Lần theo dấu vết người đàn bà 10 năm sống trong hang đá

Gần 10 năm sống một mình giữa rừng thiêng, nước độc, chị Vui đã quá quen với việc “ăn hang ở lỗ”, với bóng đêm và những bữa ăn đạm bạc, khi đói khi no.

Ký ức về gã chồng phụ bạc, ký ức về những kẻ “giữa đêm lên hang” dần phai nhạt, chị Vui lại khiến những người thân tan nát lòng khi chiều chiều ngồi cửa hang hát điệu hát ru con. Những lúc đó, người đàn bà bất hạnh lại lên vách núi, dõi mắt nhìn về phía ánh đèn. Nơi có sự tồn tại của thứ ánh sáng văn minh ấy, cũng chính là nơi đã khiến cả cuộc đời chị Vui đau khổ, khiến chị không bao giờ còn muốn trở lại một lần nữa.

Lần theo dấu vết người đàn bà 10 năm sống trong hang đá - 1

Chiều chiều, người đàn bà điên lại ra đứng nơi mỏm núi, nhìn về phía xa xăm nơi bà đã từng sống. Ảnh TG

Xót xa người mẹ mất con chẳng hề hay biết

Từ ngày thấy em gái sinh đứa con thứ hai trên hang, chị Bình càng thêm phần lo lắng. Nhiều đêm, chị thao thức lo, không biết em gái sẽ xoay sở như thế nào cho đứa trẻ nhỏ giữa rừng hoang vắng. Nghĩ rồi lại bứt rứt không yên, chị Bình quyết định lên kế hoạch đón đứa bé về nhà nuôi dưỡng. “Chục ngày sau khi Vui sinh, tôi âm thầm lên hang Hố U. Chờ lúc Vui đi vào rừng hái quả dại, tôi bế bé rồi chạy xuống dưới đường, nơi cô em gái đã đứng chờ sẵn chở bé về nhà. Lo Vui quay về không thấy con sẽ gào khóc hoặc nổi cơn điên loạn, tôi quay lại hang để xem xét tình hình. Khi tôi hỏi con đâu, Vui thờ ơ nói: “Thần rừng bắt con tôi đi rồi chị ạ, tôi đi hái quả về đã thấy mất con rồi”. Thấy Vui không nói gì nữa mà đưa quả lên miệng ăn ngon lành, tôi mới dám đi xuống núi”, chị Bình nói.

Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, đồ đạc chẳng có gì giá trị, bà Bình đang nựng thương và dỗ dành cháu nhỏ uống sữa. Chị Bình tâm sự: “Trước đây, tôi vốn làm nghề đi chặt mía thuê. Từ ngày có cháu, tôi không đi làm được nữa. Được cái, chồng tôi là một người tốt bụng và thương người nên tôi mới có thể đem cháu về nuôi. Ông ấy đã từng đi lính về. Cũng như tôi, chồng tôi thương hoàn cảnh của mẹ con Vui, chứ không tôi cũng không biết phải làm như thế nào”.

Lần theo dấu vết người đàn bà 10 năm sống trong hang đá - 2

Cháu Việt nhiều khi nhớ hơi mẹ, hờn khóc không ai dỗ được. Ảnh TG

Khuôn mặt ánh lên niềm vui, chị Bình tiếp lời: “Tôi mang cháu về nuôi và đặt tên là La Quốc Việt. Khi mới sinh, cháu yếu lắm và rốn bị chảy nước, lại thêm bị thêm viêm phổi. Nhờ được chăm sóc kỹ càng, cháu bụ bẫm lắm, không đau ốm và phát triển khỏe mạnh. Thi thoảng nhớ hơi mẹ, cháu cứ khóc ngằn ngặt đến lả đi, tôi dỗ như thế nào cũng không nín. Gia đình tôi cũng khó khăn nhưng thương cháu cố gắng nuôi, cháu phải ăn sữa ngoài nên rất tốn kém. Tôi chỉ mong sao nuôi cháu lớn khôn, để sau này nó đi làm nuôi mẹ là tôi mãn nguyện lắm rồi”.

Cũng theo chị Bình, 3 đứa con với chồng của chị Vui không ngó ngàng gì tới mẹ cả, phần vì còn nhỏ, phải trông chờ vào bà nội và bố, phần vì sợ mọi người và bạn bè cười chê khi có bà mẹ tâm thần bất ổn. Ông Khẳm - chồng bà Vui không còn vào Nam làm ăn nữa, nhưng từ ngày bà Vui phát bệnh bỏ đi cũng chưa được một lời thăm hỏi nào. Thậm chí, ông cũng chưa từng một lần đi tìm vợ mình. Không những thế, thời gian gần đây ông Minh còn đang rục rịch chuẩn bị để lấy vợ mới, nhưng vì chưa ly dị được với bà Vui nên chưa làm đám cưới được.

Bà Bình cho biết, hai năm qua, không ít đôi vợ chồng hiếm muộn đến xin nhận cháu Việt làm con nuôi nhưng gia đình không đồng ý. “Những người đó đều ở xa, chúng tôi sẽ không có thời gian qua thăm cháu. Nuôi cháu từ nhỏ nên không gặp được cháu nữa thì chúng tôi sẽ nhớ nó lắm. Thêm vào đó, nỗi lo cháu về nhà người ta liệu có được chăm sóc tốt hay không làm chúng tôi thấy bất an. Gia đình chúng tôi thà vất vả cũng nhất quyết phải nuôi cháu nên người. Tôi không muốn mình phải ân hận thêm một lần nữa. Đời mẹ nó đã khổ rồi, tôi không muốn đời nó cũng như vậy”.

Lần theo dấu vết người đàn bà 10 năm sống trong hang đá - 3

Ông Kiều Việt Luân chia sẻ cùng phóng viên. Ảnh TG

Trò chuyện với chúng tôi, ông Chính, Trưởng thôn Giăng, cho biết: “Hoàn cảnh của cô Vui là trường hợp được quan tâm đặc biệt của thôn. Ba năm trở lại đây, thôn đã làm giấy tờ cho cô Vui hưởng trợ cấp với số tiền 270.000 đồng/tháng. Số tiền đó, hàng tháng chị Bình vẫn nhận hộ em gái để thêm thắt mua sữa cho cháu Việt. Nhìn đứa bé kháu khỉnh và bụ bẫm, mọi nguời trong thôn ai cũng thương và yêu quý. Hàng năm vào những ngày lễ Tết, các ban ngành, đoàn thể trong thôn vẫn qua nhà thăm hỏi và động viên gia đình. Tết năm vừa rồi, các cô giáo ở trường mầm non của huyện đã qua nhà chơi, tặng cháu Việt 300.000 đồng và ngỏ lời khi nào Việt đủ 3 tuổi sẽ nhận nuôi cháu. Việt đi học sẽ được giảm tiền ăn bữa trưa”.

Không bao giờ về làng sinh sống

Mỗi lần “hạ sơn” đi lang thang, chị Vui lại ghé vào chị gái. Thấy em về, lần nào chị Bình cũng sắp thêm quần áo, gạo ngô, cơm nguội cho em mang lên hang dự trữ để ăn dần nhưng chị Vui nhất định không lấy bất cứ thứ gì. Có lần, chị Bình thương em mang cơm, mang gạo lên tận hang Hố U. Nhưng một tháng sau, chị lên thì vẫn thấy túi gạo ở đó, túi cơm đã lên mốc meo mà em gái vẫn chưa hề động đến. “Nó khó tính lắm, đã bảo không ăn là ai cho gì cũng không lấy, vì nó nói tự nó nuôi được thân mình. Có lần Vui đi lang thang ở chợ, người thương mua cho bát mì nhưng nó nhất quyết không ăn. Nó mang bát mì đổ ra đường, rồi đi nhặt những thứ người ta bỏ ở đống rác để lấy ăn”.

Những lần Vui về nhà, chị Bình bảo Vui bế con thì người mẹ bất hạnh cứ chối đây đẩy với lý do: “Đây là con chị chứ không phải con em. Con em lớn hết cả rồi cơ mà”. Nghe em nói, chị Bình chạnh lòng, vừa thương em vừa thương cháu. Càng đau xót hơn khi không nhớ con mình là con ai, luôn suy nghĩ chúng đã lớn nhưng chị Vui chiều chiều lại ê a những câu hát ru con đầy ai oán. Có lẽ, nỗi ám ảnh bị chồng ruồng bỏ, bị kẻ xấu hãm hại đến sinh con đã khiến tâm thần chị bị chấn động đến mức không còn có thể hồi phục.

10 năm sống vật vờ như một “bóng ma” trong hang đá, chị Vui không còn khỏe mạnh và tinh nhanh. Nhưng khi chúng tôi hỏi có muốn rời núi Hố U về làng, người đàn bà bất hạnh lập tức lắc đầu. Quay đi gạt nước mắt, chị Bình tâm sự: “Nhiều lần, mấy chị em tôi đã lên tận hang ngọt nhạt khuyên nhủ nhưng Vui nhất quyết không chịu về làng. Mọi người gặng hỏi vì sao, Vui chỉ nói: “Tôi chẳng muốn gì, chỉ muốn người ta không đến phá “nhà” của tôi nữa. Tôi muốn sống trên rừng và khi chết cũng ở trên rừng. Tôi muốn hồn mình hòa vào với cánh rừng mẹ bạt ngàn, có vậy đời tôi mới hết khổ”.

Trước khi chia tay ngọn núi Hố U đầy bí ẩn, chị Vui dẫn chúng tôi ra khoe những sản vật thường hái ăn được ở cái nơi heo hút mây ngàn này. Đó chỉ là những cây rau cải nương, cây táo hay cây mận hoang dại. Nhưng với chị Vui, những thứ ấy đã đủ cho cuộc sống rồi. Chiều tàn, ngọn núi Hố U càng trở nên âm u tĩnh mịch và lạnh lẽo hơn. Khi chúng tôi xuống, tiếng người đàn bà hát vẫn văng vẳng vọng âm khắp cả khu rừng. Lời bài hát nghe ai oán, giai điệu rời rạc và u buồn như chính cuộc đời bất hạnh và trái ngang của chị.       

Chính quyền sở tại cũng bó tay

Chia sẻ với chúng tôi về trường hợp của chị La Thị Vui, ông Kiều Việt Luân, Phó chủ tịch UBND xã Yên Định (tỉnh Bắc Giang) chia sẻ: “Trường hợp của chị Vui rất khó giải quyết vì chị ấy không phải là người bên xã tôi. Chị Vui chỉ đang cư trú trong địa phận của xã. Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần lặn lội lên tận hang Hố U, vận động chị trở về với cuộc sống đời thường, về bệnh viện để được hỗ trợ và chăm sóc nhưng chị không chấp nhận. Đã có lần, chúng tôi phải quyết liệt cho người lấp hang nhưng chị vẫn kiên quyết bám trụ. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp cùng với chính quyền xã Cẩm Đàn để vận động chị Vui xuống núi. Thực sự cũng khó khắn lắm, vì chị Vui thì chỉ thích ở trong rừng thôi”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Khuê - Hồ Phúc (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN