Làm xăng bẩn: Quá dễ

Việc quản lý, kiểm soát quy trình lưu thông xăng dầu trên thị trường hiện có quá nhiều kẽ hở để các tạp chất có thể “chui” vào, gây ra các vụ cháy xe trong thời gian gần đây.

Theo kết luận mới nhất về nguyên nhân gây cháy xe vừa được các cơ quan nghiên cứu ở TPHCM công bố, thủ phạm chính là xăng có pha ethanol, methanol với hàm lượng lớn. Như vậy, đã có sự lơi lỏng trong khâu quản lý, lưu thông xăng dầu để các đại lý, cửa hàng xăng dầu lợi dụng pha tạp chất vào nhiên liệu nhằm tăng lợi nhuận.

Kẽ hở quản lý

Theo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, đầu mối quản lý Nhà nước về chất lượng xăng dầu là Bộ Khoa học - Công nghệ. Trách nhiệm quản lý lưu thông hàng hóa trên thị trường thuộc Bộ Công Thương.

Vừa rồi, thông qua kiểm tra ngẫu nhiên trên thị trường, cơ quan QLTT - Bộ Công Thương đã phát hiện nhiều trường hợp gian lận thương mại như xăng có pha methanol, ethanol để làm tăng chỉ số octan, pha xăng A83 vào A92 để bán theo giá xăng A92.

Làm xăng bẩn: Quá dễ - 1

Cồn ethanol, methanol được bày bán tràn lan ở chợ Kim Biên, quận 5 - TPHCM

Để hạn chế tình trạng vi phạm nói trên, tháng 4/2012, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học - Công nghệ đã thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấm dứt sản xuất, nhập khẩu và sử dụng, lưu thông xăng A83 trên thị trường ngay từ năm nay. Trung bình mỗi năm, Việt Nam vẫn sản xuất khoảng 400.000 m3 xăng A83, chiếm khoảng 5% sản lượng xăng, dầu nhập khẩu, lưu thông mỗi năm.

Cũng theo Vụ Thị trường trong nước, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu phải chịu trách nhiệm về chất lượng xăng, dầu trong toàn bộ hệ thống phân phối của mình, từ khâu nhập khẩu, tồn trữ, vận chuyển đến cửa hàng bán lẻ; đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng xăng, dầu đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu thuộc hệ thống phân phối.

Ông Vương Đình Dung, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam, cho biết mặc dù quy trình quản lý chất lượng mặt hàng này rất chặt chẽ nhưng vẫn còn những kẽ hở, không tránh được tình trạng đại lý pha tạp chất vào xăng.

Đại diện Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) cho biết doanh nghiệp này bán hàng theo hình thức giao nhận tại kho, tổng đại lý chịu trách nhiệm vận chuyển hàng đến nơi bán lẻ. Như vậy, hiện tượng gian lận chất lượng xăng, dầu là hoàn toàn có thể xảy ra trong khâu vận chuyển, nếu đại lý không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Thậm chí, chính đại lý cũng có thể là người chủ động pha trộn tạp chất vào xăng để kiếm lời. Cũng theo vị này, các trường hợp gian lận thương mại vừa qua tại TPHCM chỉ bị rút phép có thời hạn, lâu nhất là 12 tháng. Mức chế tài này không đủ sức răn đe.

Không pha cồn mới lạ!

Khảo sát các khu vực chuyên kinh doanh hóa chất tại TPHCM như đường Tô Hiến Thành (quận 10), Hồng Bàng (quận 11), khu vực chợ Kim Biên (quận 5) cho thấy mặt hàng ethanol, methanol được bày bán tràn lan, muốn mua bao nhiêu cũng có, giá bán lại khá rẻ.

Tại khu vực chợ Kim Biên, người bán ethanol, methanol chào rất nhiều giá. Phần lớn người bán đều không phân biệt được “ê” (ethanol) hay “mê” (methanol) mà chỉ biết cồn thực phẩm và cồn công nghiệp. Ai mua thứ nào cũng bán, không cần điều kiện. Các mặt hàng hóa chất bán ở đây kể cả cồn “ê” và cồn “mê” đều chứa trong bao bì không nhãn mác, không thông tin cần thiết.

Giá cồn công nghiệp thường bán lẻ 14.000 - 15.000 đồng/kg nhưng cũng có nơi chỉ bán 13.000 đồng/kg. Cồn thực phẩm dao động 19.000 - 20.000 đồng/kg. Qua nhiều điểm bán hóa chất mới tìm được một người bán hàng am hiểu về các loại cồn. Ông T., bán hóa chất tại một cửa hàng ở chợ Kim Biên, giải thích cồn ethanol dùng cho thực phẩm còn cồn methanol dùng cho công nghiệp. Ông cho biết khách mua nguyên phuy (mỗi phuy 160 kg) sẽ có giá rẻ hơn, cồn methanol giá chỉ 11.000 - 11.500 đồng/kg, cồn ethanol khoảng 16.000 đồng/kg. Ở khu vực đường Tô Hiến Thành, giá cồn khá “lung tung” 15.000 - 20.000 đồng/kg cũng có nhưng có loại lên tới 70.000 đồng/kg. Ông Lê Thanh Bình, phụ trách kinh doanh tại một cửa hàng ở đây, giải thích: Giá chênh lệch tùy thuộc độ tinh khiết của cồn.

Khi nghe gợi chuyện xăng bẩn, ông T. khẳng định: “Tôi biết chính xác là những người bán xăng lề đường có pha cồn vì họ là mối của tôi mà”. Về chuyện những điểm bán xăng dầu lớn có thể pha cồn vào xăng, ông T. phân tích: “Nếu mua với số lượng lớn, giá cồn công nghiệp chỉ còn 7 - 8 triệu đồng/tấn (7.000 - 8.000 đồng/kg - PV) nên họ không pha vào xăng để kiếm lời to mới là lạ”.

Lượng methanol nhập khẩu tăng đột biến

Nghi vấn methanol và ethanol được pha vào xăng với hàm lượng lớn là có cơ sở bởi theo số liệu hải quan, lượng methanol nhập khẩu vào nước ta và tiêu thụ tăng đột biến trong 2 năm gần đây. Cụ thể, năm 2008 tiêu thụ khoảng 52.000 tấn, năm 2009 khoảng 66.000 tấn, năm 2010 vọt lên hơn 90.000 tấn và năm 2011 vẫn còn hơn 80.000 tấn. Tại các đô thị lớn, methanol và ethanol được bán tràn lan, không ai kiểm soát.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà - Nguyễn Hải ([Tên nguồn])
Hàng loạt xe tự cháy, nổ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN