Hà Nội).

Sau đó, ông tiếp tục được cử đi học tại nhạc viện Léningrad, nay là Nhạc viện Saint - Péterbourg (CHLB Nga) và đã bảo vệ xuất sắc bậc tiến sĩ hai ngành: Sáng tác và lý luận. Ông là nhà viết nhạc giao hưởng nhiều nhất Việt Nam. Đồng thời, là nhà soạn nhạc Việt Nam đầu tiên được Mỹ mời sang dàn dựng tác phẩm mới tại New York năm 2003.

Trên những lĩnh vực khác, Vĩnh Kim có Tiến sĩ Thú y Trương Tấn Ngọc là người đầu tiên tìm ra vi trùng dịch hạch và tên của ông đã được dùng đặt cho loại vắc xin phòng dịch Ngoccique. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Phát, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 1996-2001 và 2001-2006. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đình Hùng, từng bảo vệ luận án tiến sĩ Hóa học tại Cộng hòa liên bang Đức.

Vĩnh Kim còn là quê hương của ông Ngô Tấn Nhơn, Bộ trưởng Bộ Canh nông và Bộ Kinh tế đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chủ tịch sáng lập tại kỳ họp Quốc hội đầu tiên 1946. Hai người con gái của ông là TS Ngô Kiều Nhi (Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) và TS Ngô Kiều Oanh (Viện Khoa học Việt Nam).

Lớp hậu thế sau này ở Vĩnh Kim, có Lâm Chí Hùng, con của ông Lâm Ba, ấp Vĩnh Hòa học tiến sĩ tại Canada. Phạm Xuân Quang, con ông Phạm Xuân Thới ấp Vĩnh Thạnh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Mỹ.

Làng tiến sĩ bên dòng sông Tiền - 2

“Tượng đài căm thù” tại Chợ Giữa, ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Kim

Vùng đất địa linh nhân kiệt

Một số tài liệu nói rằng, Vĩnh Kim xưa kia nổi danh là vùng đất của sáu ông Lục Hiền, là những nhà nho yêu nước, tiến bộ. Nơi đây còn là cái nôi của cách mạng, trong thời kỳ đầu thành lập đảng. Với nhiều người con ưu tú, xuất sắc đã từng chiến đấu và hy sinh xương máu ngoài chiến trường.

Nơi đây có những gia đình như gia đình ông Trần Văn Lưu, cả bốn người con đều bị bắt và đày ra Côn Đảo trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, và 2 trong số 4 người con này đã hy sinh ngoài Côn Đảo. Có gia đình như gia đình ông Trần Năng Lựa (cậu ruột vợ Chủ tịch Tôn Đức Thắng), có ba người con đều làm bác sĩ nổi tiếng: Bác sĩ Trần Nam Hưng, bác sĩ Trần Khải Siêu, bác sĩ Trần Hữu Di.

Tôi dừng chân trước tượng đài một người phụ nữ đang quỳ, một tay bế đứa con nhỏ đã chết, một tay là đoạn đòn gánh đã gẫy, ánh mắt hướng lên trời đầy căm phẫn. Tượng đài đó có tên là “Tượng đài căm thù” – được dựng ở nơi mà vào ngày 5/11/1940 thực dân Pháp đã bỏ 2 quả bom ngay khu Chợ Giữa, làm hơn 40 người bị chết, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ nhỏ.

Chợ Giữa xưa nay vốn là trung tâm giao thương, buôn bán của cả một vùng. So với trước đây, Chợ Giữa nay đã thay đổi nhiều. Dù chưa vào mùa vú sữa, nhưng đoạn đường chưa tới nửa cây số từ ngã ba chợ đến bến xe luôn tấp nập người, xe qua lại sáng tối với những chuyến xe chở trái cây đi khắp nơi.

Ông Lê Văn Hùng, phó chủ tịch mặt trận xã Vĩnh Kim cho biết: “Để có được một Vĩnh Kim như ngày hôm nay, là xương máu và sự hy sinh của hàng trăm liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng và gia đình có công với cách mạng. Ngoài ra, còn có hàng trăm người bị tù đày tra tấn dã man, hy sinh tại các nhà tù và không biết bao người dân vô tội đã chết hoặc bị thương”.

Cũng theo ông Hùng, nơi đây từ xưa đã có một truyền thống âm nhạc, nhất là nhạc tài tử, có một dòng họ Trần đời này tiếp đời kia theo nghiệp đàn hát, với những người nổi tiếng như: Trần Quang Thọ, xuất thân là nhạc sĩ của ban nhạc cung đình Huế, rối đến Trần Quang Diệm, Trần Quang Triều, Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch, Trần Quang Hải… Vĩnh Kim cũng từng có ban nhạc Sầm Giang do quái kiệt Trần Văn Trạch (em ruột Giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê) đứng ra thành lập; có gánh hát Đồng Nữ Ban – gánh hát nữ duy nhất, nổi tiếng một thời, từng biểu diễn khắp Nam kỳ Lục tỉnh.

Ông Hùng còn cho biết, hiện nay, Vĩnh Kim đang có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Hàng năm, xã đều cử người đi kêu gọi tài trợ từ các mạnh thường quân, những người con của quê hương đã thành đạt, giúp cho các em học sinh nhà nghèo hiếu học. Với số tiền tài trợ hàng năm lên tới cả trăm triệu đồng, gồm tiền mặt và quần áo, sách vở…

Ngoài ra, xã cũng thực hiện chủ trương, chính sách chung của toàn tỉnh, miễn giảm học phí cho các trường hợp học sinh nghèo trên toàn xã. Những chính sách khuyến học này của xã đã tạo điều kiện và là động lực cho các em phấn đấu trong học tập. Để từ cái nôi, truyền thống hiếu học nơi đây, nuôi dưỡng và chắp cánh cho những người con Vĩnh Kim bay cao và bay xa trên bầu trời tri thức. Với những cống hiến, công trình nghiên cứu mang tính tiên phong, được Việt Nam và thế giới ghi nhận trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hương Lam (Người Đưa Tin)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN