Lặng sóng ở làng bơi Yết Kiêu

Đã có một thời làng bơi Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng từng được biết đến là làng “Yết Kiêu” đầu tiên của cả nước và từng làm “nổi sóng” cả làng bơi Việt Nam. Giờ đây, những huy hoàng ấy có lẽ chỉ là “vang bóng một thời”…

Vang bóng một thời…

Những người lớn tuổi ở Minh Tân còn nhớ khoảng 20 về trước, phong trào bơi lội của xã sôi nổi và ồn ã, chẳng lúc nào dòng sông Giá được một phút “yên sóng”. Trẻ con, người lớn quẫy đạp “tung trời” sóng nước để thi đua bơi lội. Ông Nguyễn Cát Thành, một người bơi lội có tiếng ở làng kể lại: Ngày ấy hầu như toàn dân biết bơi và người ta ham bơi lắm. Lúc đầu là phong trào “thanh niên biết bơi” để động viên những người biết bơi vượt sông Bạch Đằng lấy lá về làm phân xanh phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau nữa là huyện Thủy Nguyên đã đưa môn bơi thành phong trào thi đua lớn, người đi tập bơi được chấm công và chia thóc nên cứ 16 giờ chiều, tiếng kẻng khua vang là mọi người ra đầm, ra sông tập bơi, để được chấm công, chấm điểm.

Chính vì vậy người lớn, trẻ con ra sức thi đua để lập thành tích bơi lội. Và cũng chính từ phong trào bơi lội phát triển cao này đã sản sinh ra những kình ngư nổi tiếng của làng bơi Việt Nam, mang vinh quang về cho Hải Phòng và đất nước như 3 anh em Nguyễn Phú Nhật, Nguyễn Thị Bích và Nguyễn Thị Thanh Xuân, cùng các vận động viên Nguyễn Bá Tính, Nguyễn Thị Hinh, Vũ Thị Hảo... Trong đó, Nguyễn Thị Thanh Xuân, vận động viên bơi nhiều năm lọt tốp 10 vận động viên xuất sắc toàn quốc và là một trong số hiếm hoi vận động viên Việt Nam đầu tiên dự Olympic…

Lặng sóng ở làng bơi Yết Kiêu - 1

Anh Năm, bố của Thùy Dương không muốn con theo nghiệp bơi vì không có tương lai.

Cũng chính cái thời huy hoàng ấy, thành phố rất quan tâm đến phong trào bơi lội, cử hẳn người về phát triển phong trào, làng bơi Minh Tân có hẳn những huấn luyện viên chuyên nghiệp và giỏi của Sở Thể dục thể thao về ăn ở huấn luyện vận động viên bơi. Người thầy đầu tiên của lớp bơi lội Minh Tân là thầy Trần Thừa. Hầu hết những tài năng nổi tiếng trên đều do thầy Thừa dìu dắt huấn luyện thành công. Ngoài những người con “ruột” của làng bơi Minh Tân, thì cũng chính từ dòng sông Giá của làng “Yết Kiêu”, thầy Thừa đã lập nên tên tuổi mẹ của nhân tài bơi lội Nguyễn Hữu Việt bây giờ.

Mẹ của kình ngư Việt chính là Nguyễn Thị Thảo Nhung, từng là vận động viên bơi nổi tiếng của Hà Nội về Hải Phòng đầu quân. Lấy chồng Phục Lễ, Thủy Nguyên nên chị Nhung gắn bó với phong trào bơi lội của huyện. Chính từ “lò luyện bơi” Minh Tân, chị Nhung đã mang không ít vinh quang về cho thành phố Hải Phòng

Thời nay, lớp vận động viên bơi trẻ cũng mang không ít vinh quang và tiếng tăm cho làng bơi Minh Tân như Nguyễn Trọng Tú, Đàm Thị Hậu, Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Thị Thùy Dương, Đỗ Thị Tâm, Nguyễn Thị Thùy Ninh, Vũ Thị Thêm… Nhưng có lẽ phong trào bơi ở làng “Yết Kiêu” bây giờ chẳng còn sâu và rộng như ngày trước…

“Lặng sóng” vì không có tương lai…

Làng bơi Minh Tân xưa kia sôi nổi là thế nay chỉ còn im lìm những bến, bãi với cỏ mọc và rêu xanh. Không còn tiếng trẻ con chiều chiều rủ nhau ríu rít tập bơi như trước, có chăng chỉ còn lại vài tiếng ới nhau của mấy bà, mấy chị đi giặt. Những người sống trong thời kỳ sôi nổi của phong trào bơi thoáng nỗi buồn luyến tiếc.

Vì mưu sinh, không ít kình ngư của làng bơi này đã phải giải nghệ “theo chồng bỏ cuộc chơi” như Nguyễn Thị Hường, Đàm Thị Hậu, Vũ Thị Nhung… Hậu, Nhung sau khi lập gia đình bị phản đối và vì sức khỏe, chăm lo con cái nên đành dừng sự nghiệp bơi lội. Hường may mắn hơn xin được làm cô giáo dạy bơi ở bể bơi Bến Bính ngoài thành phố. Còn Nguyễn Trọng Tú, vận động viên từng đoạt 3 Huy chương Vàng Hội khỏe Phù Đổng, 2 Huy chương Bạc giải Bơi lội toàn quốc, Vũ Thị Thêm đạt giải 3 thi bơi toàn quốc, rồi Tâm, Ninh ở cái tuổi 14, 15 đều được thành phố công nhận và nuôi dưỡng gần hai năm để thi đấu nhưng rồi những kình ngư “tương lai” cũng lần lượt dừng lại chỉ bởi một lý do “không có tương lai” như các em trả lời.

Em Nguyễn Thị thùy Dương, ở xóm Bến, Minh Tân có tổng cộng 2 Huy chương Vàng, 2 huy chương bạc và 4 Huy chương Đồng về thành tích bơi lội thành phố. Năm ngoái người của thành phố về đón em vào đội tuyển nuôi dưỡng tài năng bơi đất Cảng nhưng gia đình em nhất định không chịu cho đi. Anh Nguyễn Cát Năm, bố của Dương cho biết: “Khi bên bể bơi Lạch Tray về đón cháu đi, gia đình không đồng ý. Tôi hỏi, các anh cho cháu đi học bơi, sau này cháu hết tuổi bơi rồi thì thành phố có giúp cháu có công việc gì ổn định không hay lại đào thải ra ngoài thì các anh ấy không có câu trả lời nào chắc chắn.

Tôi hỏi, các anh cho cháu đi học bơi, sau này cháu hết tuổi bơi rồi thì thành phố có giúp cháu có công việc gì ổn định không hay lại đào thải ra ngoài thì các anh ấy không có câu trả lời nào chắc chắn”.

Anh Năm

Thầy Nguyễn Văn Thái, huấn luyện viên bơi của Trường THCS Minh Tân cũng băn khoăn “năm nào, trường cấp hai cũng tổ chức học bơi cho các em học sinh nhưng các em cũng chỉ học gọi là cho biết bơi. Người dân còn thêm nỗi lo các hóa chất độc hại của sân golf mới mở bên sông Giá nên cũng ít cho các em đi tập bơi. Vì thế phong trào bơi lội đã trầm lại trầm hơn.

Làm sao để phục dậy phong trào bơi lội như ngày trước dù chỉ bằng vài phần cũng đang làm đau đầu những người hoạch định xây dựng nông thôn mới ở Minh Tân. Chủ tịch xã, ông Vũ Đình Sơn chia sẻ: Minh Tân là xã trọng điểm xây dựng nông thôn mới của Hải Phòng nên trong đề án cũng có việc khôi phục và thúc đẩy phong trào bơi lội đi lên. Xã đang xin nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất và chế độ ưu đãi cho các vận động viên có thành tích xuất sắc. Nhưng chắc phải đợi kết quả của cấp trên… Còn hiện nay, xã đã và đang chỉ đạo Trường THCS Minh Tân giảng dạy bơi cho các em vào dịp hè để thúc đẩy phong trào bơi lội đi lên.

Đến bao giờ người ta mới lại thấy làng “Yết Kiêu” dậy sóng trở lại… Chắc ước mơ ấy còn xa vời và có lẽ cái tên Minh Tân "làng Yết Kiêu" chỉ mãi còn trong ký ức...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bùi Hương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN